82,2% kiến nghị của Nhân dân và cử tri được giải quyết, trả lời

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 10/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Hà Nội tuyên dương 70 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng trên 7%

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội

Trình bày dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ Ba đến nay. Hầu hết kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết có hiệu quả thiết thực.

Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm trong trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá rất cao thành công tốt đẹp, kết quả và ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, đã gợi mở nhiều định hướng chiến lược để tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Cử tri và Nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Quốc hội, và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tập trung thực hiện đột phá chiến lược về thể chế và đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng để tạo động lực phát triển mới.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu…

82,2% kiến nghị của Nhân dân và cử tri được giải quyết, trả lời

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 9 năm 2022 của Quốc hội, kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm và kỳ vọng cao với: các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 vừa bế mạc; các nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022... đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Quốc hội, với sự chủ động, quyết liệt, tích cực lắng nghe, không ngừng tổng kết thực tiễn để có quyết sách đúng đắn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, cử tri và Nhân dân bày tỏ đặc biệt lo lắng về tình trạng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại một số địa phương; tình hình dịch bệnh do virus Adeno diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao; có ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam; bức xúc vụ việc một số cơ sở kinh doanh rau, củ không rõ nguồn gốc, vừa bị phát hiện; tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên, thiếu niên và việc thanh niên thiếu việc làm sau Covid-19; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương; tình trạng lạm thu đầu năm học ở một số địa phương gây dư luận bức xúc trong Nhân dân…

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, đã có 2.640 kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.171 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 82,2%. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 32/32 kiến nghị. Trong đó, đã trả lời về giải pháp để giải quyết các đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự có vướng mắc ở một số địa phương…

Trong kỳ báo cáo năm 2022 (từ 1.8.2021 đến 31.7.2022), các cơ quan của Quốc hội đã tiếp 4.937 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.855 vụ việc; 178 lượt đoàn đông người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc. Tiếp nhận 26.910 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến, trong số 10.301 đơn đủ điều kiện xử lý đã chuyển 4.369 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Làm rõ hơn các danh mục kiến nghị

Các đại biểu dự Phiên họp thứ Mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển 

Góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần làm rõ hơn danh mục các kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Nhất, Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội Khoá XV nhưng đến nay chưa được xem xét, giải quyết, trong đó, xác định đúng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm theo dõi, giám sát, giải quyết các kiến nghị này.

Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, các ngành, các cấp chủ động có giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay do tác động của bối cảnh thế giới để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho Nhân dân, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng và bao trùm nhất, do đó, cần được trình bày trước các kiến nghị khác.

Về một số nội dung cụ thể như điều chỉnh lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cần cập nhật sát sao kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Khoá XIII để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, về nội dung kiến nghị hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cần có kiến nghị cụ thể đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bởi đây là dự án Luật quan trọng trong nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư; đánh giá cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Đối với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bám sát ý kiến, kiến nghị cử tri và lựa chọn các kiến nghị sát với tình hình thực tiễn cho công tác giám sát và tổ chức thực hiện sau này; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thêm báo cáo của các các Đoàn đại biểu Quốc hội để có đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc hơn các nội dung trong dự thảo báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan bổ sung các nội dung để báo cáo cô đọng hơn, nhất là việc thống nhất các số liệu, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bổ sung các danh mục kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ Ba, kiến nghị nào đã trả lời được, kiến nghị nào chưa; các nội dung về giải ngân, tình trạng các doanh nghiệp thành lập mới, sự kỳ vọng của cử tri vào chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vấn đề giá xăng dầu…  Đặc biệt, cần sắp xếp các kiến nghị đúng với tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Khoá XIII, đặc biệt là các kiến nghị về tiền lương, kiến nghị về rà soát, đề xuất, kiến nghị tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới chương trình giáo dục, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Phiên họp và hoàn chỉnh 3 báo cáo trình Quốc hội. Trong đó, bổ sung nguyên nhân, giải pháp để giải quyết các kiến nghị kéo dài nhiều năm; nguyên nhân, giải pháp để thực hiện các kiến nghị trong xử lý của các cơ quan tư pháp; kiến nghị vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu để xử lý việc trùng lặp...