(Mặt trận) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký Công điện số 17 chỉ rõ 4 biện pháp cấp bách để nhanh chóng đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc tinh thần, Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong đó tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; công tác triển khai chủ động ngay từ cơ sở và ý thức chấp hành của người dân thể hiện qua kết quả công tác phòng, chống dịch tại cơ sở là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua,... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; gắn trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp với nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; công bố công khai để làm gương.
Các đơn vị, địa phương chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng, chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Thành phố cũng yêu cầu ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách, gồm: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.
Các đơn vị, địa phương phải huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ để phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm tải cho lực lượng tuyến đầu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động găp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở; triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”.
|
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Thành phố cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo các kịch bản phòng, chống dịch theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021; Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22-7-2021 của Chính phủ, các hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương bảo đảm minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát lãng phí. Yêu cầu rà soát, kích hoạt và đưa vào hoạt động theo phương án, kịch bản cao hơn.
UBND thành phố cũng yêu cầu toàn bộ bệnh viện thuộc thành phố và bệnh viện Trung ương, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị trình UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn phê duyệt; các cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện “4 tại chỗ”: Làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ” và tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca; giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phê duyệt danh mục bệnh viện an toàn trên địa bàn quản lý.
Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp báo cáo UBND thành phố và xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố quyết định kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải huy động tối đa các lực lượng cơ sở đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế; cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa.
Các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.
|
Các điểm chốt trực phòng dịch ở 21 phường của quận Đống Đa luôn hoạt động ngày đêm |
* Trưa 2-8: Hà Nội thêm 52 ca dương tính, trong đó 31 ca được phát hiện tại cộng đồng
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 2-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 ca dương tính mới, trong đó có 21 ca tại khu cách ly và 31 ca được phát hiện tại cộng đồng.
52 ca dương tính mới ở 13 quận, huyện: Đông Anh (14); Thanh Trì (8); Đống Đa (7); Hai Bà Trưng (5); Hoàng Mai (4); Hoàn Kiếm (3); Bắc Từ Liêm (2); Gia Lâm (2); Hà Đông (2); Tây Hồ (2); Thường Tín (1); Mê Linh (1); Quốc Oai (1) và được phân bố theo các chùm ca bệnh: Ho, sốt thứ phát (39); liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội (5); sàng lọc ho, sốt (4); nhà thuốc Đức Tâm (3); liên quan phường Tân Mai, quận Hoàng Mai.
Trong số 31 ca bệnh tại cộng đồng có 28 ca được phát hiện qua ho, sốt thứ phát và 3 ca qua sàng lọc ho, sốt; được phát hiện tại 7 quận, huyện: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì.
Cụ thể, trong chùm liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội có 5 bệnh nhân (BN) (từ BN1-BN5), trong đó có 2 nhân viên y tế và 3 BN điều trị tại Khoa Nội 5 của bệnh viện. Ngày 1-8, khi xuất hiện các triệu chứng, các BN được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính.
Ngoài ra, trong chùm ho, sốt thứ phát có 8 BN (BN6-BN13) đều có địa chỉ ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Các trường hợp này đều là F1, ở khu vực phong tỏa hoặc được cách ly từ trước. Ngày 1-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính.
Cũng liên quan đến chùm ho, sốt thứ phát còn có 12 BN (BN14-BN25) đều ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. 12 BN này là F1 và là người thân trong gia đình hoặc hàng xóm của ca F0. Ngày 1-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính.
19 BN còn lại của chùm ho, sốt thứ phát (BN26-BN44) đều là F1 tiếp xúc với F0 hoặc ở trong khu cách ly, phong tỏa. Đáng chú ý, trong 19 BN này có 2 người liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga. Đó là BN H.T.D, nữ, sinh năm 1988, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai. BN này là nhân viên kế toán của Công ty thực phẩm Thanh nga, làm việc cùng phòng với F0 trước đó. Ngày 31-7, D được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. Người còn lại liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga là Đ.T.C, nam, sinh năm 1999, sống tại ngõ 651 Minh Khai, thuộc khu vực phong tỏa.
Ngoài ra, trong chùm ca liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm và liên quan đến phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) có 4 BN (BN45-BN48) đều là các F1, trong đó có 3 BN đều là người mua thuốc tại nhà thuốc Vinapharma, sau đó được chuyển cách ly tập trung từ ngày 25-7 và ngày 30-7 có triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
4 BN (BN49-BN52) cuối cùng thuộc chùm liên quan đến sàng lọc ho, sốt cộng đồng. Trong đó, BN49-BN50 là P.T.L, nữ, sinh năm 1961; Đ.C.C, nam, sinh năm 1963, ở địa chỉ phường Dương Nội, quận Hà Đông. 2 BN này đều có triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính.
BN 51: H.T.N, nữ, sinh năm 1973; địa chỉ ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. BN là người bán trứng tại chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy từ ngày 27-7 đến 29-7. Ngày 30-7, BN xuất hiện triệu chứng chủ động đi khám tại Bệnh viện 198 và được làm xét nghiệm test nhanh dương tính. Sau đó, BN được bệnh viện lấy mẫu gửi Bệnh viện Nhi trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính.
BN52: T.X.L, nam, sinh năm 2003, địa chỉ phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. BN là cán bộ phục vụ tại khu cách ly. Hằng ngày, BN làm nhiệm vụ phát cơm, dọn rác tại khu cách ly. Đến ngày 31-7, BN có triệu chứng được lấy mẫu cho kết quả dương tính.
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27-4 cho đến nay) là 1.344 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 820 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 524 ca.
PV