Vai trò của nhà trường trong phòng, chống bạo lực gia đình

(Mặt trận) - Bạo lực gia đình (BLGĐ) ở Việt Nam không phải là một vấn đề mới, song lại đang trở nên khá “nóng”, khi mà đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều gây tổn thất đối với trẻ em. Do vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong mỗi gia đình, nhất là sự phối hợp giữa nhà trường và tổ dân phố, khu dân cư nơi các em sinh sống sẽ có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, giảm thiểu những nguy cơ, hậu quả do nạn BLGĐ gây ra.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa ra định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”1. Các hành vi được coi là bạo lực gia đình (BLGĐ) được liệt kê tại khoản 1 Điều 2, trong đó, hành vi bạo lực được chia làm 3 nhóm: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, quan niệm về BLGĐ của người dân còn khá mơ hồ, thường chỉ chú ý tới hành vi bạo lực về mặt thể chất. Khi chúng ta còn nghĩ rằng, hành vi mắng chửi nhau lúc nóng giận, bố mẹ đánh con cái, chồng đánh vợ để “dạy dỗ” là bình thường, vợ phải đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng như là điều hiển nhiên thì vấn đề BLGĐ, vi phạm pháp luật dường như vẫn “đứng ngoài” cánh cửa của mỗi gia đình. Do đó, cần phải giúp người dân hiểu rõ hơn những hành vi bị coi là “bạo lực” gia đình, cách thức đối phó với BLGĐ… Trẻ em/học sinh là một trong những nạn nhân “yếu thế” của BLGĐ, cho nên, nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em khỏi BLGĐ cần sự chung tay của cả hệ thống, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của nhà trường - nơi các em được học “lễ”, học “văn”.

Trẻ em/học sinh - một trong những nạn nhân của BLGĐ

Đề cập tới nạn nhân của bạo lực nói chung và BLGĐ nói riêng, người ta hay gắn phụ nữ với trẻ em bởi tính phụ thuộc “đặc biệt” của trẻ đối với người người mẹ. Trẻ em là nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình. Để xác định giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu đau khổ hơn trong các vụ BLGĐ là rất khó, nhưng, có thể khẳng định rằng, trong nhiều trường hợp, nỗi đau đớn, thiệt thòi của trẻ em là vô cùng lớn bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.

Trong 5 năm (từ 2011đến 2015), cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Trong tổng 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện từ năm 2011 tới 2015, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%), 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%) và 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%)2.

Bạo lực xảy ra trong gia đình là do hành vi bạo lực của một số thành viên này đối với các thành viên khác, song phần lớn là bạo lực của người chồng đối với người vợ, cha mẹ đối với con cái. Luật pháp Việt Nam đã có những điều khoản bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người - phụ nữ trước chồng của họ nhưng chưa có điều khoản cụ thể để bảo vệ đầy đủ quyền của trẻ em trước cha mẹ chúng. Từ xưa tới nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn coi việc đánh đập con cái là quyền của họ, là việc “dạy dỗ” con khi chúng hư. Họ quan niệm có đánh thì chỉ đánh vào những vị trí “an toàn” như mông, chân, tay trẻ nên không ảnh hưởng tới tính mạng. Song, trên thực tế, chúng ta chứng kiến có nhiều kẻ mù quáng đã đánh con vào bất cứ chỗ nào, bằng bất cứ loại vũ khí gì họ có trong tay, không cướp đi sinh mạng thì cũng khiến trẻ tàn phế suốt đời. Hoặc đã có không ít trường hợp, khi cha mẹ bế tắc muốn tìm đến cái chết, họ cũng tìm cách buộc con cái phải chết theo. Rõ ràng, trẻ em đã phải trả giá đắt cho những vấn đề riêng của người lớn. Những trận đòn sẽ hằn sâu trong đời sống tinh thần và tình cảm của trẻ, làm tổn thương đến quan hệ giữa trẻ với cha mẹ chúng. BLGĐ không chỉ đe dọa cuộc sống, sự phát triển về thể chất và tâm lý mà còn đe dọa đến tính mạng của các em.

Nhân cách của con người được hình thành cùng với khoảng thời gian cơ thể phát triển và hoàn chỉnh. Khi được sống trong một gia đình hòa thuận êm ấm, trẻ em sẽ phát triển tốt, khỏe mạnh về cơ thể và tinh thần. Ngược lại, sống trong môi trường gia đình bạo lực, trẻ em không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc, làm quen và tiêm nhiễm lối sống bạo lực. Hiện nay, vẫn còn khá nhiều bậc cha mẹ không hiểu được rằng, việc dùng bạo lực với con cái đồng nghĩa với việc dạy dỗ, tập cho chúng thói quen dùng bạo lực với người khác, bởi một đặc điểm của trẻ nhỏ là học theo các khuôn mẫu từ cuộc sống xung quanh mình. Tất cả những gì diễn ra trong quãng đời thơ ấu của trẻ, chúng ta tưởng như nó trôi qua nhưng đều để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí trẻ. Khi trưởng thành, những điều này sẽ rất dễ lặp lại. Một người từng bị bạo hành khi còn nhỏ dễ lặp lại sự bạo hành đối với thế hệ sau. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, bạo hành có thể tạo ra nhiều thế hệ nạn nhân3.

Tiếp cận truyền thông, chúng ta biết những câu chuyện về cuộc đời của nhiều em nhỏ do bị người lớn đánh mắng, hành hạ tàn bạo mà trở nên đần độn, học hành sút kém, hay lo sợ, thiếu tự tin. Các em nhỏ vì không chịu nổi các hình thức BLGĐ mà bỏ nhà ra đi, đều trầm lặng, ít nói, sống xa lánh mọi người và trong lòng chứa đầy mặc cảm. Bỏ nhà ra đi cũng là giải pháp cuối cùng của nhiều đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh cha mẹ vẫn còn chung sống nhưng có BLGĐ. Chúng muốn tránh phải tiếp tục chịu đựng những tháng ngày nặng nề sợ hãi, những trận đòn roi tàn nhẫn, những nỗi căm hận đè nén. BLGĐ không chỉ gây thương tích nặng nề mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần trẻ nhỏ, khiến chúng khiếp nhược, thậm chí mắc các bệnh liên quan đến thần kinh4.

Nguy hại hơn, cuộc sống xa lánh gia đình của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ BLGĐ khiến chúng dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Sự tồn tại của văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, ma túy, mại dâm… là những “cám dỗ” đối với các em nhỏ yếu đuối, đang bị tổn thương. Chúng không có đủ nghị lực và lý trí để tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt, BLGĐ đã biến nhiều đứa trẻ hiền lành trở nên hung dữ, thậm chí trở thành tội phạm “nhí”. Hành động của chúng “khủng khiếp” không thua kém các băng đảng người lớn, cũng dao găm, mã tấu, đâm chém, giết người… Theo một kết quả nghiên cứu của Bộ Công an, phần nhiều phạm nhân trẻ em đều lớn lên từ những gia đình không hòa thuận và phải quen nhìn thấy những cảnh bạo lực trong chính gia đình của chúng: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%5.

Như vậy, BLGĐ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho xã hội hiện tại mà còn cho tương lai khi những đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và tâm lý đang ngày một nhiều hơn.

BLGĐ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, song dường như có vẻ khá nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt là học sinh nữ và học sinh LGBT6. Hiện nay, học sinh nữ đang đối diện với nguy cơ bị xâm hại tình dục từ chính những người thân trong gia đình của các em. Những vụ án điển hình như cha dượng, cha đẻ, chú, ông nội “hãm hiếp” con/cháu gái mình đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho sự “xuống cấp”, “băng hoại” đạo đức xã hội, nhưng lại ít có những phân tích về nguyên nhân, bản chất sự việc. Phải chăng, đó là một hình thức BLGĐ mà mọi người chưa nhận thức đầy đủ về nó, do vậy, khi xảy ra, thường không nghĩ đó là hành vi bạo lực để lên án, tố cáo. Một phần vì tâm lý e ngại, xấu hổ của người Á Đông vốn không quen nói chuyện liên quan đến tình dục, nhưng phần nhiều do trẻ chưa được hướng dẫn, giáo dục về vấn đề giới tính, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản để có thể tự bảo vệ mình.

Còn đối với học sinh LGBT, áp lực của các em là cực kỳ nặng nề. Đại đa số cha mẹ học sinh có hiểu biết rất hạn chế về đa dạng giới. Họ sẽ can thiệp ngay khi trẻ em có những dấu hiệu khác biệt về giới hay không theo các khuôn mẫu giới. Do vậy, các em LGBT không dám công khai và chia sẻ với cha mẹ về xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình vì sợ sẽ làm cha mẹ buồn, hoặc có em đã bị cha mẹ đánh đập, ruồng bỏ, đuổi ra khỏi nhà. Một nghiên cứu cho thấy, bạo lực xảy ra dưới mọi hình thức đối với tất cả các nhóm học sinh, song với các em có sự khác biệt giới, hoặc không theo khuôn mẫu giới (những em tự nhận hay được coi là LGBT) thì tần suất bị bạo lực cao hơn hẳn so với học sinh theo đúng các khuôn mẫu giới riêng biệt dành cho nam và nữ7.

Vai trò của nhà trường trong việc bảo vệ, hướng dẫn trẻ em/học sinh khỏi BLGĐ

Có thể thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự thiếu năng lực và kỹ năng ứng phó với BLGĐ của học sinh hiện nay. Cũng không loại trừ khả năng nhiều học sinh lo sợ rằng các em có thể không an toàn khi nói ra sự thật. Việc chấp nhận BLGĐ và không làm gì khi phải đối mặt với nó phần nào phản ánh thái độ của gia đình, giáo viên, cán bộ nhà trường và xã hội nói chung. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, mọi hành vi bạo lực phải bị các thành viên của xã hội dũng cảm lên án và tích cực loại bỏ, đồng thời lớp trẻ cần phải được người lớn trang bị kỹ năng và hướng dẫn cách thức để chống lại các hình thức bạo lực. Trong trường hợp này, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhà trường được xem là cái nôi thứ hai sau gia đình có nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo ban, dạy dỗ trẻ em. Nếu như trẻ được hình thành nhân cách từ trong gia đình thì nhà trường có công bồi đắp, dung dưỡng để nhân cách ấy trở nên tốt đẹp, để các học sinh sẽ trở thành công dân tốt trong tương lai. Nhà trường có 2 nhiệm vụ quan trọng góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu nạn BLGĐ, thứ nhất là trang bị kiến thức về BLGĐ để học sinh hiểu và tránh thực hiện các hành vi bạo lực nói chung, BLGĐ nói riêng, hoặc có những kỹ năng chống lại BLGĐ; thứ hai là giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là nạn nhân của nạn BLGĐ.

Việc trang bị kiến thức về BLGĐ, trước hết thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục. Các cơ quan, cá nhân xây dựng chương trình giáo dục, các cơ quan hoạch định chính sách cần phải rà soát các môn học, các chương trình giáo dục hiện nay dưới lăng kính giới để loại bỏ những nội dung ngôn ngữ hay hình ảnh còn thể hiện định kiến giới, khuôn mẫu giới. Đồng thời, cần bổ sung những cách thức bảo vệ hiệu quả cho các nhóm có nguy cơ cao (trong đó có học sinh LGBT) vào trong các quy định, hướng dẫn phòng ngừa bạo lực, kèm theo giải thích phù hợp về các khái niệm, quan điểm liên quan đến đa dạng giới, biểu hiện giới và tính dục... Tại sao BLGĐ lại liên quan đến vấn đề giới? Theo nhiều nghiên cứu, yếu tố cơ bản nhất gây ra nạn BLGĐ là nhận thức về vấn đề bình đẳng giới còn hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của BLGĐ. Ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến với những quan niệm mang đậm màu sắc định kiến giới, đó là những định kiến nằm ngay trong truyền thống văn hóa, phong tục tâp quán, chuẩn mực đạo đức bấy lâu nay trong xã hội: tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chồng chúa, vợ tôi; tư tưởng gia trưởng; định kiến giới: phụ nữ là người giữ gìn hạnh phúc gia đình - “một điều nhịn là chín điều lành”… Những quan niệm này đã khiến cho người nam giới cho rằng họ có vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền định đoạt mọi việc, họ luôn có tư tưởng mình là “tiếng nói” trong gia đình nên có thể mắng chửi vợ một vài câu là điều bình thường, thậm chí tát vợ một vài cái cũng không sao; hay do hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái mình. Rồi nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ bị bạo lực: họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, họ sợ: “vạch áo cho người xem lưng”, hay sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… nên ra sức cam chịu. Cộng đồng, xã hội coi vấn đề BLGĐ là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt8. Do đó, BLGĐ vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.

Do vậy, các khía cạnh liên quan đến giới và giới tính, bình đẳng giới, đa dạng giới cần được các nhà giáo dục và chuyên gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa rà soát, nhìn nhận lại một cách thấu đáo và toàn diện hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo các nội dung giáo dục và hoạt động trong trường sẽ được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và những cam kết của Việt Nam đối với các công ước quan trọng, cũng như phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay. Nó bao gồm cả việc đưa ra những mô tả toàn diện về BLGĐ dưới nhiều hình thức thể hiện, cùng những tình huống giả định với minh họa về cách thức ngăn ngừa BLGĐ. Những điều đó sẽ tạo cơ hội cho cả giáo viên và học sinh có những trải nghiệm dạy và học hữu ích, nâng cao nhận thức về sự đa dạng và tăng cường năng lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề BLGĐ một cách đúng đắn, hiệu quả.

Các trường học nên đầu tư bổ sung vào tủ sách và thư viện của nhà trường các tài liệu liên quan đến giới và giới tính, bình đẳng giới, xu hướng tính dục và đa dạng giới để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

BGH các nhà trường cần tiến hành các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hội thảo, tọa đàm... cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, đa dạng giới cũng như phòng chống BLGĐ. Điều này là thiết yếu để giúp giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường có nhận thức đúng đắn hơn về các hình thức biểu hiện và đặc điểm của BLGĐ.

Khuyến khích giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh, hướng vào các chủ đề bình đẳng giới và đa dạng giới để tạo cho các em cơ hội nâng cao nhận thức và thái độ đối với những vấn đề này, xây dựng các mối tương tác và quan hệ bạn bè tích cực giữa và trong nhóm bạn học với sự tôn trọng đúng mực đối với những khác biệt, phát triển và rèn luyện những kỹ năng phòng chống và báo cáo các hành vi bạo lực. Học sinh cần được tiếp xúc ngay từ khi còn nhỏ tuổi với các khái niệm về bình đẳng giới, đa dạng giới, và sự cần thiết phải tôn trọng giới tính và sự đa dạng tính dục của người khác theo các nguyên tắc về quyền con người. Nói cách khác, khi được tiếp cận từ sớm với quyền con người, các em sẽ ý thức được hành vi và trách nhiệm của bản thân. Khi học sinh đạt được hiểu biết ở mức độ cao hơn thì các em có thể tham gia thảo luận sâu với thông tin toàn diện hơn, thậm chí, có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhà trường cần xây dựng và thực thi các quy định phòng chống BLGĐ với quy trình rõ ràng đối với cả học sinh và giáo viên, bao gồm những nguyên tắc cơ bản là chấp nhận những khác biệt, không chấp nhận sự phân biệt đối xử và bạo lực. Khuyến khích lãnh đạo và giáo viên, cán bộ nhà trường xây dựng văn hóa phi bạo lực, không kỳ thị và không phân biệt đối xử trong nhà trường thông qua việc tham gia vào các chiến dịch vận động, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và cha mẹ học sinh về sự chấp nhận đa dạng giới trong trường học.

Nhà trường cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc và hiệu quả với những vụ bạo lực hoặc chủ động ngăn chặn không để những mầm mống của bạo lực phát triển. Rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy vai trò của nhà trường trong phòng chống bạo lực dường như chưa thực sự hiệu quả. Bạo lực học đường rất có thể là mầm mống nảy sinh BLGĐ trong tương lai của các em học sinh này. Nhà trường cũng cần có những quy định về việc giám sát và quản lý một cách hiệu quả việc sử dụng các thiết bị di động, mạng internet, facebook của học sinh, nhằm phát hiện những biểu hiện ban đầu, tiềm ẩn nguy cơ bạo lực từ các em và từ gia đình của các em.

Để thực hiện vai trò giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là nạn nhân của BLGĐ, nhà trường nên chủ động thành lập phòng công tác xã hội học đường, dịch vụ tâm lý học đường hoặc các phòng tham vấn cho học sinh do những cán bộ, nhân viên được đào tạo nghiệp vụ đảm nhận. Những chuyên gia tâm lý học đường này sẽ đảm đương vai trò cùng với nhà trường phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, đồng thời, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả việc xử lý và can thiệp khi bạo lực xảy ra. Những phòng tham vấn này nên xây dựng theo hướng phù hợp với tâm sinh lý, độ tuổi của các cấp học, để các em học sinh luôn đảm bảo sự an toàn khi chia sẻ về nạn BLGĐ cũng như cảm thấy được che chở, bảo vệ, “tạm lánh” khỏi BLGĐ.

Nhà trường cần thiết lập và duy trì, thông qua nhiều kênh liên lạc khác nhau cũng như các hình thức hoạt động đa dạng hơn - các mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng địa phương để bảo vệ và đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường và tổ dân phố, khu dân cư nơi các em sinh sống sẽ có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ, giảm thiểu những nguy cơ, hậu quả do nạn BLGĐ gây ra cho các em học sinh.

Phùng Thị An Na

Tiến sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.8.

2. Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, http://trithucvn.net/chinh-tri-xa-hoi/bao-luc-gia-dinh-thay-gi-tu-con-so-hon-31-500-vu-mot-nam.html

3. http://nhatvietedu.vn/29-cam-nang/danh-cho-cha-me/1920-anh-huong-khong-nho-cua-bao-luc-gia-dinh-toi-tre.html

4. http://www.suckhoetamthan.net/tam-ly-thuc-hanh/Bao-luc-gia-dinh-va-anh-huong-cua-no-den-tam-ly-va-viec-hinh-thanh-nhan-cach-cua-tre-em-437.html

5. https://congtacxahoi.net/bao-hanh-tre-em-trong-gia-dinh-va-nha-truong/

6. LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender).

7. UNESCO (2016), Báo cáo nghiên cứu Bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam.

8. http://hoibaotrotuphap.com/huong-dan-nghiep-vu/cac-nhom-bao-luc-gia-dinh-nguyen-nhan-va-giai-phap-cua-hien-tuong-bao-luc-gia-dinh.196.html

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. UNESCO (2016), Báo cáo nghiên cứu Bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam.