Nhìn lại các bộ luật cũng như các văn bản pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, thấy rõ một điều, có những quy định khắt khe, hình phạt rất nặng, nhưng nhờ thế việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nạn tham ô công quỹ, nhũng nhiễu nhân dân đã được hạn chế. Nhắc lại bài học hôm qua, làm chỉ dẫn cho hành động hôm nay luôn là quan trọng và cần thiết.
Ảnh minh họa - Nguồn: congluan.vn
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), “tham nhũng” là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, gây khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Theo Xa-mu-en Hăn-tinh-tơn (Xamuel Huntington), trong một cuốn sách xuất bản ở Mỹ năm 1968, thì “tham nhũng là hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi”. Tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực - một quyền lực to lớn, thậm chí vô biên, vô song, theo đó, rất dễ xẩy ra sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực bị lợi dụng, bị tha hóa.
Người xưa, chuyện xưa về phòng, chống tham nhũng
Cách đây hơn một ngàn năm, nhà nước phong kiến triều Lý (1009 - 1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của giới quan lại. Đối với việc thu thuế, các quan nha, thư lại ở lĩnh vực này cùng với mười phần phải đóng vào kho triều đình, họ được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm.
Triều Lý cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông). Bộ Luật này hiện không lưu giữ được, tuy nhiên, qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, cùng với các tội về “thập ác”, thì tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban chiếu: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì được nhận thưởng bằng hiện vật thu được”.
Đến triều Lê sơ, Lê Thánh Tông đã xây dựng và thực thi Bộ Luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau. Bộ Luật có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có quy định: các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức; thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ); “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ” - “lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đầy đi các châu xa…); từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử “tử” (là hình phạt nặng nhất, phạt bằng cách chết thắt cổ, chém cổ, xử trảm bêu đầu…); “Các quan địa phương sách nhiễu lương dân, mua bán rẻ, đòi biếu xén, hối lộ thì hạ chức hoặc bãi chức… và phải bồi thường gấp đôi trả dân”.
Dưới triều Lê, việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài, trong sạch cũng được đề cao. Khi quan lại đã tham ô, thì việc định tội không phân biệt giàu/ nghèo, sang/ hèn, chức to hay chức nhỏ. Nhờ đó, người tốt có chỗ dựa, được tin dùng; bọn tham quan, kẻ xấu xa khó tìm được đất sống. Ngoài ra, còn có một số quy định cần thiết và khá cụ thể, như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, dinh thự tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi, dễ dẫn đến cấu kết bè cánh, hội thuyền.
Đến triều Nguyễn, bên cạnh những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử, nhà Nguyễn cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước. Nổi bật là việc xây dựng và thực thi Bộ Luật Gia Long (ban hành năm 1815). Trong số gần 400 điều của Bộ Luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham ô, nhũng nhiễu, trong đó, nhiều điều rất hà khắc, như: quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ; “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội rất nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hóa, vật tư, tiền công thì tùy theo giá trị hiện vật để xử phạt, nhẹ thì mỗi thứ hàng hóa, vật tư phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình.
Trong số các vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng (1820 - 1840) nổi tiếng nghiêm khắc, kiên quyết với tội tham nhũng và nạn tham nhũng. Năm 1821, Phó Tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý, là nhạc phụ của nhà vua, tham nhũng 30.000 quan tiền, nhà vua gạt tình thâm, ban chỉ dụ tử hình bố vợ. Cùng với các bản án và hình phạt rất nghiêm khắc, các quan tham nhũng dưới triều vua Minh Mạng đều bị tịch thu tài sản, đem chặt tay hoặc chém đầu nơi đông người để thị uy, đe nẹt.
Một số điều luật được các triều đại phong kiến ưa dùng là Luật Hồi tỵ. Năm 1831, vua Minh Mạng cho ban hành Luật Hồi tỵ. Luật quy định khi sắp xếp, bố trí các quan lại, không để họ nhậm chức ở quê nội, vì quan hệ họ tộc, láng giềng dễ nảy nở tình riêng; không bố trí hành chức cả ở quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học), dù chỉ ngắn ngày. Đến đời vua Thiệu Trị, nhà vua bổ sung thêm một số điều của luật xử án, trong đó có các quy định ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, trù dập, ức hiếp người ngay, làm sai lệch cán cân công lý.
Khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, chính tắc, ắt xuất hiện những con người thẳng ngay, khí khái, dù máu chảy, đầu rơi cũng kiên quyết gìn giữ cương thường xã tắc. Đó là nhà nho, người thầy mẫu mực “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 - 1370) thời Trần. Vì căm giận bọn nịnh thần, tham nhũng, ông đã dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần. Đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thời nhà Mạc dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên gian thần, lộng thần. Đó là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346) nhiều lần vạch mặt bọn quan tham trước triều đình; can gián nhà vua những việc làm không đúng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”
Ngay từ thời dựng Đảng, mở lời cho cuốn “Đường Kách mệnh” (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề cao “Tư cách một người cách mệnh”. Người nhấn mạnh “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”. Bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô, cần phải nghiêm trị. Ngày 17-3-1952, Người viết bài về chống quan liêu, tham ô, lãng phí: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Chúng ta từng biết, năm 1950 khi Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình, thì Hồ Chủ tịch sau khi cân nhắc kỹ đã quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương phép nước, làm hư hỏng cán bộ... Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này (tức nạn tham nhũng) khó khăn, phức tạp hơn so với đánh giặc ngoại xâm. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (03-02-1930 - 03-02-1969), Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nêu: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...”.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng hôm nay
Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn “có ý nghĩa lịch sử”, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí đã mắc phải một số yếu kém, khuyết điểm, trong đó, nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nặng nề hơn. Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đạo luật cho công tác phòng, chống tham nhũng. Ngày 29-11-2005, Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành. Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về phòng, chống tham nhũng. Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI xác định “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh, “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thông qua 94 luật, pháp lệnh, 88 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Quốc hội đã thông qua 36 luật, pháp lệnh, 45 nghị quyết, dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)… đang được tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 694 nghị định, 518 nghị quyết, 281 quyết định; riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã ban hành 429 nghị định, 327 nghị quyết, 134 quyết định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái các quy định. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ và kỷ luật nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và người đã nghỉ hưu; làm nghiêm từ trên xuống dưới; không có ai, lĩnh vực nào được coi là “vùng cấm”, là “bất khả xâm phạm”.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 31 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng tại 63 tỉnh, thành phố. Qua đó, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện nhiều dự án lớn; rà soát việc thanh tra 07 dự án gây thất thoát, thua lỗ nặng, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, đã triển khai 29.429 cuộc thanh tra hành chính, 872.941 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi 188.476 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 338 vụ/436 đối tượng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản pháp quy không còn phù hợp.
Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán 829 đơn vị đầu mối; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 74.897 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 522 văn bản của các cơ quan nhà nước; chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2014 đến nay, cơ quan điều tra trong cả nước đã khởi tố mới 971 vụ án/2.010 bị can, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 1.060 vụ án/2.444 bị can, tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 968 vụ án/2.297 bị cáo về các tội tham nhũng. Nổi lên trong số đó là các vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; Đinh La Thăng và đồng phạm; Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; Phan Văn Anh Vũ; vụ Mobifone mua AVG... Riêng trong 2 năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã chỉ đạo xử lý 52 vụ án, 33 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 21 vụ/ 263 bị cáo (tuyên phạt: 03 bị cáo án tử hình; 09 bị cáo tù chung thân; 04 bị cáo tù 30 năm; 240 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm).
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Đó là tình trạng thiếu quyết liệt, thiếu bền bỉ, thiếu toàn diện và thiếu đồng bộ; là “trên nóng dưới lạnh”; việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đạt yêu cầu; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện còn yếu; tình trạng tham nhũng ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, hành chính công, dịch vụ công… còn khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nạn tham nhũng ở nơi mình lãnh đạo, quản lý; thiếu gương mẫu, thiếu quyết liệt, thậm chí sa vào tham nhũng hoặc tiếp tay, làm ngơ cho nạn tham nhũng. Thể chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, thiếu đồng bộ; chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực và chế tài thật mạnh mẽ để xử lý tội tham nhũng, nạn tham nhũng.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, cần tập trung vào một số nhiệm vụ.
Một là, tiếp tục quán triệt và tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 10 của Bộ Chính trị khóa XII, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm cho toàn Đảng, toàn dân thấy rõ việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng; không “làm chậm” sự phát triển của đất nước, mà ngược lại, làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự cho bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân; tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, cần tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; gắn công tác phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng. Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Đảng, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; hình thành hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong sạch, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh với tham nhũng.
Ba là, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ xẩy ra tham nhũng, như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thu, chi ngân sách; đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư công và đầu tư theo hình thức BT, BOT); tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...; các giải pháp về phòng, chống tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách. Hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước phải tạo ra được “một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Rà soát, hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực để PCTN. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị “tha hóa”. Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng để “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”, phải tăng cường giám sát việc thực thi thể chế thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử; giám sát của các cơ quan tư pháp; giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí, của nhân dân và của toàn xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng, nhằm ngăn ngừa tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Đưa công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, xử lý vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Khi đã xẩy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Năm là, hoàn thiện quy định và thực hiện có hiệu quả thực tế việc kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng phải kê khai, nhất là người có chức vụ, quyền hạn. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng để chuyển mạnh và tiến tới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng./.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Theo Tạp chí Cộng sản
Theo Xuân Dần/VOV