Phát huy kết quả 3 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”

(Mặt trận) - Sau 3 năm thực hiện đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên, các cơ quan tuyên truyền cùng cấp đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng công tác Mặt trận

Thực hiện Đề án 01 “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp. Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo và phối hợp, tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện Đề án theo tinh thần Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quy định số 282-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo đưa nội dung thực hiện Đề án vào chương trình các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Tuyên giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và phổ biến tuyên truyền nội dung Đề án trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương: Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, tổ chức triển khai lồng ghép một số nội dung của Đề án, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị của tổ chức mình.

Ngoài việc tọa đàm, hội thảo khoa học, hướng dẫn báo cáo sơ kết theo định kỳ, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tiến hành kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc bộ, miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh, thành phố; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên đã nghiêm túc tổ chức triển khai quán triệt thực hiện Đề án trong hệ thống theo đúng kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng công tác Mặt trận.

Trên cơ sở chương trình phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố đã tiến hành củng cố Ban Tuyên giáo của các tổ chức thành viên cùng cấp và hướng dẫn các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện thành lập bộ phận thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân theo Quy định số 282-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong hệ thống của tổ chức mình theo từng thời gian cụ thể; hướng dẫn các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện xây dựng chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; với các cơ quan truyền thông để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Hằng tháng, quý các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh duy trì tổng hợp báo cáo thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong hệ thống tổ chức mình, gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố vào ngày 20 - 25 hàng tháng.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và cấp tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã, thành phố đã chủ động báo cáo với cấp ủy, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án ở cấp mình, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và quy trình thực hiện việc thu thập ý kiến, nguyện vọng nhân dân và dư luận xã hội theo từng thời gian cụ thể. Phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện để tham mưu công tác tuyên truyền, thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng nhân dân và dư luận xã hội. Xây dựng chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện với 5 đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông ở địa phương; khai thác phương tiện, thiết bị nghe, nhìn, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin kịp thời tình hình thực hiện chương trình phối hợp, các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận chủ trì, phát động đến toàn thể đoàn viên, hội viên và nhân dân. Hằng tháng, quý, tổng hợp báo cáo thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trước ngày 20 hàng tháng.

Đối với Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn ở một số tỉnh, thành phố thành lập tổ dư luận xã hội (DLXH), thành phần nòng cốt là các thành viên Ban Công tác Mặt trận, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, trưởng ấp, tổ trưởng dân phố, người có uy tín trong cộng đồng, mạng lưới tuyên truyền viên, các tổ hoà giải ở cơ sở. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nắm bắt DLXH cho đội ngũ cộng tác viên. Tuy đội ngũ cộng tác viên tổ DLXH cơ sở không có kinh phí, hoạt động không có thù lao, nhưng định kỳ hằng tháng đều họp giao ban DLXH. Qua đó, kịp thời kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền địa phương, giải quyết các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời, xây dựng báo cáo tình hình nhân dân, DLXH gửi lên Mặt trận cấp trên để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ở Trung ương: Thực hiện Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1/4/2015 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; Kết luận số 100 - KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” và Đề án 01, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn phân công lãnh đạo, chuyên viên tổng hợp, nắm bắt tình hình nhân dân và thông tin DLXH thuộc Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trực tiếp tham mưu triển khai thực hiện Đề án.

Các tổ chức thành viên ở Trung ương có Ban Tuyên giáo hoặc Ban Tuyên truyền, Ban Truyền thông,… hoặc có bộ phận làm công tác tuyên giáo, đã quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho Ban Tuyên giáo thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền của đơn vị, phân công cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, đoàn viên trong hệ thống của mình.

Ở cấp tỉnh: Trước khi thực hiện Đề án chỉ có 7/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố có Ban Tuyên giáo, đến 31/10/2018, có 41/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Tuyên giáo (tăng 34 địa phương so với trước khi có Đề án). Còn 22/63 tỉnh, thành phố ghép bộ phận Tuyên giáo chung với các ban khác. Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội để nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong hệ thống Mặt trận được quan tâm chỉ đạo. Mặc dù biên chế của Ban Tuyên giáo ở các tỉnh, thành hiện nay còn hạn chế, song khi thành lập được Ban Tuyên giáo, sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện công việc đạt hiệu quả rõ rệt. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chưa thành lập được Ban Tuyên giáo thì nhiệm vụ tuyên giáo và cán bộ làm công tác tuyên giáo được cơ cấu chung với các ban chuyên môn khác của Mặt trận, cụ thể như: Nhiệm vụ tổng hợp tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân được giao cho Ban Tuyên giáo và bộ phận Tuyên giáo đảm nhiệm và thực hiện.

Việc tổ chức nắm bắt, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân được quan tâm thực hiện. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương và các vị ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ hoặc đột xuất báo cáo về tình hình nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp về tình hình nhân dân và những ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Từ khi thực hiện Đề án, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo tổng hợp báo cáo tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, 1 năm. Cùng với nguồn thông tin từ Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp lần thứ 9, 10, 11 Quốc hội (khóa XIII) và kỳ họp thứ 1, 2, 3, 4, 5, 6 Quốc hội (khóa XIV) với tổng số: 24.883 ý kiến, trong đó có 8.657 ý kiến của cử tri và 16.226 ý kiến của nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị của nhân dân do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết, giám sát.

Tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên thu thập, tổng hợp và phản ánh đến lãnh đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nguồn thông tin phản hồi có vai trò rất quan trọng đối với quá trình ban hành, tổ chức thực hiện, bổ sung, sửa đổi các quyết định lãnh đạo, quản lý xã hội, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước có được những quyết định đúng đắn, phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, những vấn đề quốc kế dân sinh... Việc thực hiện báo cáo, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương và các vị ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, được các tầng lớp nhân dân đánh giá cao.

 Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức giao ban bằng văn bản về công tác thông tin, tuyên truyền định kỳ hằng quý với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua đơn vị tham mưu là Ban Tuyên giáo các tổ chức thành viên. Đồng thời, việc giao ban công tác thông tin, tuyên truyền còn được thực hiện qua hội nghị giao ban hằng quý giữa Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ban Tuyên giáo các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Quân đội, Đảng ủy Công an và Đảng ủy Ngoài nước, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì đảm bảo thống nhất công tác định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì ký Quy chế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân về công tác thông tin, tuyên truyền.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký kết quy chế phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố; phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh để cung cấp thông tin và tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thông qua các chương trình phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, đã thực hiện được nhiều chuyên trang, chuyên mục, phóng sự phản ánh các hoạt động của Mặt trận phong phú và hấp dẫn, như: “Học tập và làm theo lời Bác”, “Đại đoàn kết”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, những cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, cơ sở.

Ngoài ra, việc thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn được thực hiện thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên, qua công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cuộc họp, sinh hoạt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở cơ sở, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương. Bằng các phương pháp đa dạng, sinh động, cụ thể, mọi nơi, mọi lúc, nhờ vậy đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống Mặt trận đã tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước... trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận các cấp từng bước đi vào nền nếp, định kỳ xây dựng báo cáo phản ánh những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề, sự việc diễn ra trong nước và ở địa phương liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, sản xuất, sinh hoạt, đời sống của nhân dân, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương cơ bản được tổng hợp và phản ánh khá kịp thời. Việc tổng hợp báo cáo ngày càng đảm bảo tính khách quan, trung thực và xây dựng, đáp ứng bước đầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và việc thực hiện các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống Mặt trận được củng cố, kiện toàn, nhất là đội ngũ các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo và các nhóm nòng cốt tham gia tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với chính quyền cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận ngày càng được củng cố. Phương thức phối hợp tổ chức tuyên truyền trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương ngày càng đổi mới. Nội dung thông tin tuyên truyền đảm bảo tính định hướng của cơ quan chức năng Trung ương, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Hiệu quả của công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến nhân dân góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận và tích cực thực hiện trong các tầng lớp nhân dân. Công tác nắm bắt thông tin, tư tưởng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân từng bước đi vào nề nếp, kịp thời phục vụ nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Một số giải pháp để công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ triển khai đợt sinh hoạt chính trị và công tác tuyên truyền Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Một là, quán triệt sâu sắc Chỉ thị Số 17-CT/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để Ðại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đại hội thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với khí thế mới, xung lực mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” theo Nghị quyết số 03/NQ-MTTW ngày 25/1/2015 của Hội nghị lần thứ hai Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền Ðại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Ba là, quan tâm kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên giáo, thông tin, tuyên truyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu thập tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền và nắm bắt DLXH, tình hình nhân dân trong hệ thống Mặt trận.

Bốn là, tăng cường định hướng, xác định rõ nội dung thông tin, tuyên truyền đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân; kịp thời nắm bắt, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân báo cáo với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền cùng cấp theo định kỳ hoặc đột xuất.

Năm là, tiếp tục tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin báo chí của địa phương, báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn; định kỳ tổ chức giao ban công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền để vừa tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân vừa thống nhất nội dung, biện pháp tuyên truyền.

Sáu là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tập trung công tác tuyên truyền miệng thông qua các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng để làm công tác tuyên truyền ở địa bàn dân cư và nắm bắt tình hình nhân dân.

Bảy là, đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, các địa phương mở chuyên trang, chuyên mục, phóng sự... kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo phát hành Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận về cơ sở, khu dân cư.

Tám là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Đề án.

Nguyễn Tuấn Anh

Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam