Bắt giam ông Nguyễn Thanh Hóa: Gục ngã bởi những “viên đạn bọc đường“

Sự sa ngã của một cựu tướng Công an, có thể lý giải như thế nào nếu không phải là sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Cuối tuần qua, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ khi một cựu tướng Công an phải tra tay vào còng số 8 vì liên quan đến một đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đau xót ở chỗ, ông ta “dính chàm” chính tại lĩnh vực mà mình được giao trọng trách làm cho nó trong sạch, nghĩa là giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân quét sạch những loại tội phạm, rác rưởi trên môi trường mạng.

Sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, phải thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Vụ việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh giác trước những “viên đạn bọc đường”.

 Ông Nguyễn Thanh Hóa khi chưa bị tước quân tịch. (Ảnh: cand.com.vn)

Ông Nguyễn Thanh Hóa trước khi bị bắt là một cán bộ được đào tạo, rèn luyện và kinh qua thử thách trong ngành Công an. Ông ta từng được phong quân hàm Thiếu tướng và là nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50- Bộ Công an). Việc tước quân tịch và khởi tố một cán bộ như vậy không đơn giản nếu không đủ bằng chứng, đủ sự thận trọng và cân nhắc.

 Không phải ngẫu nhiên, ngay trong ngày ông Hóa bị khởi tố, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư để nghe Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra vụ án. Với nhận định “đây là một vụ án có quy mô đặc biệt lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”, Ban Bí thư đã chỉ đạo tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

 Từ cuối năm 2017, dư luận xã hội đã xôn xao trước thông tin về một số vụ án đánh bạc lớn đang được công an điều tra. Khi đó, Bộ Công an khẳng định, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các vấn đề liên quan sẽ xử lý nghiêm minh. Nhưng thật sự, dư luận vẫn trông chờ một kết quả khác, một kết cục khác…

Ai có thể sa ngã, hư hỏng, lĩnh vực nào có thể xảy ra tiêu cực chứ nhân dân nhất định không thể chấp nhận sự hư hỏng, sa ngã của một cán bộ Công an ở chính lĩnh vực mình được phân công phụ trách, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng.

Sự sa ngã của một cựu tướng Công an như vậy, có thể lý giải như thế nào nếu không phải là sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, chạy theo tiền tài… Đáng tiếc ở chỗ, vụ việc xảy ra đúng thời điểm ngành Công an đang kỷ niệm 70 năm thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, trong đó lời dạy đầu tiên của Người là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính”. Mấy chục năm qua, với bề dày thành tích của mình, lực lượng Công an luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân trông cậy, tin tưởng. Nhưng ngành Công an cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, không phải là sự phức tạp của các loại tội phạm, mà đó là mặt trái của cơ chế thị trường.

 

Ông Nguyễn Thanh Hóa từng được phong quân hàm Thiếu tướng và là nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50- Bộ Công an). Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an

Trong bối cảnh đó, muốn giữ được uy tín, danh dự và truyền thống quý báu của ngành, không có cách nào khác, “mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải nêu cao dũng khí, giữ mình trong sạch, vững vàng, không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm", không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong bức thư gửi đến Hội thảo quốc gia 70 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, được tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua.

 

Từ sau đại hội XII của Đảng, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật đã lần lượt được đưa ra ánh sáng. Những của nổi, của chìm như nhà cửa, xe cộ, cổ phiếu, tài khoản ở trong và ngoài nước… cũng lần lượt lộ diện. Gần đây, chúng ta nói nhiều đến những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những tác động từ bên ngoài, nhưng nhiều người lại đồng tình với cách giải thích của TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khi cho rằng: “Tự” là tự mình, do mình, chứ không phải do ai bắt mình phải thế. Tự mình thì mình phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho ai, tức là loại trừ nguyên nhân kẻ khác phá ta. Phá là việc của họ, còn tự diễn biến, tự chuyển hóa là việc của chính ta, tự ta, do ta.

Năm 1954, trước ngày tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ thường căn dặn cán bộ, chiến sỹ, phải chăm lo giữ mình, không bị sa ngã trước những cám dỗ do thay đổi cuộc sống từ chiến khu kháng chiến về thành thị trong hòa bình. Bác thường nêu ra câu hỏi: “Các chú rồi đây về thành phố phải đề phòng điều gì nhất?”. Rồi, chính Bác lại giải thích cặn kẽ: “Điều Bác muốn dặn các chú là phải đề phòng “đạn bọc đường”. Loại đạn này, lúc đầu ai bị bắn, dù có trúng cũng không biết đau, còn khen ngọt là khác, đến khi ngã ra có hối hận cũng đã muộn”.

Lời dạy của Người, vượt qua không gian, thời gian, luôn luôn mới đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có địa vị, chức quyền.