Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tháng 10-1947. Đây là một văn kiện quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm cô đọng trong 110 trang nhưng đã đề cập toàn diện những vấn đề căn cốt nhất của công tác xây dựng Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh:Đăng Khoa
Sửa đổi lối làm việc được Người chỉ rõ là bắt đầu từ “phê bình và sửa chữa”, đó là sự thống nhất chặt chẽ của công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, cùng nhau tiến bộ; cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, tự phê bình cũng như phê bình theo tư tưởng của Người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét.
Khuyết điểm có nhiều thứ, cũng như bệnh có nhiều loại nhưng theo tác giả XYZ (bút danh của Bác khi viết tác phẩm này) thì có ba chứng bệnh rất nguy hiểm, đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Trong ba bệnh nguy hiểm này thì căn bệnh thứ ba, thói ba hoa, được Bác tách riêng và đặt ở phần sau cùng của tác phẩm với “đơn thuốc” chữa thói ba hoa mà mọi người phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành. Còn hai căn bệnh do khiếm khuyết về tư tưởng và khiếm khuyết về quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng được Bác thẳng thắn chỉ rõ như một yêu cầu cấp bách trong Sửa đổi lối làm việc. Bác khẳng định: “bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ hẹp hòi… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hàng ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
Nói cách khác, qua nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc có thể thấy, Bác đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng căn bệnh nguy hiểm mà nhiều đảng viên đang mắc phải. Căn bệnh đó hiện nay vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng. Cho nên, có thể nói, nội dung “Phê bình và sửa chữa” trong tác phẩm nói riêng và giá trị tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vẫn luôn là ánh sáng dẫn đường để từng tổ chức đảng, từng đảng viên nghiêm túc tự phê bình và phê bình.
Nhận thức được những nguy cơ bên trong ảnh hưởng trực tiếp chất lượng cán bộ, đảng viên và hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng ta đã luôn bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời chỉ đạo để công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc. Tuy vậy, vẫn có những lúc, những nơi, những cán bộ chưa thật sự làm đúng, đủ, chất lượng công tác tự phê bình và phê bình. Nhận định về vấn đề này, Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các nhóm giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa “ trong nội bộ. Đặc biệt, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII nêu rõ: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị”.
Như vậy, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị chính là một trong những giải pháp quan trọng về xây dựng Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên học tập lý luận, sửa chữa các khuyết điểm. Việc học tập lý luận của cán bộ, đảng viên sau đó phải được thể hiện bằng chương trình hành động, được áp dụng vào thực tiễn công việc của tổ chức, cá nhân. Việc thẳng thắn tự kiểm điểm và kiểm điểm trong các tổ chức cơ sở đảng vừa để đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa, đồng thời loại bỏ tính chiếu lệ, nể nang, né tránh. Tìm cách phát hiện sớm hơn nữa nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Không thể thiếu trách nhiệm nêu gương, sửa chữa trước hết là đội ngũ cán bộ đảng viên chủ chốt, lãnh đạo; đấu tranh triệt để với tình trạng cán bộ miệng nói chí, công, vô tư mà tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.
TỰU trung, có thể thấy rằng, từ những năm đầu tiên hình thành Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, tác giả XYZ đã nhận thấy và trăn trở về nhiều căn bệnh cần chữa trị cấp bách và lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Đã 70 năm trôi qua, giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn cẩm nang Sửa đổi lối làm việc vẫn nguyên tính thời sự. Người cán bộ, đảng viên trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng đều phải nêu cao tinh thần phê bình và sửa chữa. Làm tốt nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Đảng đạo đức, văn minh.
(1) X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.17-18
TS Triệu Quang Minh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I) (Theo Báo Nhân dân)