Các địa phương không được “làm quá” gây cản trở cho dân

(Mặt trận) - Chiều 5/2, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 5/2. Ảnh: VGP/Đình Nam 

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ 25/1 đến nay đã ghi nhận 389 trường hợp mắc tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (287 trường hợp), Quảng Ninh (46), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Điện Biên (2), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TPHCM (1), Bắc Giang (1). Từ 6h00 đến 11h00 sáng ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận tổng số 14 trường hợp mắc mới tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (9), Điện Biên (2), Quảng Ninh (2) và Hà Nội (1 trường hợp).

Tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt

Trong 2 ngày trở lại đây, chỉ có 6/10 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh mới (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh). Phần lớn các trường hợp mắc mới tại các tỉnh này là những người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng...

Theo Bộ Y tế, trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng biến thể SARS-CoV-2 mới, đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách, triển khai chống dịch kịp thời, hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát rộng tại các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế kiến nghị: Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo 22/TB-VPCP; Thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM…

Các đại biểu cũng đã bàn một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát đi lại của người dân trong hoàn cảnh có dịch; điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; đánh giá tình hình ổ dịch xuất hiện tại tỉnh Điện Biên…

Bình tĩnh ứng phó, tránh gây sốc

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, vừa qua công tác phòng chống dịch đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng như thời gian qua để vừa tổ chức khoanh vùng dập dịch hiệu quả, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, xã hội.

Qua thực tiễn chống dịch 10 ngày qua, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng rất cần bình tĩnh ứng phó. Kể cả những địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch như Gia Lai, thì Trung ương và những địa phương có kinh nghiệm khác sẽ hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh.

Do đó, khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh ban hành những quy định hay những việc làm gây sốc cho xã hội.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của chính quyền cơ sở, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các địa phương, đặc biệt ở tuyến cơ sở phải kiểm soát được người ra vào địa bàn. Cũng như cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống dịch.

Truy vết tích cực, phong toả nhiều lớp, xét nghiệm diện rộng

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ sẽ sớm ban hành văn bản điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam 

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng;

Chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mặc bệnh tại cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15/CT-TTg phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao;

Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng;

Thực hiện nghiêm việc cách ly; tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính; khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu…

Người không sinh sống trong khu vực phong tỏa vẫn được đi lại bình thường

 

Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê.

PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.

Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong toả là “nội bất xuất ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.

Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).

Các địa phương “không được ngăn sông cấm chợ”, không được “làm quá” yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP. Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.

Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc “phong toả trong phong toả”, cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hoá cho bà con được lưu thông trong dịp Tết.

Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung cho phù hợp

Vừa qua, chúng ta quy định thời gian cách ly tập trung là 21 ngày (trước đó, quy định cách ly tập trung là 14 ngày). Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 đều vào khoảng từ14 ngày. Vì vậy, Bộ Y tế đang xem xét nhưng phân tích khoa học cuối cùng để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung.  Thực tế, các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung là 14 ngày.

Ổ dịch ở Điện Biên sẽ sớm được kiểm soát

Về diễn biến dịch bệnh tại tỉnh Điện Biên, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định diễn biến dịch bệnh ở địa phương này có nhiều điểm giống như ở Gia Lai.

Hiện ở Điện Biên chính thức có 3 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2 ca về đến địa phương là được cách ly tập trung ngay. 1 ca phát hiện ngay sau khi về nhà, hiện địa phương đang khẩn trương tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia, bác sĩ lên hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên phòng chống dịch. Các chuyên gia dự đoán, tình hình dịch bệnh ở Điện Biên sẽ sớm được kiểm soát.

Kiểm soát chặt các phương tiện vận tải công cộng

Tuy nhiên qua thực tiễn chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) bắt thả khách dọc đường, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đặc biệt lo ngại, vì chuyến xe này chứa nhiều rủi ro. Hiện nay các lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết, tìm hành khách xuống xe dọc đường.

Bên cạnh đó, do thời gian gần tết, người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…); yêu cầu xử lý thật nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch; đề nghị bà con thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm và phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Công Thương, VHTTDL, Giao thông vận tải,... cho biết mặc dù Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương đều đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng nhà máy xí nghiệp,... tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn) và cam kết theo đúng quy định )., tuy nhiên, các địa phương vẫn làm rất chậm.

Đơn cử, về cập nhật thông tin của các trung tâm thương mại, nhà hàng ở 63 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết có 14 tỉnh cập nhật tương đối đầy đủ, 38 tỉnh cập nhật nhưng còn thiếu nhiều thông tin, 24 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng, 11 tỉnh chưa cập nhập.

Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc quyết liệt, sâu sát hơn nữa, có như vậy chúng ta mới có thể truy vết khoanh vùng được ngay những ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất kinh doanh.