(Mặt trận) - Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các nhà báo, tòa soạn thường xuyên phải đối diện với một số thế lực có chức quyền hoặc những đối tượng làm ăn phi pháp, có nhiều tiền và quan hệ. Nhưng, bên cạnh sức ép về chính trị, các nhà báo điều tra đang phải đối mặt với một rào cản khác - đó là các hợp đồng bảo trợ truyền thông trá hình.
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận
Quảng cáo thành “mồi câu”?
Vào một ngày đẹp trời, một lãnh đạo doanh nghiệp A vừa đặt chân đến nhiệm sở đã nhận được thông tin không mong muốn: Đang có vài bài báo mang tính chất điều tra “soi” vào các hoạt động làm ăn “nhạy cảm” của công ty. Các bài viết chỉ ra con số nợ xấu tăng vọt, kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng, vài vụ sáp nhập “mập mờ” của doanh nghiệp A... Vị lãnh đạo này cảm thấy vô cùng bối rối. Anh hiểu rằng, chỉ cần 1 tờ báo lên bài, hàng loạt trang thông tin tổng hợp “ăn theo”, lấy lại một cách không thương tiếc.
Có cách nào sớm ngăn chặn tác hại của thông tin đang lan tỏa với tốc độ chóng mặt?
Có nên liên hệ làm việc với các báo để gỡ bài, đặt hàng một số báo khác viết theo chiều hướng tích cực nhằm cân bằng lại thông tin? Anh liền nhớ tới các hợp đồng truyền thông đã ký với các báo “ruột” cảm thấy rất an tâm khi nhận được “tín hiệu” sẽ “im lặng”...
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn cách thức các doanh nghiệp đang sử dụng để mua “bảo trợ” của các tờ báo thông qua các hợp đồng truyền thông. Đã có nhiều vụ việc về các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận được nhân dân phát hiện, gửi đơn thư phản ánh đến cơ quan báo chí, nhưng lại được xử lí bằng cách... im lặng(!). Lý do là vì sao? Không dễ gì khi một doanh nghiệp bỏ ra số tiền lên đến cả trăm triệu đồng thậm chí còn nhiều hơn để ký các gói hợp đồng tuyên truyền với các báo, nếu như họ làm ăn đàng hoàng, bài bản, không vi phạm pháp luật, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc...
Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy, đó là lý do mà hiện nay rất nhiều doanh nghiệp “có vấn đề” muốn “mua sự im lặng” của báo chí bằng việc ký các hợp đồng bảo trợ truyền thông. Khi cơ quan báo chí ký hợp đồng bảo trợ truyền thông với doanh nghiệp, có hai nội dung đáng chú ý: Doanh nghiệp có thể gửi những bài PR, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và “thòng” vào điều khoản để cơ quan báo chí không đăng tin, bài bất lợi cho đơn vị họ. Thậm chí, họ còn thỏa thuận với tòa soạn nếu phát hiện có tin xấu đối với mình thì thông tin cho họ biết để xử lí.
Từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, một số tờ báo, trang tin có “quan hệ” tốt với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân, biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù...
Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nội dung trên vẫn còn “cửa” cho các phóng viên điều tra hoạt động. Tuy nhiên, phức tạp ở chỗ, chẳng hạn 1 tập đoàn X đầu tư 1 dự án lớn ở tỉnh Q, tại dự án của họ có để xảy ra chuyện nọ chuyện kia, nhưng do đã có hợp đồng bảo trợ truyền thông nên các cơ quan báo chí đã kí hợp đồng sẽ không đưa tin. Vấn đề là, tại địa phương mà doanh nghiệp đặt dự án lại có những vấn đề khác, ví dụ như lãnh đạo địa phương sử dụng bằng giả bị phát hiện, việc luân chuyển cán bộ sai quy trình hay đền bù giải phóng mặt bằng không liên quan đến dự án, địa phương lại thông qua doanh nghiệp liên lạc với lãnh đạo cơ quan báo chí để “xin” hộ, lấy lý do là đối tác của doanh nghiệp, đang có dự án trên địa bàn tỉnh, mong tạo điều kiện, có lợi nhuận thì mới lại có tiền để kí kết hợp đồng bảo trợ. Cũng có trường hợp sau khi ký hợp đồng bảo trợ truyền thông, nhiều tờ báo vẫn dũng cảm cho đăng bài phản ánh sai phạm của doanh nghiệp, sau đó tùy tình hình mà gỡ bài.
Chính những hợp đồng bảo trợ truyền thông như thế đang “trói” tay phóng viên điều tra. Hiện tượng này không phải là cá biệt mà khá phổ biến, khiến một phóng viên điều tra trong bất kỳ báo nào, nhìn khắp xung quanh chỗ nào cũng thấy có hợp đồng bảo trợ. Tình trạng này khiến các tờ báo khó có thể có những đề tài, tuyến bài hay bởi những đề tài hay, nhạy cảm về môi trường, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng; về các sự cố sập cần cẩu hay tai nạn lao động chết người... chủ yếu rơi vào những tập đoàn lớn, hoạt động tại các địa phương. Nếu đem so sánh việc doanh nghiệp bỏ ra 1 - 2 trăm triệu để “mua sự im lặng”, hay nói cách khác là mua sự “bảo kê” của cơ quan báo chí vẫn quá rẻ so với những mất mát của xã hội, của người dân.
“Chuyên nghiệp” trong kinh tế truyền thông
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhất là với các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, vì các hợp đồng bảo trợ thông tin dường như là điều phải chấp nhận. Tôi được đồng nghiệp ở một số tờ báo lớn chia sẻ về tình trạng này, và những cái khó của cơ quan báo chí, chứ không phải tòa soạn không nhận thức được là khi ký 1 hợp đồng bảo trợ đồng nghĩa với việc sẽ “trói chân, trói tay” phóng viên của mình. Đó là một thực tế đang diễn ra, và là vấn đề làm đau đầu nhiều cơ quan báo chí, chủ quản cũng như cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Trước tiên, đối với các tòa soạn, cần có sự chọn lọc đối với những đơn vị ký hợp đồng bảo trợ truyền thông, bởi chúng ta không thể “nhắm mắt” ký hợp đồng bảo trợ với những công ty, đơn vị làm ăn không uy tín, chộp giật như trường hợp các đường dây bán hàng đa cấp gần đây, hay các đơn vị hoạt động dịch vụ cho vay kiểu cầm đồ với lãi suất “cắt cổ”, hoặc các công ty có “tiền sử” gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Trước đây, có nhiều công ty bán hàng đa cấp đã ký nhiều hợp đồng bảo trợ thông tin với nhiều báo.
Khi ký hợp đồng bảo trợ thông tin nên có “khoảng trống” để tạo cơ hội cho phóng viên làm việc. Chỉ bảo trợ cái tốt chứ không nên bảo trợ cái xấu, cần sự cảnh báo, nếu sau vài lần đơn vị không khắc phục hậu quả, phải đăng tin, nếu không sẽ là có tội với bạn đọc, có tội với những nạn nhân bị thiệt thòi từ các vụ việc sai phạm của họ.
Các hợp đồng truyền thông cần được soạn thảo kỹ lưỡng, bỏ các điều khoản “mua sự im lặng” hoặc tránh việc các đơn vị này gánh vác cho cả địa phương - nơi công ty đang triển khai dự án.
Cơ quan quản lý cần phải rà soát lại việc một số tòa soạn báo lớn bỗng dưng im lặng trước các sự cố lớn về môi trường, về vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Tại sao họ không phản ánh, có phải đang thiếu trách nhiệm với bạn đọc và xã hội? Có báo vừa đăng bài lại nhanh chóng gỡ bỏ.
Khi phát hiện đề tài gây bức xúc dư luận, nhưng đối tượng của đề tài lại nằm trong gói bảo trợ của tòa soạn, phóng viên vẫn cần phải đưa đề tài này ra trước Ban Biên tập để thảo luận, nên hay không nên đưa tin, nên đánh đổi sự im lặng để lấy bảo trợ thông tin hay phanh phui sự việc vì bạn đọc, vì công chúng. Trong trường hợp tòa soạn không thực hiện đề tài đó, phóng viên có quyền đề nghị làm công văn gửi những thông tin có được đến các cơ quan chức năng để giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức cũng như ngăn chặn những sai phạm của đơn vị đó.
Trong thực tế, nhiều phóng viên tinh thần ban đầu có thể là tốt, nhưng trong quá trình thực hiện có thể phát sinh những cám dỗ, hoặc những tình huống gây nguy hiểm cho bản thân, do vậy cần trang bị những kiến thức cần thiết cho quá trình tác nghiệp, cũng như có biện pháp răn đe, giáo dục để phóng viên hành động phù hợp với luật pháp. Vừa qua, có rất nhiều trường hợp nhà báo bị hành hung, nhưng tại sao các cơ quan báo chí lại im lặng? Bởi, sau khi hành hung xong, có thể xuất hiện những thương lượng, bồi thường đối với phóng viên hay tòa soạn, dẫn đến việc không thấy bài đăng nữa(?).
Rõ ràng, xét về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, việc một cơ quan báo chí, hay phóng viên im lặng trước những thông tin sai phạm phát hiện được là khó có thể chấp nhận. Nhưng, một số tòa soạn hiện nay lại đang chấp nhận đánh đổi “đạo đức nghề nghiệp” lấy những gói bảo trợ thông tin.
Nghề báo là một nghề cao quý và thiêng liêng, các nhà báo, tòa soạn đều đủ tỉnh táo, trí tuệ để phân biệt rõ doanh nghiệp nào nên hợp tác, doanh nghiệp nào không, hoặc hợp tác ở mức độ nào để không vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Hy vọng trong giới báo chí vẫn còn nhiều những nhà báo như vậy.
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận