Truyền thông chính sách góp phần xây dựng và thúc đẩy chính phủ kiến tạo

(Mặt trận) - Sáng ngày 1/11, hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” đã diễn tại Hà Nội. Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Dự hội thảo có ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ; ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Lee Hyuk, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam cùng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia truyền thông và nhà hoạch định chính sách Việt Nam và Hàn Quốc.

PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên với 10 tham luận chính được trình bày và nhiều ý kiến trao đổi tại chỗ. Phiên 1 tập trung vào kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc về truyền thông chính sách trong cái nhìn so sánh của học giả hai nước. Phiên 2 tập trung vào các giải pháp và mô hình truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội.   

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, nhận thức mang tính phương pháp luận về truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội là tiền đề quan trọng để xây dựng mô hình truyền thông hiệu quả. PGS.TS. Trương Ngọc Nam nhận định: “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội có mối quan hệ mật thiết, theo đó truyền thông xây dựng đồng thuận xã hội về chính sách và đồng thuận xã hội thúc đẩy quá trình thực thi chính sách. Truyền thông hình thành văn hóa đối thoại; đảm bảo quyền được biết của công chúng đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách”.

Theo ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, hội thảo lần này mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước và cũng là nền tảng cho những mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

Ông Kim Jinoh cho biết, thành lập vào năm 1991 dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, KOICA là cơ quan hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Văn phòng đại diện KOICA Việt Nam được thành lập năm 1994 và đi vào hoạt động từ đó đến nay. Trong những năm qua, KOICA đã thực hiện rất nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp cải thiện môi trường giáo dục, y tế, môi trường thông qua các dự án như xây dựng trường học, trường dạy nghề, bệnh viện…

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch truyền thông chính sách, đánh giá chính sách, thăm dò dư luận xã hội… gắn với các lĩnh vực cụ thể như y tế, năng lượng hạt nhân. Các trao đổi tại hội thảo cũng làm rõ hơn lý luận về truyền thông, truyền thông chính sách và vai trò của truyền thông trong quy trình chính sách.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách trong việc xây dựng đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong thực tiễn. Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí và truyền thông tạo ra cầu nối giữa chủ thể và đối tượng chính sách. Tuyền thông càng tham gia đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả của truyền thông càng được nâng lên.

Các ý kiến cũng tập trung làm rõ các thách thức và yêu cầu đối với truyền thông chính sách trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông xã hội. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng chính phủ điện tử là một giải pháp quan trọng. Chính phủ điện tử góp phân nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách công, gia tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, mô hình phối hợp liên ngành trong truyền thông chính sách hay mô hình nâng cao năng lực của công chúng… Việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng các mô hình này trong thực tiễn rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và thúc đẩy chính phủ kiến tạo.