3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

(Mặt trận) - Chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.385 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước Quốc hội. Ảnh Quang Vinh. 

I. Về tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân

Cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Nhà nước; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chăm lo người nghèo, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai. Công tác đối ngoại và hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là các hoạt động hướng tới Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tổ chức tại Việt Nam. Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ vừa qua đã tổ chức thành công Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi và ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương các cấp đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba của Quốc hội khóa XIV, cụ thể như: Quốc hội tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng luật; đổi mới phương thức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội từ tham luận sang tranh luận trực tiếp; các cơ quan Đảng và Nhà nước đã quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, khẳng định không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ, các bộ, ngành đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều chính sách, văn bản pháp luật, giảm “nợ đọng” văn bản, thực hiện việc đánh giá chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên trái phép. 

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát lớn; công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều bất cập; tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và việc công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp.

II. Những ý kiến, kiến nghị chính của cử tri và nhân dân

1. Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), trong đó tập trung phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh việc vẫn còn nhiều “giấy phép con”; một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu một số mặt hàng còn chậm. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá để tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định trong khi giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi. Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nạn buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác và thúc đẩy phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết “4 nhà”. Cử tri và nhân dân một số địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi và bổ sung các tiêu chí trong điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đảm bảo sát với thực tế đời sống của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên cả nước.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời phát động và chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ủng hộ người dân bị thiệt hại bởi mưa, bão, lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau cơn bão số 10 và đợt lũ, lụt trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp, tăng cường dự báo, kết hợp với triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm nhập mặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm để bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của nhân dân.

2. Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cử tri và nhân dân ghi nhận việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã tích cực triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng phản ánh về việc một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền để “trục lợi” quỹ Bảo hiểm y tế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, thực hiện giám định, thu hồi các khoản chi không đúng và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện; rà soát các quy định hiện hành về bảo hiểm y tế, bảo đảm phù hợp giữa chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế. 

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp; việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm không an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả hơn để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên; quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

3. Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Cử tri và nhân dân ghi nhận việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã có những đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình, xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng và quy định về cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học chưa hợp lý; cách thức tổ chức và chất lượng học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị ở một số nơi vẫn còn thiếu; chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế; tình trạng “lạm thu” đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý như việc thu nhiều khoản sai quy định ở Trường Tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thậm chí có nơi buộc học sinh phải đóng góp xây dựng nông thôn mới như ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh đại học, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học.

4. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ

Cử tri và nhân dân rất phấn khởi, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng; có phương án giải quyết, xử lý đối với một số dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý nhiều cán bộ, công chức vi phạm, kể cả cán bộ cao cấp. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Cử tri và nhân dân khẳng định luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết để giám sát. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

5. Về quản lý đô thị và giao thông, vận tải

Cử tri và nhân dân cho rằng, công tác lập, quản lý, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý. Việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, nhất là việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng tại các khu vực trung tâm trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn, triều cường, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri và nhân dân ở nhiều thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt. Trước khi triển khai lập, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân, thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tính khả thi, hợp lý; quan tâm đến sự phù hợp giữa phân bổ số lượng dân cư với kết cấu hạ tầng đô thị; đề cao và gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong nhân dân, như ở các trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên); việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát. Cử tri và nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT.

6. Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội

Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, trong đó có sự nỗ lực của ngành Công an và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân một số địa phương lo lắng trước tình trạng tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, còn một số “điểm nóng” về mất an ninh trật tự. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương kịp thời đấu tranh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để biết và thực hiện.

Cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; đồng thời chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Quang Vinh

Ngoài những vấn đề nêu trên, cử tri và nhân dân còn phản ánh một số vấn đề như: việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số địa phương; hiện tượng người dân vẫn phải “lót tay” để được giải quyết thủ tục hành chính; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và người đứng đầu các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi, chặt phá rừng trái phép; nạn bạo lực học đường; tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ…

Có thể nói, qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước cho thấy, từ sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội Khóa XIV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ song nhờ có sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm giải quyết như: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gặp khó khăn, giá nông sản thấp, đầu ra thiếu ổn định; việc quản lý về đấu thầu, nhập khẩu thuốc chữa bệnh thiếu chặt chẽ; một số quy định trong tuyển sinh đại học chưa hợp lý; tình trạng “lạm thu” tại một số trường học gây bức xúc trong nhân dân; việc quy hoạch đô thị ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý; một số chính sách, quy định về tổ chức, cán bộ còn bất cập, việc triển khai thực hiện còn nhiều thiếu sót.

III. Một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam  

Tại kỳ họp này, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy định về đánh giá cán bộ.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, mở rộng quảng bá, kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hình thành những chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý.  

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông;    rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị.

Thứ sáu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh các “điểm nóng”; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị chủ yếu của cử tri, nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV và 6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

(*) Tiêu đề do Tạp chí Điện tử Mặt trận đặt.