(Mặt trận) - Chiến lược vaccine, việc tiếp cận vaccine sớm nhưng mua bị chậm hơn các nước, việc bảo đảm công bằng trong tiêm chủng vaccine phòng Covid - 19 giữa các địa phương... được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong sáng ngày 10/11. Nhận trách nhiệm về vấn đề này, "tư lệnh ngành" y tế khẳng định, đến nay, đã hoàn thành chiến lược tổng thể về Covid - 19, trong đó, Bộ Y tế có kế hoạch triển khai để đảm bảo tiêm vaccine cho năm 2022.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Vẫn phải dồn vaccine cho những địa bàn "rất nóng"
Vaccine là vấn đề chuyên môn sâu của ngành y tế. Do đó, ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) yêu cầu Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu để sớm triển khai chiến lược vaccine. Bộ trưởng có kế hoạch và giải pháp gì cho chiến lược tiêm vaccine công bằng khi hiện nay, có địa phương đã tiêm đủ vaccine cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên, thậm chí có địa phương dự kiến sẽ tiêm mũi thứ 3 trong thời gian tới nhưng nhiều địa phương ở Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa tiêm đủ cho người từ 18 tuổi trở lên?.
|
ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) phát biểu |
Về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có các thỏa thuận cung ứng vaccine lên tới gần 200 triệu liều và thời gian tới có thể nhiều hơn 200 triệu liều vaccine sẽ được nhập khẩu để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Thời gian qua, chúng ta cũng đã thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo và đặc biệt là trao đổi, vận động các nước, các công ty, đơn vị cung ứng vaccine để làm sao tăng lượng vaccine về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất.
Cùng với đó, chúng ta đã triển khai việc tự chủ đối với vaccine qua việc nghiên cứu sản xuất. Về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thì hiện đã có đơn vị trong nước tự nghiên cứu sản xuất, tới đây khả năng sẽ được cấp phép. Thêm vào đó, đã có 2 đơn vị chuyển giao công nghệ là Vabiotech đã có chuyển giao công nghệ cũng như đóng ống từ vaccine của Nga hay như Vingroup chuyển giao công nghệ vaccine của Mỹ.
"Chúng ta đã triển khai chiến lược tiêm chủng quy mô lớn nhất chưa từng có. Cho đến nay, Việt Nam đã tiêm được trên 94 triệu người. Đối với việc phân bổ vaccine, Bộ Y tế dựa trên Nghị quyết số 21/NQ-CP Chính phủ trong việc phân bổ theo những yếu tố nguy cơ theo tình hình dịch theo địa bàn", Bộ trưởng cho biết.
Cụ thể, theo quan điểm và chỉ đạo chung của Bộ và đặc biệt theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm thêm mũi 1 và đồng thời tiêm mũi 2 cho các địa phương. Lượng vaccine hoàn toàn đảm bảo đủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi và đảm bảo đủ cho người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi. Việt Nam có 200 triệu liều vaccine và 72 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên có thể tiêm đủ 2 mũi. Đối với mũi thứ 3, Bộ trưởng cho biết, tới cuối năm 2021 mới có kế hoạch để tiêm. Một vài địa phương đưa ra tuyên bố sẽ tiêm mũi 3 nhưng Bộ Y tế cũng đề nghị phải theo hướng dẫn chung của Bộ để đảm bảo công bằng nhất định đối với việc phân bổ vaccine. "Tuy nhiên, có những địa bàn rất nóng và vẫn phải dồn vaccine về địa bàn đó", ông Long cho biết.
Mọi vaccine được cấp phép là đảm bảo an toàn với trẻ em
|
ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) phát biểu |
Thông tin thêm về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua bị chậm hơn là do tình trạng khan hiếm vaccine, một số nước có vaccine đặt hàng với số lượng lớn, dẫn tới có tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine. Chưa kể tâm lý sử dụng vaccine, từ chối không tiêm vaccine diễn ra ở quy mô toàn cầu. Khi mua vaccine cũng phải vượt qua rào cản về mặt pháp luật, phải chấp nhận mọi điều kiện của bên bán mà không được thương thuyết điều kiện, chấp nhận mọi rủi ro như giao hàng chậm, giá cả, không được trả lại vaccine, giao hàng không đúng thời hạn... Tất cả những điều này đã gây khó khăn cho việc mua bán, nhập vaccine trong thời gian qua.
"Về vấn đề này, Bộ Y tế nhận trách nhiệm. Bộ có kế hoạch triển khai để đảm bảo tiêm vaccine cho năm 2022". Nhấn mạnh vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, đến nay đã hoàn thành chiến lược tổng thể về Covid - 19.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) về thông tin hiện nay cho rằng, việc tiêm vaccine phòng Covid - 19 theo công nghệ mRNA cho trẻ em ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vậy cơ sở khoa học để triển khai tiêm vaccine Covid - 19 đại trà cho trẻ em là gì? - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc tổ chức tiêm cho trẻ em đã tổng kết, căn cứ theo hướng dẫn của WHO, FDA, cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ… chính thức cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ ở gần 40 nước. Cách làm là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có bệnh lý nền. Hiện vaccine duy nhất sử dụng cho trẻ em là Pfizer đã được cấp phép.
Về cơ chế khi tiêm vaccine tác động đến cơ thể trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định khi vào cơ thể, vaccine không xâm nhập hệ gene ADN mà sẽ tạo ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus. Do đó, những ý kiến cho rằng gây đột biến, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc phát triển của trẻ đã được khẳng định là không có. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, vấn đề này vẫn đang được tiếp tục theo dõi. Thông tin thêm về công nghệ vaccine bất hoạt của vaccine cho trẻ em mà Sinopharm sản xuất, cũng được đánh giá là an toàn với trẻ. "Mọi vaccine được cấp phép là đảm bảo an toàn với trẻ em", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Không cách ly tập trung người đã tiêm vaccine đi cùng thang máy với F0
|
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn sáng 10/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN) |
Trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu vấn đề, nhiều cử tri sống tại chung cư bày tỏ lo lắng về chính sách của một số địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội về việc bắt buộc đưa F1 đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể, thí dụ như đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc 5K nhưng chỉ vô tình đi chung thang máy vài chục giây với F0 là đã trở thành F1 và bị bắt buộc đưa đi cách ly tập trung 14 ngày. Trong khi đó, họ hoàn toàn có đủ điều kiện để tự cách ly tại nhà và cam kết thực hiện việc cách ly.
Theo đại biểu, cách làm này gây lãng phí về nguồn lực, dễ gây tổn hại về tinh thần, dễ lây nhiễm chéo và không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, căn cứ Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly đối với những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về, đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định. Theo đó, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ cần theo dõi y tế tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ nhất. Người đã khỏi bệnh cũng áp dụng tương tự như vậy.
Đối với những người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, còn người chưa tiêm mũi nào sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các điều kiện của từng địa phương và theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư hay những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa được tiêm vaccine thì cố gắng triển khai việc cách ly linh hoạt để bảo đảm an toàn.
Đối với trường hợp cụ thể như đại biểu đã nêu, Bộ Y tế đã kiến nghị áp dụng rất cụ thể và cũng đã có văn bản hướng dẫn. Theo đó, đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.
Về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại nhà thì trong trường hợp này có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không, Bộ trưởng cho biết, tình trạng này cũng đã xảy ra đối với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội.
“Bộ Y tế đã trao đổi với thành phố Hà Nội, trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đã nêu rất rõ trường hợp này chỉ cách ly tại nhà 7 ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ cụ thể về những đối tượng tiêm 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh. Do đó, Bộ trưởng đề các địa phương áp dụng thống nhất theo các quy định nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trong bối cảnh chúng ta đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, Bộ trưởng cho rằng, muốn kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương trên cả nước để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 128.
Giải pháp nào nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở?
|
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) |
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chất vấn: Từ thực tế công tác phòng, chống dịch nước ta thời gian vừa qua cho thấy năng lực y tế còn nhiều bất cập, nhất là năng lực y tế cơ sở, năng lực y tế dự phòng. Cử tri cho rằng chúng ta đã tập trung quá nhiều nguồn lực cho y tế điều trị, y tế chuyên sâu tuyến trên mà chưa quan tâm đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở một cách thỏa đáng. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này, các giải pháp nào nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng đã được quan tâm trong thời gian qua nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Theo Nghị quyết 18 của Quốc hội Khóa XIII, chúng ta phải dành tối thiểu 30% ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng. Nhưng thực tế có những địa phương quan tâm dành ngân sách cho y tế dự phòng khá lớn, nhưng có địa phương rất thấp. Thậm chí có nơi từ 7-24%, tức là không đáp ứng được theo Nghị quyết 18 của Quốc hội. Mặt khác, đối với đầu tư cho y tế dự phòng hiện nay còn rất hạn chế, rất ít các dự án đầu tư công cho vấn đề về y tế dự phòng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng đề án tăng cường năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay. Trong đó cả 3 cấp là trung ương, cấp tỉnh, thành phố và đối với các tỉnh, thành phố và đối với các địa phương.
Đối với Trung ương, chúng ta sẽ hình thành các CDC và cố gắng đầu tư cho một số hoạt động mang tính chất cơ bản, đó là đầu tư cho labo an toàn sinh học cấp độ 4, bởi hiện chưa có labo nào đạt đến cấp độ 4 trong vấn đề về nghiên cứu, bảo quản cũng như phát triển đối với những vấn đề về mầm bệnh. Chúng ta chỉ có labo an toàn sinh học cấp độ 3.
Đối với các địa phương, hiện nay theo cơ chế sắp xếp, chúng ta dồn các trung tâm lại, có thể có nơi có 10 trung tâm, có nơi có 15 trung tâm thành lập các CDC, nhưng đầu tư cho cơ sở vật chất vào một trung tâm như vậy là không đáp ứng theo yêu cầu. Một số các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hà Nội vào một số địa phương khác đã có kiến nghị cần tăng cường đầu tư làm sao đảm bảo các trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh, thành phố đó có đáp ứng theo đúng yêu cầu và vẫn đủ năng lực cho vấn đề ứng phó với đại dịch. Một số địa phương sẽ được khuyến nghị phải có labo an toàn sinh học cấp độ ba có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Vấn đề nữa là nhân lực y tế dự phòng là một vấn đề hết sức quan tâm; trong đó tăng cường đào tạo bác sĩ y tế dự phòng, tăng cường đào tạo chuyên khoa, y tế dự phòng và nhất là các chính sách đối với cán bộ y tế dự phòng.
Có lợi ích nhóm trong nhập kít xét nghiệm hay không?
|
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu chất vấn |
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về việc loạn giá xét nghiệm Covid-19 khi mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí đến 450 nghìn đồng/lần xét nghiệm. Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập kít xét nghiệm hay không? Tại sao có chuyện này xảy ra? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào khi để giá xét nghiệm trôi nổi như thế? ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đưa ra câu hỏi về giá cả trong quản lý xét nghiệm trong thời gian vừa qua, trong khi sáng nay mới chính thức có giá do Bộ Y tế công bố còn trước đây thì giá tại mỗi cơ sở lại khác nhau. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý giá cả các bộ kít xét nghiệm và giá xét nghiệm Covid - 19 như thế nào?
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề trang thiết bị y tế, sinh phẩm trước đây không thuộc lĩnh vực quản lý và mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Trong khi đó, giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau và giữa các nước sản xuất. Ví dụ, Châu Âu là một giá, so với châu Mỹ hay như đối với Trung Quốc là giá khác. Giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm, sinh phẩm có khác nhau qua các thời điểm, có những thời kỳ do nhu cầu rất nhiều mà nguồn cung thì ít nên giá thành cũng cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ: Bộ Y tế đã triển khai bình ổn giá rất quyết liệt. Cụ thể, Bộ đã từng bước minh bạch hóa việc cung ứng đối với trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Vào tháng 7.2020, Bộ đã yêu cầu đối với tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất đối với trang thiết bị y tế phải công khai niêm yết giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ đã liên tục yêu cầu đối với tất cả những doanh nghiệp tăng nguồn cung đối với việc cung ứng cho thị trường Việt Nam và hạ giá thành sản phẩm. Bộ Y tế đã có hai văn bản đề nghị đối với doanh nghiệp cùng chung tay đối với phòng, chống dịch và hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, Bộ đã tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị. Trước đây, có rất ít mặt hàng được cấp phép. Nhưng sau khi các doanh nghiệp tất cả các nước trên thế giới đều tăng sản xuất thì đến nay chúng ta đã thực hiện cấp phép cho 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán được cấp phép trong đó test nhanh là 60, PCR là 43 và kháng thể là 28. Chúng ta cũng tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước. Con số mà Bộ Y tế nắm được cho đến nay, ta đã vận động tài trợ trên 50 triệu kit xét nghiệm và riêng thành phố Hồ Chí Minh, ngoài phần Trung ương phân bổ cho các địa phương thì thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được các doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu kít xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, giảm giá thành là một trong những yêu cầu đặt ra. Vì vậy, Bộ Y tế đã liên tục có những hướng dẫn cho gộp mẫu. Ngay từ Bắc Giang đã triển khai gộp mẫu, kể cả đối với test nhanh có thể gộp 3 đến 5 người. Đối với test PCR có thể gộp 10 người và thậm chí có nơi như Đà Nẵng gộp tới 20 người. Điều này được cho phép về mặt chuyên môn để giảm giá xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đã liên tục có những điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm. Tùy từng thời điểm, tùy từng mức độ có những điều chỉnh một cách rất phù hợp với tình hình thực tế trên quan điểm phòng, chống dịch một cách rất hiệu quả nhưng phải tiết kiệm. Từ ngày 1.7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sẽ sôi động hơn, tức là việc triển khai test nhanh sử dụng nhiều hơn, lập tức Bộ đã có văn bản yêu cầu đối với tất cả các đơn vị thuộc Bộ và yêu cầu đối với tất cả các địa phương phải thực hiện theo phương thức thực thanh, thực chi. Trong trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào.
Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị đối với các cơ sở tư nhân. Có một số đơn vị do quá bận công tác phòng, chống dịch cho nên đến tận tháng 9.2021 được yêu cầu phải thực hiện theo đúng chỉ đạo phải tự thanh, tự chi, chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, giá đấu thầu, đơn vị đã nhận lỗi do mải mê chống dịch quá nên cũng không thực hiện được. Bộ Y tế đã nhắc nhở để địa phương chấn chỉnh.
Trong đó, khi dịch xảy ra ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã có 2 công điện vào ngày 7.5 và 10.5 với tất cả các cơ sở y tế không được phép thu tiền của người bệnh trong việc xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp có bảo hiểm y tế thì được thanh toán bảo hiểm y tế và những trường hợp không có bảo hiểm y tế sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.
"Bộ cũng đã có văn bản, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có văn bản nhắc nhở đối với các địa phương trong vấn đề thực hiện theo đúng các quy định về mặt pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và được đưa vào trong chương trình thanh tra trong năm 2022 trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy sản xuất trong nước, hiện nay, Việt Nam có 8 đơn vị sản xuất trong nước cung cấp cả kit xét nghiệm nhanh cũng như cung cấp kít xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng thể. Năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng cơ bản đáp ứng đầy đủ. Bộ Y tế cũng thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất những phương pháp chẩn đoán mới như chẩn đoán qua hơi thở, chẩn đoán qua nước bọt để làm giảm giá thành và tăng tính tiện ích đối với người dân. Ngay ngày 8.11, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. "Thêm vào đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-BYT về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Qua đó, Bộ y tế chỉ tính giá tối đa. Đối với giá xét nghiệm nhanh chỉ được thanh toán mức độ 106.000 đồng. Còn nếu có đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn giá đó chỉ được thu giá thấp hơn", ông Long nói.
Có tình trạng buông lỏng giá xét nghiệm
Cơ bản thống nhất với giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tuy nhiên sử dụng quyền tranh luận ngay sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng quản lý đối với giá xét nghiệm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng mỗi địa phương có giá khác nhau. Mặc dù, giá kít xét nghiệm nhập về có chênh lệch, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với giá xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh, thực chi và mặt khác đối với các đơn vị y tế tư nhân thì không áp dụng hình thức quản lý giá mà các đơn vị này tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết công khai. Vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng như ngành y tế xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi cho các địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát. "Bộ Y tế cũng đã nhận thấy trách nhiệm và đã có triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, Bộ cũng đã chính thức đưa sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá. Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh và trên một quan điểm chung là cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm thực thi các biện pháp về phòng, chống dịch cũng như bảo đảm hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Theo Đại biểu Nhân dân