Bầu cử QH và HĐND: Quyết tâm tổ chức bầu cử thành công, đúng thời gian

(Mặt trận) - Ngày 18/5, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan không được chủ quan, lơ là, đặt quyết tâm chính trị cao nhất để tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh trong tháng 5/2021 và trong quý 2/2021 có 3 nhiệm vụ cần thực hiện song song: Tập trung toàn bộ ưu tiên về công sức, thời gian, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; tập trung cao độ cho công tác tổ chức bầu cử; tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Qua báo cáo tại các địa phương và kết quả kiểm tra, giám sát tại 53 tỉnh, thành phố của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đến nay, mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021.

“Chúng ta chỉ có bầu cử sớm và bầu cử đúng thời hạn. Tất cả các địa bàn khó khăn nhất hiện nay như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng (đang có diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp) cũng đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Đó là quyết tâm chính trị rất cao,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình, tiến hành chặt chẽ theo từng bước nhằm chọn ra ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương trọng trách được giao.

Các địa phương cũng đã tổ chức rất thành công, rất sáng tạo các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin truyền thông và tổ chức vận động bầu cử trực tuyến không chỉ là sáng kiến áp dụng trong giai đoạn hiện nay mà kể cả sau này, trong giai đoạn bình thường, không phải chống dịch, cũng có thể tăng cường áp dụng vì diện cử tri được tiếp xúc là rất lớn. Vừa qua, tất cả các tỉnh, thành phố đều áp dụng hình thức này.

Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử nhưng tình hình cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là dịch COVID-19 và những rủi ro tiềm ẩn về thiên tai, bão lũ, về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta đã chuẩn bị trong thời gian dài vừa qua nhưng ngày 23/5 tới có ý nghĩa quyết định.

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan không được chủ quan, lơ là.

Về công việc tiếp theo cho đến ngày bầu cử, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Bầu cử các cấp và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; chủ động xây dựng phương án tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tập dượt kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề xuất của nhiều địa phương về việc cần tiếp tục tập huấn bổ sung cho cán bộ tham gia bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; dự phòng nguồn nhân lực để bổ sung kịp thời cho các Tổ bầu cử trong trường hợp phải tách tổ bầu cử để thực hiện nhiệm vụ tại những nơi có khu cách ly tập trung.

Các địa phương cần tổ chức diễn tập theo 4 kịch bản khác nhau của tình hình dịch bệnh. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, Bắc Giang tổ chức diễn tập 100% tổ bầu cử, thể hiện quyết tâm rất lớn. Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nội cũng đã rất chủ động tổ chức và rất thành công.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các địa phương đã tổ chức xét nghiệm cho tất cả đội ngũ nhân sự tham gia công tác tổ chức bầu cử.

Các địa phương đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người ứng cử và đang tập trung tiêm phòng cho nhân sự tham gia tổ chức bầu cử, nhất là ở những địa bàn có rủi ro cao.

Do đội ngũ nhân sự tham gia công tác bầu cử rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị địa phương nào có khó khăn thì cần phản ánh sớm để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Với những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ủy ban bầu cử cấp dưới báo cáo ủy ban bầu cử cấp trên, ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia để được hướng dẫn giải quyết.

Phải kịp thời nắm tình hình số lượng cử tri thực tế trên địa bàn, bảo đảm số lượng cử tri đi bầu đạt cao nhất.

Vấn đề rất khó hiện nay là phải cập nhật sự biến động của cử tri, phát thẻ cử tri cũng như bảo đảm quyền cho người ứng cử và quyền công dân để bảo đảm tỷ lệ đi bầu cử đạt cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu linh hoạt tổ chức các địa điểm tổ chức bầu cử tại các địa bàn trong diện đang giãn cách xã hội, trong khu vực cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa theo đúng hướng dẫn.

Tinh thần là rất linh động và sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện. Có thể đến ngày bầu cử mới phát sinh thì chúng ta lại tiếp tục giải quyết tiếp. Nếu xảy ra mưa lũ bất ngờ thì có phương án dự phòng với các thùng phiếu phụ, thùng phiếu lưu động.

Cùng với đó cần rà soát chuẩn bị, định hướng, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị tổ chức vận động bầu cử của những người ứng cử, bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, đồng thời chú trọng thông tin cơ sở. Nhiều địa phương không chỉ tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, mà còn phát thanh trực tiếp nên cử tri có thể vừa lao động vừa nghe.

Càng gần đến ngày bầu cử, càng phải truyền thông sâu hơn về quyền bầu cử của công dân; truyền thông về các bước cụ thể, nguyên tắc trong quá trình tổ chức bỏ phiếu, chẳng hạn truyền thông để cử tri hiểu thế nào là phiếu không hợp lệ…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan sinh động, hiệu quả hơn. Trong đó cần phát huy hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội.

Với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần phát huy tốt vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền về bầu cử.

Các địa phương sẵn sàng phương án sử dụng hòm phiếu lưu động để phục vụ nhân dân trong trường hợp cần thiết; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động, kể cả trên không gian mạng.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của các địa phương về việc nên tổ chức bầu cử sớm ở những địa bàn phức tạp về phòng, chống dịch. Địa phương nào có nhu cầu bầu cử sớm thì cần có văn bản cụ thể để Hội đồng Bầu cử quốc gia trả lời, hướng dẫn kịp thời.

Tinh thần là chỉ tổ chức bầu cử sớm và cao điểm là tập trung bầu cử thống nhất vào ngày 23/5, quyết tâm không để địa phương, đơn vị bầu cử, tổ bầu cử nào phải bầu cử muộn.

Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng phá hoại cuộc bầu cử. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.

Các tổ bầu cử khi tổ chức khai mạc bầu cử cần bảo đảm trang trọng nhưng gọn nhẹ, tập trung cho công tác bầu cử bảo đảm thực chất nhất, bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ nhân viên tổ bầu cử và cho cử tri; thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng,chống dịch COVID-19 về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo rất cụ thể về việc cấp phát đủ kinh phí cũng như bổ sung kinh phí cho các địa phương có phát sinh nhiều do tác động của phòng, chống dịch và ứng phó với thiên tai; công tác bảo đảm cơ sở vật chất; các phần việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày bầu cử…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chăm lo tới đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, nhất là với gia đình chính sách, hộ nghèo; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người…

Dự liệu các tình huống

Tại hội nghị trực tuyến, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ y tế đã thành lập tổ công tác thường trực tại Bộ Y tế để sẵn sàng giải đáp các thắc mắc các địa phương ứng phó với các tình huống xảy ra từ nay đến hết bầu cử.

Bắc Giang là một trong những địa phương có diễn biễn dịch COVID-19 phức tạp, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, khó khăn nhất của địa phương này là dịch đang diễn biến phức tạp.

0 giờ sáng 18/5, tỉnh Bắc Giang cho dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn và cách ly xã hội huyện Việt Yên có trên 200.000 dân, 100.000 công nhân đang lưu trú trên địa bàn; 3 xã có đông dân cư tại huyện Yên Dũng, 28 thôn, tổ dân phố đang phải cách ly…

Trước thực trạng này, Bắc Giang đã đưa ra 6 tình huống cho công tác chuẩn bị bầu cử. Theo đó, tỉnh Bắc Giang thay đổi thành viên tổ bầu cử là những cán bộ điều hành tại các bệnh viên dã chiến, để việc tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu tại chỗ.

Tại các khu cách ly tập trung cũng được thực hiện tương tự, tỉnh điều chỉnh các điểm bỏ phiếu cho phù hợp với tình hình hiện tại, việc kiểm phiếu được theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo khách quan, dân chủ. Tỉnh lên phương án bảo hộ cho cán bộ tổ bầu cử đi vào địa điểm bị cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ, do dịch xuất hiện trong khu công nghiệp nên khi xuất hiện các ca F1 thì sẽ cách ly rất nhiều công nhân. Do vậy, danh sách cử tri phải cập nhật, điều chỉnh liên tục.

Tỉnh trưng tập thêm cả y bác sỹ đã nghỉ hưu, thanh niên tình nguyện, sinh viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19; những trường hợp tham gia như thế này thì sẽ không thể về bầu cử tại nơi cư trú được.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 32 khu cách ly tập trung, 19 khu dân cư có quyết định cách ly y tế, 51 khu dân cư đang phong tỏa. Cập nhật đến thời điểm tối 17/5 có gần 6.450 người là F1, F2 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung y tế và cách ly tại nhà.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, để thực hiện tốt phương châm là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cử tri đi bầu cử, ngoài những việc chỉ đạo chung của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và có phương án cụ thể cho từng địa phương trong những ngày tới, thành phố Đà Nẵng chỉ đạo tất cả 525 điểm bầu cử trên địa bàn thành phố đều phải diễn tập 4 phương án trong phòng, chống dịch...

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị dự liệu các tình huống liên quan đến khí hậu, thời tiết trong ngày bầu cử.

Lấy ví dụ thực tế từ chuyến kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại Bắc Kạn, Bộ trưởng Phan Văn Giang chia sẻ, ngay trước hôm đoàn đến kiểm tra, giám sát thì trên địa bàn xảy ra lũ ống, lũ quét làm hơn 400 ngôi nhà bị sạt, có trường hợp bị thương, tử vong.

Không riêng Bắc Kạn, các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đang bước vào thời kỳ mưa lũ. Khi có mưa lũ thì xảy ra ngăn cách rất nhanh, thậm chí cả bản, cả làng bị ngăn cách.

Vì thế cần tính đến trường hợp thời tiết không thuận lợi để ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử cho phù hợp với thực tế. Liên quan tới tình hình dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đề xuất có thể tổ chức bầu cử sớm ở những vùng có dịch COVID-19.../.