Bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

(Mặt trận) - Sáng ngày 29/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 
  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Thông qua 7 luật, 8 nghị quyết

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, hôm nay, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024; cho ý kiến về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công 3 năm giai đoạn 2024 - 2026; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

 Quang cảnh phiên bế mạc

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hành dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận trong xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

Lùi thời hạn xem xét, thông qua 2 dự án Luật 

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

 Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại phiên bế mạc

Tại Nghị quyết chung của Kỳ họp, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới.

Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án Luật gồm: (1) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (3) Luật Đường bộ; (4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (5) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (6) Luật Thủ đô (sửa đổi); (7) Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đây là các dự luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.

 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương; quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp rất nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án luật này sau khi được ban hành.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được cử tri, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc. Ảnh: Hồ Long

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.

Cùng với đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023…

Với những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Trước đó, tại phiên bế mạc Kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết gồm: Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.