Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chỉ ra nguyên nhân công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng

(Mặt trận) - Theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều ngày 4/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các nhóm vấn đề được coi là “cấp thiết” thuộc lĩnh vực quản lý hiện nay, trong đó nội dung về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng được cử tri đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Do cung cầu lao động, lương thấp, áp lực bởi Covid-19

Báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn cho biết, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6.2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, tỷ lệ CBCCVC ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%), tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Cụ thể, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có 16.427 người, chiếm 41,53%. Sự nghiệp y tế có 12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84%.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân. Đó là do chính sách tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ chuyên gia giỏi của từng lĩnh vực, nên một bộ phận công chức, viên chức không định hình được hướng phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của mình nên dần bị mai một kiến thức, kinh nghiệm sẽ tìm cách khắc phục bằng việc thay đổi môi trường làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm, đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy - học trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn nên tạo áp lực cho giáo viên. Cùng với đó, do cơ chế tự chủ và xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội để thay đổi việc làm, việc lao động "ra, vào" giữa đơn vị sự nghiệp công  lập và ngoài công lập sẽ trở lên thường xuyên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư.

Vấn đề nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở cả hai góc độ sau: việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế -xã hội của một quốc gia, là sự "phân công lao động" theo quy luật thị trường và đây là cơ hội để tuyển dụng mới, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức. Việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, còn một số nguyên nhân khác như do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, có sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực (nông thôn ra thành thị, xuất khẩu lao động, khu vực công sang khu vực tư và ngược lại) đáp ứng cung - cầu của thị trường lao động; sức khỏe không bảo đảm, bản thân muốn thay đổi định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, môi trường làm việc; một số phải đối mặt với rủi ro trong thực thi công vụ do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn và quá trình hoàn thiện. Môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức chưa tốt, chưa tạo được tư tưởng yên tâm làm việc trong khu vực nhà nước.

Sớm cải cách chính sách tiền lương, hỗ trợ ngoài tiền lương

Nhấn mạnh về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trước mắt cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ưu tiên quan tâm trợ giúp, hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Cùng với đó, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để vừa bảo đảm giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công.

Rà soát hệ thống thể chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín để tạo niềm tin cho công chức, viên chức làm việc. Xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc.

 

6 giải pháp nâng cao chất lượng và xử lý cán bộ, công chức vi phạm

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021, toàn quốc có 22,89% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 56,69% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 18,69% hoàn thành nhiệm vụ, và 1,73% không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng trong năm 2021, có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật - chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Nhấn mạnh về các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cho nên, việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân. Theo đó, Bộ Nội vụ đưa ra 6 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và xử lý cán bộ, công chức vi phạm.

Thứ nhất, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; cho phép ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, thực hiện xét nâng ngạch đối với các trường hợp đã được bổ nhiệm vào vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời, đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm thì thực hiện xét thăng hạng.

Thứ ba, hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thứ tư, rà soát, sửa đổi và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm. Tiếp tục rà soát văn bằng, chứng chỉ, cắt giảm tối đa các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết, không thực chất, không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực, chất lượng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; triển khai tổ chức hiệu quả các khoá bồi dưỡng tại nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá theo định lượng dựa trên kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, xây dựng bộ công cụ đánh giá bảo đảm khoa học, khách quan, công khai và minh bạch.

Thứ tám, trình Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đó là những giải pháp hết sức căn cơ trong thời gian tới để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức.

- Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, trong đó cắt giảm tối đa quy định về chứng chỉ. Cụ thể, không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Đặc biệt, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.