(Mặt trận) - Đồng bào dân tộc Khmer có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục động viên đồng bào Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, các địa phương vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cần triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong vùng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, bảo đảm định canh, định cư và giảm nghèo bền vững.
Nhân dịp mừng Chôl Chnăm Thmây - Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã tới thăm, chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, tháng 4/2018. Ảnh: Quốc Trung
Đồng bào Khmer là một cộng đồng sinh sống lâu đời trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ, thuộc 18 tỉnh, thành phố, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với các dân tộc anh em có công khai phá tạo lập, giữ gìn và bảo vệ vùng đất phía Nam thân yêu của Tổ quốc, đúng như tên gọi Khmer theo tiếng Phạn “Khê ma ra” có nghĩa là an bình, hạnh phúc, đồng bào Khmer luôn lao động cần cù, sống nhân ái theo giáo lý đạo Phật.
Đồng bào Khmer Nam Bộ đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, sống nhân nghĩa, vượt qua muôn ngàn thử thách của điều kiện tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển. Trước khi có Đảng, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “chia để trị” gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ giữa các dân tộc anh em. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, người Khmer ở Nam Bộ tự giác đấu tranh, tình đoàn kết các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa được củng cố, tăng cường. Tổ chức Đảng đã tập trung xây dựng, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống âm mưu thống trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp; vận động đồng bào Khmer tích cực tham gia vào “Hội tương tế ái hữu” “Nông hội đỏ”, “Cứu tế đỏ”, “Hội ủng hộ Issarăk”, “Hội Cao Miên tự do”, “Ban Sãi vận”… giác ngộ đồng bào Khmer đấu tranh giành độc lập dân tộc; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của người Khmer ở Rạch Giá do Mai Văn Dung chỉ huy, đã tổ chức phục kích, cắt đường giao thông, tiêu diệt các phương tiện của thực dân Pháp, làm chủ được nhiều vùng rộng lớn. Qua các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Khmer ngày càng nhận thức rõ hơn khả năng và sức mạnh to lớn của chính cộng đồng của mình, tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống chế độ thuộc địa, phong kiến, chống phát xít, đòi quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Nhiều thanh niên, trí thức Khmer Nam Bộ đã giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Sau năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ, cuộc kháng chiến toàn diện chống thực dân Pháp đã thu hút được đông đảo đồng bào Khmer tham gia, nhiều căn cứ kháng chiến của lực lượng yêu nước vùng Tây Nam Bộ đã được xây dựng và phát triển trong vùng đồng bào Khmer tạo tiền đề quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như: Căn cứ Trà Cú - Trà Vinh; Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu - Sóc Trăng; U Minh, Vĩnh Lợi, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời - Cà Mau…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Khmer Nam Bộ đã tích cực tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới ngọn cờ chính nghĩa, đoàn kết chiến đấu của Mặt trận, lực lượng cách mạng trong vùng dân tộc Khmer phát triển nhanh chóng thu hút đông đảo sư sãi và đồng bào Khmer tham gia vào các tổ chức cách mạng, như: Ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ, Ban Khmer vận các tỉnh, huyện, xã và phát triển cơ sở cách mạng trong giới sư sãi. Nhiều vị sư sãi Khmer đã hoàn tục trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến; nhiều phong trào đấu tranh, biểu tình công khai của đồng bào và sư sãi Khmer chống chính quyền tay sai của Mỹ - Ngụy, như: Chống dồn dân, chống bắn phá chùa chiền, chống lấy chùa làm đồn bót, chống đàn áp đã diễn ra khắp nơi ở Nam Bộ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hơn hai vạn đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh năm 1967; cuộc đấu tranh của hơn hai trăm sư sãi ở Rạch Sỏi (Kiên Giang); cuộc đấu tranh của bốn vạn người Khmer ở Trà Cú (Cửu Long) đã biểu thị tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Khmer Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, nhiều ngôi chùa của bà con Khmer đã trở thành cơ sở cách mạng. Tỉnh Bạc Liêu có chùa Kosthum, xã Ninh Thạnh Lợi, chùa Đìa Chuối, xã Vĩnh Bình, chùa Dì Quán, xã Ninh Quới; tỉnh Hậu Giang có chùa Bôrây Sêrây Chum xã Xà Phiên; tỉnh Trà Vinh có chùa Phnô Om Pung… Tổng số chùa chiền là cơ sở cách mạng ở vùng: Sóc Trăng có 39 chùa, Trà Vinh có 54 chùa, Cần Thơ có 6 chùa, Vĩnh Long có 6 chùa, Cà Mau có 6 chùa… Những năm qua, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh nói chung và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh nói riêng đã có nhiều hoạt động góp phần vào phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.
Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh đã tích cực động viên, khích lệ sư sãi, tín đồ tham gia vào các hoạt động đạo đời hài hoà; tuyên truyền, vận động các chư tăng, phật tử, thế hệ trẻ nâng cao trình độ học vấn, duy trì tiếng Khmer; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động theo hướng đồng lòng, từ đó phát huy vai trò của Hội trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã có nhiều sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, như: Hòa thượng Hữu Nhem, Thạch Thị Thanh, Neang Ghét, Danh Thị Tươi, Thạch Ngọc Biên, Kdam; nhiều chiến sỹ là người dân tộc Khmer đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, như: Kiên Thị Nhẫn, Lâm Sắc, Sơn Ton, Lâm Tương, Châu Pút; nhiều sư sãi đã giữ cương vị cao trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, như: Hòa thượng Sơn Vọng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thạch Sơn, nguyên Hội trưởng Hội đồng sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam Bộ; Hòa thượng Lui Sa Rat; nguyên Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Trà Vinh… Đảng đã giác ngộ, dìu dắt nhiều người con ưu tú của dân tộc Khmer tham gia cách mạng, trở thành đảng viên và nắm giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Ông Sơn Thông, nguyên Khu ủy viên khu Tây Nam Bộ, ông Lâm Phái, nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc Trung ương, ông Trịnh Thới Cang, nguyên Khu ủy viên khu Tây Nam Bộ; ông Thạch Sên, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; ông Huỳnh Cương, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII… Hầu hết các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ đều có mẹ Việt Nam Anh hùng là người Khmer, như: Trà Vinh có 42 mẹ, Sóc Trăng có 24 mẹ, Vĩnh Long có 8 mẹ, Kiên Giang có 7 mẹ, Bạc Liêu có 3 mẹ, Cà Mau có 3 mẹ, Cần Thơ có 2 mẹ… đã có nhiều sư sãi và trí thức Khmer đã bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo, như: Hòa thượng Tăng Hô, Lui Sa Rat, các ông Sơn Phi, Thạch Chơi, Thạch Hoa…
Từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, thực hiện chính sách dân tộc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ”, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển vùng đồng bào Khmer. Chỉ thị số 117-CT/TW ngày 29/9/1981 về công tác đối với đồng bào Khmer; Chỉ thị số 68 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; Chỉ thị 122 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đồng bào Khmer; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” và mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 “Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”. Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương trong vùng đã triển khai thực hiện, được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các vị sư sãi và đồng bào Khmer.
Một số kết quả đạt được về đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong vùng
Về kinh tế, đời sống: Vùng dân tộc Khmer được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và xóa đói giảm nghèo, đã xây dựng 90 nghìn nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 30.025 hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho 18.609 lao động. Tính đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khoảng 23%, mỗi năm giảm 3-4%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe nhìn tăng cao, bình quân 98%, nhiều địa phương đạt 100% như Kiên Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 95%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 80%, các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long đạt trên 90%.
Về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường hiện đạt trên 90%; việc dạy và học chữ dân tộc được quan tâm. Toàn vùng có 34 trường phổ thông dân tộc nội trú ở cấp tỉnh và huyện. Các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đều tổ chức dạy chữ Khmer tại các điểm chùa; hằng năm có khoảng 500 sinh viên Khmer được cử tuyển vào đại học, cao đẳng. Đội ngũ giáo viên người Khmer được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, hiện có khoảng gần 11 nghìn người, trong đó có trên 110 người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.
Về y tế: Hệ thống y tế cơ sở và công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào Khmer từng bước phát triển. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố. Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào Khmer đã có trạm y tế, trong đó có gần 90% đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo cơ bản, số lượng cán bộ y tế người dân tộc Khmer ngày càng tăng với khoảng hơn 2.000 người đang làm tại các bệnh viện tỉnh và huyện; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên, công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai, 100% hộ gia đình dân tộc Khmer nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hầu hết trẻ em được tiêm chủng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%, mỗi năm có trên 70 nghìn lượt người được khám, chữa bệnh.
Về văn hóa, thông tin: Việc bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trong những năm qua được quan tâm. Đài phát thanh, truyền hình của các địa phương và Trung ương tăng thời lượng phát sóng các chương trình bằng tiếng Khmer. Một số tỉnh đã xây dựng nhà truyền thống, nhà bảo tàng dân tộc Khmer, sưu tầm được nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Một số trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer được tu bổ với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Các đội văn nghệ chuyên nghiệp, quần chúng được khuyến khích đầu tư phát triển…
Về tôn giáo: Toàn vùng có 453 chùa và khoảng 10.000 vị sư sãi được tự do hoạt động tôn giáo. Các tỉnh trong vùng đã trùng tu xây dựng, sửa chữa được hơn 200 chùa; có 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh, đã ghi công, khen thưởng 150 chùa có công với cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các lễ hội, tín ngưỡng truyền thống đáp ứng yêu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào được các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã bước đầu đào tạo được hàng nghìn chức sắc. Một số địa phương đã có trường trung cấp Phật học. Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ xây dựng tại Sóc Trăng đã đào tạo được 17 khóa với 1.500 tăng sinh…
Tiếp tục động viên đồng bào Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay
Để phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào Khmer hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ, vận động đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng không tin, nghe theo các hoạt động tuyên truyền, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, nhất là hoạt động của cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm”.
Hai là, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhất là các nội dung của Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” và Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới” nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào Khmer về mọi mặt.
Ba là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ sư sãi, tạo điều kiện thuận lợi cho sư sãi hoạt động và tu học ở trong nước. Tiếp tục quan tâm, bảo vệ di sản văn hóa tôn giáo, xây dựng chùa Khmer thực sự là trung tâm văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chùa chiền để làm nơi sinh hoạt văn hóa, học tập, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc Khmer.
Bốn là, tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, chú trọng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát huy tốt vai trò của sư sãi, người uy tín tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng nông thôn mới để vùng đồng bào Khmer ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Hữu Dũng
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam