Cán bộ yếu kém, làng nhàng nhưng rất khó đuổi

Ngày 3/7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 14. Tại đây, nhiều đại biểu đã thẳng thắn phản ánh về chất lượng, bằng cấp của cán bộ cơ sở.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

  Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh HNP

Theo ông Đỗ Mạnh Hải - Bí thư Quận ủy Long Biên, có những việc rất thiết thực, cán bộ, công chức không học, mà lại học “ở đâu”. Thế nên, đi học về không giải quyết được công việc. Do vậy, Bí thư quận Long Biên đề xuất, phải đổi mới trong công tác đào tạo. Tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.

“Cán bộ, công chức đi học về để phục vụ chính việc đang làm. Chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình hoành tráng hơn. Như vậy, không giải quyết được vấn đề gì cả”, Bí thư quận Long Biên nói.

Ông Đỗ Mạnh Hải cho rằng, không phải cứ có bằng cấp là cán bộ, công chức đáp ứng được công việc. Vì vậy, cần có biện pháp đánh giá cán bộ, công chức sau khi đi học về. Nếu không đáp ứng được công việc thì phải điều chỉnh.

Cùng vấn đề, ông Tô Quang Phán - Tổng Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội chia sẻ, đài này hiện có hơn 719 người (nhiều người nhất trong các đài địa phương), trong đó có hơn 500 biên chế, 200 hợp đồng.

Theo ông Phán, hiện nay đài có khoảng 40% cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. “Họ cứ đi ra, đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi. 40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ thành phố đến Trung ương trở xuống”, ông Phán nói.

Những tồn tại trên được ông Phán cho là do lịch sử để lại. Cụ thể là khâu tuyển chọn đầu vào trước đây thấp, nhiều người đào tạo 2 năm không làm được việc.

Do vậy, ông Phán đề nghị Thành ủy tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ. Đặc biệt, tuyển chọn đầu vào cán bộ cơ sở cần chặt chẽ hơn nữa. Nếu không sẽ vẫn mở cửa cho một người “làng nhàng” vào làm việc trong bộ máy hành chính.

Nêu ngay thực tế tại cơ quan mình, theo ông Phán, có những người đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì.

Phát biểu kết luận hội nghị, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã có nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác. Trong đó, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, cần nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, nhìn nhận còn một số hạn chế, khuyết điểm như một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và người dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém, còn có những vấn đề phức tạp. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị…