Thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Thành công và thách thức

(Mặt trận) - Phổ cập giáo dục tiểu học, từng bước hoàn thành phổ cập giáo dục THCS là một thành tựu to lớn của nước ta. Để có những đánh giá trung thực, khách quan về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát thực tế ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, cần có giải pháp chiến lược để phát triển sự nghiệp giáo dục, nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân lao động và đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Sáng ngày 5/9/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018 tại Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vì vậy, để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, về thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn cả nước nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Quy định rõ về điều kiện bảo đảm, trách nhiệm của các cơ quan; tiêu chuẩn, thẩm quyền và hồ sơ công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, các tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), trong đó có thành phần tham gia của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được những kết quả tích cực

Theo kết quả điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc về tình hình kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, tính đến ngày 1/8/2015: Số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 7.465.062 người, đạt 79,8%; số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 7.416.732 người, đạt 79,2%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số có việc làm từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo, đạt 6,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học, đi học đúng cấp đạt 70,2% (trong đó: cấp tiểu học 88,9 %; cấp trung học cơ sở 72,6 %; cấp trung học phổ thông 32,3 %). Tổng số trường học của các xã vùng dân tộc thiểu số là 17.722 trường (trong đó: mầm non: 5.420; tiểu học: 5.968; trung học cơ sở: 3.652; trung học phổ thông: 597 và trường ghép hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở: 293)1.

Để có được những kết quả trên, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm ưu tiên cho công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, như: Chính sách ưu đãi đối với cán bộ quản lý và nhà giáo công tác ở vùng dân tộc theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ; Chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giáo dục với chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Ngoài ra còn có các Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục và đào tạo (Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn); Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở... Trang thiết bị giáo dục cũng được ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, như trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập (máy vi tính, dụng cụ thí nghiệm, sách tham khảo...), cấp sách giáo khoa, hỗ trợ học phẩm tối thiểu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số. Đối với loại hình giáo dục đào tạo có tính chất chuyên biệt có chính sách riêng, như chính sách đối với trường phổ thông dân tộc nội trú… Các chính sách đó đã góp phần động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến; tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số đến trường, nâng cao chất lượng học tập.

Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên cơ sở gắn kết mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong từng năm học, từng cấp học. Để có những đánh giá trung thực, khách quan về công tác phổ cập giáo dục, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát tại 4 tỉnh ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), cho thấy kết quả cụ thể như sau:

Quảng Nam: Năm 2016, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; đạt chuẩn giáo dục tiểu học mức 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 1, đạt chuẩn xóa mù chữ mức 1. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,8%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 97,1%. Tổng số xã được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 27/244 xã, tỷ lệ 22,1%; mức độ 3 là 217/244 xã, tỷ lệ 88,9%. Tổng số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 4/18 huyện, tỷ lệ 21,2%; mức độ 3 là 14/18 huyện, tỷ lệ 77,8%. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 92%. Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 là 17/244 xã, tỷ lệ 7%; mức độ 2:116/244 xã , tỷ lệ 47,5%; mức độ 3: 111/244 xã, tỷ lệ 45,5%. Tổng số huyện được công nhận đạt phổ cập mức độ 1: 8/18 huyện, tỷ lệ 44,4%; mức độ 2: 9/18, tỷ lệ 50%; mức độ 3:1/18 xã, tỷ lệ 5,6%. Số người mù chữ có 27.977 người, tỷ lệ 2,75%. Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 41/244 xã, đạt tỷ lệ 16,8%. Mức độ 2: 203/244 xã, đạt 83,2%. Tổng số huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ 100%. Mức độ 1 có 5/18 huyện, đạt tỷ lệ 27,8%; mức độ 2 có 13/18 huyện, đạt tỷ lệ 72,2%

Quảng Ngãi: Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Quảng Ngãi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi 99,9%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em từ 6 đến 14 tuổi đạt 96,31%. Các xã được công nhận mức độ phổ cập gồm: Mức độ 2 có 11/184 xã; mức độ 3 có 173/184 xã. Cấp huyện: Mức độ 1 có 3/14 huyện; mức độ 2 có 11/14 huyện; mức độ 3 có 10/14 huyện. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 90%. Cấp xã: Mức độ 1: 58/184; mức độ 2: 89/184; mức 3: 36/184. Cấp huyện: mức 1: 3/14, mức 2:11/14. Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt mức độ 1, tỷ lệ 99,75%; mức độ 2, tỷ lệ 98,33%. Cấp xã được công nhận chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 có 41/184 xã; mức độ 2 có 143/184 xã.

Cao Bằng: Năm 2016, tỉnh đã đạt kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%. Cấp xã có 196/196 xã, đạt tỷ lệ 100%; cấp huyện có 13/13 huyện, đạt tỷ lệ 100%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học tỷ lệ trẻ em từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình đạt tỷ lệ 96,48%. Cấp xã đạt chuẩn mức độ 1 có 2/199 xã; mức độ 2 có 30/199; mức độ 3 có 167/199. Cấp huyện: mức độ 1 có 13/13; mức độ 2 có 6/13; mức độ 3 có 7/13. Năm 2016, Cao Bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở tuổi từ 15-18 đạt 85,07%. Cấp xã đạt tỷ lệ đạt chuẩn 98,99%. Cấp huyện đạt chuẩn mức 1, tỷ lệ 84,62%; mức 2 tỷ lệ 15,38%. Kết quả về xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 1 cho người từ 15 - 60 tuổi 95,6%. Mức độ 2 là 88,56%.

Hà Tĩnh: Năm 2017, tỉnh Hà tĩnh đã đánh giá mức độ chung của toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi bền vững, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 bền vững. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 99,97%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,8%, trẻ 14 tuổi đạt 98,7%. Trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 100%. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp xã đạt mức 1 có 2/262 xã, mức 2 có 49/262 xã, mức 3 có 211/262 xã. Tỷ lệ trẻ từ 15 - 18 tuổi có bằng trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 95,24%. Kết quả xóa mù chữ cấp xã đạt chuẩn mức độ 2 là 100%, cấp huyện 100%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ mức độ 2 là 99,99%.2.

 Qua khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy,  chính sách được Chính phủ ban hành thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển. Đối với các địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, vùng sâu vùng xa, ngành giáo dục đã mở thêm nhiều điểm lẻ, lớp lẻ, lớp ghép… để đảm bảo huy động tối đa số trẻ tới trường. Các chính sách về phát triển phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục trên địa bàn cả nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng được củng cố và phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện công bằng trong giáo dục.

Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, vì mạng lưới trường, lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số (vẫn còn thiếu nhiều phòng học cho các cháu mầm non, thiếu nhiều nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú…), tình trạng điểm lẻ, lớp ghép, lớp chồi… còn chiếm tỷ lệ cao ở các xã, huyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua khảo sát cho thấy, toàn tỉnh Cao Bằng còn hơn một nghìn điểm lẻ, lớp ghép ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và trình độ giáo viên. Ở Lai Châu còn 1.259 phòng học tạm, 188 phòng học nhờ, phòng học mượn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn thiếu về số lượng, năng lực nghề nghiệp của một số giáo viên còn hạn chế; một bộ phận giáo viên đời sống còn khó khăn, chưa yên tâm công tác. Vị trí làm việc, số lượng người làm việc và chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên làm việc trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, chưa phù hợp với đặc thù công việc. Một số chính sách đối với người dạy, người học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ… Chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng dân tộc hiện nay chưa khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chế độ tiền lương và phụ cấp chưa thu hút được giáo viên tình nguyện đến công tác ở vùng dân tộc khó khăn; chế độ chính sách này được thực hiện theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ vẫn có những điểm bất cập đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các thị trấn, thị xã ở các tỉnh vùng cao, miền núi. Đội ngũ giáo viên miền núi chưa đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Tại một số vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giáo viên không đạt chuẩn lên tới 50%. Đối với các tỉnh có nhiều thôn đặc biệt khó khăn như: Sơn La 1.708 thôn; Cao Bằng 1.598 thôn; Hà Giang 1.408 thôn; Nghệ An 1.175 thôn; Điện Biên 1.146 thôn; Lạng Sơn 1.125 thôn; Lào Cai 1.007 thôn... nếu Nhà nước không có chế độ hỗ trợ đối với học sinh nghèo. Việc triển khai một số chính sách về giáo dục có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, phần lớn học sinh dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 mới bắt đầu làm quen với tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức vô cùng khó khăn, nhất là môn tiếng Việt. Đối với học sinh dân tộc thiểu số việc học tiếng phổ thông là học môn “ngoại ngữ”, nhưng đối với giáo viên dạy bậc học này hầu hết đều còn trẻ, tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số ít, chưa có kinh nghiệm tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào nên chuyện giao tiếp với phụ huynh, học sinh là một rào cản. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo chưa theo kịp thực tiễn phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; sự chỉ đạo còn thiếu linh hoạt và mang nặng tính hành chính; việc tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách chưa sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm địa lý, tự nhiên và tập quán, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, việc hướng dẫn triển khai một số chính sách còn chưa kịp thời...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018 tại Trường THPT Tầm Vu, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang và trao 10 bộ máy vi tính cho trường. Ảnh:Kỳ Anh

Một số giải pháp tiếp tục thực hiện sự nghiệp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu, đảm bảo chủ trương, chính sách được ban hành, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ban ngành, Mặt trận và các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

2. Tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng, Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện xã hội hóa giáo dục để toàn dân cùng quan tâm đóng góp một cách thiết thực là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

3. Ngành giáo dục phải xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng trên cơ sở tiếng, chữ viết phổ thông và tiếng, chữ viết riêng của từng dân tộc. Đào tạo được đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ có trình độ về sư phạm và kiến thức cho từng vùng và từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho phù hợp để họ yên tâm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở chính quê hương của họ.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường phối hợp với ngành giáo dục tiếp tục rà soát các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp giai đoạn mới.

----------------------------------------

1. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc tháng 8/2015.

2. Báo cáo kết quả khảo sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Hà Tĩnh về công tác thực hiện Nghị định 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Nguyễn Hữu Dũng

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam