Để thích hợp với quá trình “bùng nổ người cao tuổi” - hiện tượng của dân số thế kỷ XXI, phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực nhằm phát triển bền vững, cần tạo ra môi trường xã hội hỗ trợ quá trình “già hóa khỏe mạnh” (health aging) và hơn thế nữa là thúc đẩy “già hóa năng động” (active aging).
Đại diện các nước tham gia Hội nghị lần thứ 2 giữa các thành viên khối ASEAN và Nhật Bản về già hóa dân số năng động của khu vực - Ảnh: giadinh.net
Trong việc tạo dựng môi trường xã hội này, người cao tuổi có vai trò quyết định; doanh nghiệp có vai trò cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với người cao tuổi; gia đình và cộng đồng có vai trò hỗ trợ người cao tuổi đáp ứng được nhu cầu của mình; nhà nước có vai trò xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi.
Một trong những hiện tượng của dân số thế kỷ XXI là “bùng nổ người cao tuổi” cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số. Nếu năm 1950 thế giới có 2,5 tỷ người, trong đó 214 triệu người cao tuổi thì năm 2000, các con số này tương ứng là 6,080 tỷ và 590 triệu người. Dự báo, dân số năm 2050 là 9,75 tỷ và số người cao tuổi lên tới 2,100 tỷ người. Dễ dàng tính toán để thấy rằng, từ năm 1950 đến năm 2000, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng từ 8,6% lên 9,7%, tức là chỉ tăng thêm được 1,1%, còn từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 11,9% và đạt tới 21,6%.
So với thế giới, nhiều nước APEC tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số còn tăng nhanh hơn nhiều. Chẳng hạn, từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ này ở In-đô-nê-xi-a sẽ tăng thêm 17,1%. Tương tự, Việt Nam: 18,5%; Nhật Bản: 20,7%; Trung Quốc: 21%; thậm chí Xin-ga-po tăng thêm tới 29,3% và Hàn Quốc: 30,8%.
Già hóa nhanh do 2 nguyên nhân: Mức sinh giảm mạnh và tuổi thọ tăng nhanh. Nếu giai đoạn 1950 - 1955, bình quân mỗi phụ nữ trên thế giới sinh 5 con thì năm 2000 - 2005 chỉ còn 2,7 con/phụ nữ và dự báo sẽ đạt mức sinh thay thế 2,1con/phụ nữ vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, tuổi thọ kỳ vọng trung bình tại 3 thời điểm nói trên đã tăng từ 46,5 năm lên 66 năm và dự kiến đạt 76 vào giữa thế kỷ.
Do mức sinh tiếp tục giảm, tuổi thọ tiếp tục tăng nên già hóa sẽ luôn song hành cùng quá trình phát triển. Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng nên người ta đang nói rằng, già hóa dân số sẽ làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Nhưng các câu hỏi thường được đặt ra là, “bùng nổ người cao tuổi” dẫn tới những sản phẩm và dịch vụ nào phải tăng lên? Sản phẩm, dịch vụ mới nào phải xuất hiện? Làm thế nào để già hóa dân số không cản trở tăng trưởng kinh tế? Già hóa làm tăng chi phí y tế ra sao và làm thế nào để già hóa dân số không trở thành gánh nặng đối y tế và an sinh xã hội?... và chung nhất là, cần phải làm gì để già hóa không cản trở phát triển bền vững mà còn thúc đẩy quá trình này?
Hướng tới già hóa khỏe mạnh và hơn thế nữa, già hóa năng động là cách trả lời cho những câu hỏi nói trên. Song, đến lượt nó, làm thế nào để già hóa khỏe mạnh và già hóa năng động? Đây là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài để phát triển bền vững thế giới nói chung và các nước APEC nói riêng.
Già hóa khỏe mạnh
Có nhiều định nghĩa về “già hóa khỏe mạnh”, trong đó, một số tiếp cận theo hướng “tối ưu hóa cơ hội” để người cao tuổi có sức khỏe tốt, có thể tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có phân tích định lượng nào về “tối ưu hóa các cơ hội”. Vì vậy, định nghĩa này mang tính ý tưởng, định tính nhằm nhấn mạnh sự tận dụng các cơ hội cho sức khỏe người cao tuổi hơn là mô hình hóa và giải cụ thể bài toán “tối ưu cơ hội”.
Một hướng tiếp cận khác dựa trên “khả năng hoạt động” được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “già hóa khỏe mạnh là quá trình phát triển và duy trì khả năng hoạt động cho phép mang lại hạnh phúc tuổi già”. Cũng theo WHO, “khả năng hoạt động” bao gồm các thuộc tính liên quan đến sức khỏe cho phép mọi người làm được những gì mà họ cho là giá trị. “Khả năng hoạt động” được tạo thành từ: (1) Năng lực nội tại của từng cá nhân, (2) Đặc điểm môi trường liên quan và (3) Sự tương tác giữa cá nhân và những đặc điểm này.
Có thể thấy rằng, “già hóa khỏe mạnh” phù hợp ở góc độ y tế, góc độ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu xem xét dưới góc độ “phát triển”, bởi nó mới dừng ở sức khỏe, ở “khả năng” tham gia vào hoạt động đóng góp cho gia đình và xã hội, mang lại hạnh phúc cho tuổi già mà chưa yêu cầu “hiện thực hóa” những khả năng này. “Già hóa khỏe mạnh” mới chỉ là “điều kiện cần” để người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển. Để “già hóa” không cản trở mà còn đóng góp vào sự phát triển, các khái niệm “già hóa tích cực” hay “già hóa năng động” thường được dùng bên cạnh “già hóa khỏe mạnh”.
Già hóa năng động
Cũng như “già hóa khỏe mạnh”, “già hóa năng động” có nhiều định nghĩa. Các định nghĩa này đều có điểm chung là yêu cầu người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động đóng góp cho cuộc sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, các định nghĩa cũng có sự khác biệt. Một số định nghĩa tập trung vào việc bản thân cá nhân người cao tuổi “tham gia vào cuộc sống”, một số định nghĩa khác nhấn mạnh sự giúp đỡ từ bên ngoài để “những người cao tuổi tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ càng lâu càng tốt và, nếu có thể, đóng góp cho nền kinh tế và xã hội”. Dù là vai trò nổi trội của cá nhân hay sự giúp đỡ từ gia đình, xã hội thì muốn thực hiện được yêu cầu này, người cao tuổi phải có sức khỏe. Vì vậy, “già hóa năng động” là khái niệm có yêu cầu cao hơn “già hóa khỏe mạnh”.
Khác các định nghĩa trên, với thuật ngữ “già hóa năng động”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại tiếp cận theo hướng “tối ưu hóa cơ hội” và cho rằng: “già hóa năng động là quá trình tối ưu hóa các cơ hội về sức khoẻ, sự tham gia và an sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Nó áp dụng cho cả cá nhân và nhóm dân cư”. Như vậy, với “già hóa năng động”, WHO nhấn mạnh cơ hội cho (1) Sức khỏe, (2) Sự tham gia vào các hoạt động của cuộc sống và (3) An sinh cho người cao tuổi. Tư tưởng “tối ưu hóa các cơ hội” trong định nghĩa này cũng hàm ý định tính hơn là định lượng.
Để đạt được mục tiêu “già hóa khỏe mạnh” và “già hóa năng động” cần xây dựng môi trường xã hội hỗ trợ già hóa năng động.
Xây dựng môi trường xã hội hỗ trợ “già hóa năng động”
Môi trường xã hội là một khái niệm rộng lớn đa chiều, đa cấp độ. Hơn nữa, các nước khác nhau về trình độ phát triển, thể chế và văn hóa nên môi trường xã hội hết sức khác nhau.
Để nghiên cứu xây dựng môi trường xã hội, cần xuất phát từ nhu cầu của người cao tuổi. WHO cho rằng, môi trường “già hóa khỏe mạnh” cần bảo đảm 5 trụ cột/thành tố cơ bản sau: (1) Đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi, bao gồm: bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ và thích hợp, quần áo, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn, (2) Học tập nâng cao trình độ và ra quyết định, (3) Vận động, đi lại, (4) Duy trì và phát triển các mối quan hệ và được tôn trọng, (5) Đóng góp cho xã hội.
Cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là với khu vực APEC, không chỉ đáp ứng “nhu cầu cơ bản” nói trên mà cần bổ sung hoặc thay đổi các nhu cầu quan trọng khác, như: thông tin, thể thao, du lịch, giải trí, đồ uống có cồn, thuốc lá và các loại thuốc khác để hút khác.
Như vậy, môi trường xã hội tác động đến sức khỏe, tính năng động của người cao tuổi thông qua đáp ứng (hoặc cần thay đổi) 12 nhu cầu của người cao tuổi, chia thành 3 nhóm, như đề xuất dưới đây:
Nhóm 1: Các sản phẩm và dịch vụ, gồm: (1) Đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi, bao gồm: bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ và thích hợp, quần áo, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn; (2) Học tập nâng cao trình độ và ra quyết định; (3) Vận động, đi lại; (4) Thông tin; (5) Thể thao; (6) Du lịch; (7) Giải trí; (8) Đồ uống có cồn; (9) Thuốc lá và các loại thuốc khác để hút khác.
Nhóm 2: Duy trì các mối quan hệ, gồm: (10) Quan hệ gia đình, xã hội; (11) Đời sống tâm linh.
Nhóm 3: Đóng góp cho gia đình, xã hội, gồm: (12) Việc làm tạo thu nhập, các hoạt động khác hỗ trợ gia đình và cộng đồng.
Đương nhiên, ngay cả khi có khả năng chi trả toàn bộ chi phí cho những nhu cầu nói trên và tự phục vụ được thì người cao tuổi cũng không tự đáp ứng các nhu cầu đa dạng của mình. Các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu cần sự cung cấp của doanh nghiệp, thông qua thương mại. Việc duy trì các mối quan hệ cần có sự tham gia của các thành viên gia đình và cộng đồng. Gia đình và cộng đồng cũng có thể hỗ trợ nguồn lực để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người cao tuổi.
Để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho gia đình, xã hội, người cao tuổi cần sự ủng hộ và tạo việc làm của gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp. Cuối cùng, để tất cả hoạt động đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi diễn ra suôn sẻ, những hoạt động này cần đặt trên nền tảng pháp luật. Ở đây vai trò của nhà nước được thể hiện. Hơn nữa, nhà nước có thể ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động của người cao tuổi.
Vai trò của các chủ thể trong việc xây dựng môi trường xã hội hướng đến “già hóa năng động”
Như đã nói ở trên, để bảo đảm nhu cầu của người cao tuổi cần có vai trò của người cao tuổi; các doanh nghiệp; gia đình, cộng đồng và nhà nước.
Vai trò của người cao tuổi, trước hết đó là chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ đời sống của mình. Nguồn thu nhập của người cao tuổi có thể là lương hưu; thu nhập từ tài sản đã tích lũy được (cho thuê nhà, cổ phiếu,...) và đặc biệt là tiếp tục tham gia lao động tạo thu nhập khi cần thiết, nhất là ở các độ tuổi còn khỏe mạnh, như (60 - 65 tuổi),… Hai là, nêu cao tinh thần “tự phục vụ”. Khi còn sức khỏe, người cao tuổi thể hiện tính năng động của mình thông qua tự phục vụ bản thân, đáp ứng nhu cầu của mình, như: chuẩn bị bữa ăn, giặt là quần áo; tự mua, bán,… Chủ động “tự phục vụ” sẽ tiết kiệm nhiều nhân lực phục vụ người cao tuổi, góp phần tăng lao động sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội. Ba là, hợp tác, đón nhận sự hỗ trợ của môi trường xã hội. Sự hỗ trợ của môi trường xã hội, dù to lớn bao nhiêu nhưng nếu người cao tuổi không tích cực đón nhận, hợp tác thì cũng không có kết quả, không góp phần phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, xóa bỏ mặc cảm tuổi tác để hội nhập các hoạt động mang tính tập thể, như học tập, thể thao, du lịch, giải trí,… thông qua đó, nâng cao sức khỏe và duy trì các mối quan hệ xã hội. Bốn là, hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng. Người cao tuổi có thể tham gia nhiều công việc trong gia đình, như: chuẩn bị bữa ăn; chăm sóc và dạy trẻ; chăm sóc cây cối, gia súc, gia cầm; dọn vệ sinh;… Hỗ trợ các trường học, các đơn vị, tổ chức; chăm sóc các công trình của cộng đồng với vai trò tình nguyện viên. Cần đa dạng hóa các hoạt động này để người cao tuổi có thể lựa chọn hoạt động thích hợp với hoàn cảnh cá nhân.
Vai trò của doanh nghiệp là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Vấn đề cần nhấn mạnh là, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi. Cùng một loại sản phẩm nhưng người già và người trẻ lại có yêu cầu khác hẳn nhau. Chẳng hạn, quần áo đủ ấm nhưng đối với người cao tuổi lại phải nhẹ, dễ mặc, dễ cởi. Nền nhà phải chống được trơn trượt; những chỗ cần thiết trong nhà ở phải có tay vịn cho người cao tuổi đi lại hoặc đứng lên, ngồi xuống. Phương tiện giao thông cần những thiết bị hỗ trợ để người cao tuổi lên, xuống dễ dàng… Để có sản phẩm, dịch vụ và phương thức cung cấp thích hợp, thân thiện với người cao tuổi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này và có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với một quá trình có thể làm thay đổi nền kinh tế thế giới - quá trình già hóa. Tạo việc làm, sử dụng lao động là người cao tuổi phù hợp với sức khỏe của họ. Hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi. Các doanh nghiệp, với chức năng xã hội của mình có thể đóng góp nguồn lực để hỗ trợ phát triển xã hội nói chung hoặc hỗ trợ nhóm xã hội yếu thế, trong đó có người cao tuổi, nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Vai trò của gia đình, đối với nhiều nước, văn hóa truyền thống thường mặc định gia đình có vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Thậm chí, hiện nay luật pháp cũng quy định vai trò này. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì mối giao lưu giữa các thế hệ, bảo vệ thân thể, sự an toàn và tạo việc làm cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, xu hướng mức sinh ngày càng thấp; quy mô gia đình ngày càng nhỏ; phụ nữ làm việc ngoài gia đình; con cháu thường di cư, ở xa; sự khác biệt thế hệ ngay trong gia đình cũng ngày càng lớn, khiến vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi đang bị thách thức.
Vai trò của cộng đồng, so với các độ tuổi trưởng thành, người cao tuổi thường có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ thấp hơn. Chẳng hạn, ở Việt Nam, khoảng 1/3 số người trong độ tuổi (60 - 64 tuổi) và gần 2/3 số người 65 tuổi trở lên chưa tốt nghiệp tiểu học. Tỷ lệ người cao tuổi có trình độ sơ cấp trở lên, các tỷ lệ tương ứng là 16,2% và 7,3% (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2009). Trong cộng đồng thường có những phong tục, tập quán có lợi cho sức khỏe người cao tuổi nhưng cũng còn hủ tục, tập quán, quan niệm và thói quen khác có hại cho sức khỏe, không có lợi cho cuộc sống người cao tuổi, như: nghiện rượu bia, thuốc lá, thuốc lào; không ủng hộ người cao tuổi tái hôn…
Vì vậy, cộng đồng có thể đảm nhiệm thích hợp vai trò truyền thông, giáo dục, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các trung tâm giáo dục cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự khác nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, gìn giữ phong tục, tập quán có lợi; xóa bỏ hủ tục, tập quán, thay đổi những hành vi có hại cho sức khỏe người cao tuổi. Cộng đồng cũng có vai trò huy động nguồn lực, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, nhất là khi họ trải qua các cú “sốc” về kinh tế, xã hội do thiên tai, địch họa…
Vai trò của nhà nước, thứ nhất, tạo dựng khung khổ luật pháp, chính sách. Đây là vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc tạo dựng môi trường xã hội hướng đến “già hóa năng động” là tạo ra khung khổ luật pháp, chính sách về người cao tuổi, theo hướng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, phát huy khả năng đóng góp của người cao tuổi. Nhà nước cũng lồng ghép xu hướng già hóa, chính sách đối với người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, kế hoạch phát triển ngành y tế cần tính đến các đặc trưng của quá trình già hóa dân số.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng hướng trực tiếp đến người cao tuổi; khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ rèn luyện sức khỏe; tham gia học tập; hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội. Chẳng hạn, quy định tuổi nghỉ hưu, tuổi điều khiển xe cơ giới; ưu đãi về vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo; miễn hoặc giảm phí khi sử dụng phương tiện giao thông; tham quan, du lịch; học tập…
Thứ hai, bố trí nguồn lực hằng năm để thực hiện pháp luật, chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, nhất là đối với những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ ba, Nhà nước có vai trò khen thưởng hoặc xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực hiện luật pháp và chính sách về người cao tuổi.
Như vậy, xây dựng môi trường xã hội hướng tới “già hóa năng động”, hay môi trường xã hội thúc đẩy tính năng động của quá trình già hóa là sự tổng hợp hay kết hợp các mối quan hệ, các hoạt động của doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng và Nhà nước tạo ra điều kiện và cơ hội tốt nhất phát huy được đầy đủ khả năng của người cao tuổi và cùng xã hội đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Những vấn đề nổi bật cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới
Một là, nhu cầu của người cao tuổi (ăn, mặc, ở, đi lại) ngày càng được đáp ứng tốt hơn về mặt số lượng nhưng chưa được chú ý nhiều về tính phù hợp với tuổi già. Nhiều người cao tuổi khó sử dụng quần áo. Nhà ở và đi lại tiềm ẩn những rủi ro. Luật pháp quy định người cao tuổi được miễn phí hoặc giảm giá vé khi đi lại, thăm quan, giải trí, thể thao. Tuy nhiên, những quy định này thường chưa đi vào cuộc sống một cách đầy đủ.
Vì vậy, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho người cao tuổi cần tính đến nét đặc thù về sức khỏe, tâm sinh lý của người cao tuổi. Tuyên truyền để người dân bảo vệ, giảm thiểu rủi ro cho người cao tuổi ngay chính tại ngôi nhà của mình và khi đi lại; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về người cao tuổi.
Hai là, như đã trình bày, hiện nay mức sinh thấp; gia đình nhỏ; phụ nữ làm việc ngoài gia đình; con cháu thường di cư, ở xa; sự khác biệt thế hệ ngày càng lớn đang thách thức vai trò bảo đảm đời sống và chăm sóc người cao tuổi của gia đình. Gia đình đang biến đổi từ truyền thống sang hiện đại nên cần có chiến lược xã hội hóa việc chăm sóc người cao tuổi. Chuyển từ chế độ “tự cung, tự cấp chăm sóc người cao tuổi” sang “dịch vụ chăm sóc người cao tuổi”.
Ba là, trình độ học vấn của người cao tuổi thường thấp. Trong cộng đồng vẫn còn những hủ tục, tập quán, quan niệm không có lợi cho cuộc sống của người cao tuổi nói chung và sức khỏe của họ nói riêng. Đây là những rào cản lớn đối với “già hóa năng động”.
Vì vậy, trung tâm giáo dục cộng đồng, các câu lạc bộ và các tổ chức xã hội dân sự khác cần xác định xóa mù, nâng cao học vấn, tay nghề cho người cao tuổi (chú ý nhóm 60 - 64 tuổi) là nhiệm vụ chủ yếu. Cần huy động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, nhất là những người cao tuổi có trình độ học vấn cao tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, thay đổi hành vi, nhằm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Bốn là, do tuổi thọ tăng lên, kinh tế - xã hội, kỹ thuật phát triển nhanh nên khoảng cách thế hệ ngày càng xa, sự khác biệt thế hệ ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ “mâu thuẫn thế hệ”, thậm chí “xung đột thế hệ”. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động có nhiều thế hệ tham gia, giúp các thế hệ “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn chia sẻ” để đoàn kết các thế hệ; có chế tài mạnh mẽ đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi, nhất là hành vi bạo lực.
Năm là, cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin quản lý và hệ cơ sở dữ liệu về người cao tuổi. Tăng cường nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường xã hội hướng tới già hóa năng động.
GS, TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em
Theo Tạp chí Cộng sản