(Mặt trận) - Gắn liền với tên tuổi của C.Mác là một thế giới quan tiên tiến nhất. Phát hiện những quy luật của sự phát triển xã hội, C.Mác đã chỉ cho nhân dân lao động những con đường và những biện pháp hiện thực để con người tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội, để tạo điều kiện cho con người một cuộc sống hạnh phúc, phát triển tự do và toàn diện tất cả mọi năng khiếu thể chất và tinh thần. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” (1845), khi luận giải về những điều kiện, tiền đề cho sự tồn tại của con người, C.Mác đã rất quan tâm tới vấn đề hôn nhân gia đình, nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội; và qua đó thể hiện những quan điểm của ông về hôn nhân, gia đình một cách cơ bản, đầy đủ và hệ thống.
Quan điểm về gia đình trong mối quan hệ với xã hội
Khi phân tích tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, C.Mác khẳng định gia đình là một trong ba mối quan hệ của con người đã được hình thành trong lịch sử nhân loại: quan hệ thứ nhất là giữa con người với tự nhiên; quan hệ thứ hai là giữa con người với con người trong quá trình sản xuất; và quan hệ thứ ba là gia đình. Ba quan hệ này tồn tại đan xen với nhau, hòa quyện vào nhau, cùng tồn tại bên nhau.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã đưa ra quan niệm về gia đình: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình… Sự sản xuất ra đời sống - ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái - biểu hiện ra là một quan hệ song trùng; một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là hoạt động kết hợp của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách nào và nhằm mục đích gì”1.
Quan niệm này đã chỉ rõ: thứ nhất, gia đình ra đời cùng với sự ra đời và tồn tại của xã hội loài người, cùng với quá trình tái tạo ra chính bản thân con người; thứ hai, gia đình được tạo ra bởi hai quan hệ cơ bản (quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống); thứ ba, gia đình có hai nhiệm vụ chính (sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu cho cá nhân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển xã hội, đồng thời tái sản xuất con người để duy trì nòi giống - đảm bảo cho sự trường tồn của xã hội).
Dựa trên quan điểm duy vật lịch sử khi nghiên cứu sự phát triển của gia đình ở các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, C.Mác và Ph.Ăng ghen đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của gia đình trong mối quan hệ biện chứng với xã hội: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, suy đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”2.
Nhấn mạnh vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C.Mác cho rằng, gia đình chính là “quan hệ xã hội duy nhất” trong buổi đầu của lịch sử xã hội loài người. Nhờ quan hệ này, với chức năng sinh con đẻ cái, quan hệ gia đình đã sản sinh ra và duy trì các quan hệ xã hội khác. Với nghĩa đó, gia đình là một xã hội thu nhỏ: gia đình sản sinh ra các cá thể người, gắn kết các cá thể người thành xã hội.
Về sau, khi dân số tăng lên, nhiều nhu cầu mới xuất hiện. Khi nhu cầu của con người phát triển lại xuất hiện những quan hệ xã hội mới làm cho gia đình từ chỗ “là quan hệ duy nhất” trở thành “quan hệ phụ thuộc”3. Sự chuyển biến này gắn liền với quá trình phân công lao động xã hội, với quá trình phát triển xã hội, dẫn đến có sự độc lập tương đối của gia đình đối với xã hội, thậm chí có sự đối lập giữa gia đình và xã hội.
Các hình thái hôn nhân và hình thái gia đình của các giai cấp
Về hôn nhân thời cổ: C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Trong suốt thời cổ, các cuộc hôn nhân đều do cha mẹ quyết định thay cho con cái, và con cái đều yên tâm vâng theo”4.
Hôn nhân thời trung cổ, hôn nhân của quý tộc (phong kiến), của thị dân các phường hội: Các ông đã chỉ rõ: “... Đối với kị sĩ hoặc nam tước, cũng y như đối với bản thân hoàng tử, hôn nhân là một hành vi chính trị, là một cơ hội để tăng cường thế lực của mình bằng những cuộc thông gia mới; chính lợi ích của vương triều quyết định, chứ không phải nguyện vọng cá nhân quyết định”5.
“Đối với người thị dân các phường hội ở các thành thị thời trung cổ thì cũng như thế… hoàn toàn không phải nguyện vọng cá nhân, mà chính lợi ích gia đình quyết định xem người phụ nữ nào thích hợp với anh ta hơn hết… Vậy là trong tuyệt đại đa số các trường hợp, cho đến tận cuối thời trung cổ, hôn nhân vẫn giữ nguyên tính chất mà nó đã có ngay từ đầu: một việc không phải do bản thân những người kết hôn quyết định”6.
Hôn nhân tư sản - gia đình tư sản: C.Mác, Ph.Ăngghen chỉ ra một trong những công trình chủ yếu nhất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo ra những con người “tự do” và “bình đẳng” để ký kết hợp đồng “kết hôn”. Do đó, bản chất xã hội của hôn nhân, gia đình là hôn nhân có tính giai cấp, hôn nhân có “tính toán” lợi hại và là những giao kèo, cũng như trước kia, nó vẫn là cuộc hôn nhân có tính toán. Các ông viết: “Theo quan niệm tư sản, hôn nhân là một hợp đồng, một giao kèo có tính chất pháp lý, hơn nữa lại là một giao kèo quan trọng nhất trong tất cả mọi giao kèo, vì nó định đoạt cả thể xác lẫn tinh thần của hai con người trong suốt cả đời họ. Thật vậy, hồi bấy giờ, giao kèo pháp lý đó, về hình thức, đã được ký kết trên cơ sở tự nguyện: công việc đó không thể giải quyết được nếu không có sự đồng ý của đôi bên. Nhưng người ta đã thấy quá rõ cái cách để có được một sự đồng ý ấy rồi và những kẻ thật sự định đoạt việc kết hôn là những ai rồi”.
Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, với sự ra đời của nền sản xuất bằng máy móc hiện đại - nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa với lực lượng sản xuất mới dẫn đến đại công nghiệp hiện đại thay cho công trường thủ công… và do vậy, sự “yên ấm” của từng gia đình cũng bị phá vỡ theo dòng xoáy của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Không chỉ thế, đại công nghiệp còn làm thay đổi vị trí và điều kiện sinh sống của gia đình, thay đổi nhu cầu thưởng thức những giá trị vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong gia đình. Nếu trước đây, nhu cầu tiêu dùng “được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước”7, thì nay đã “nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về”8 và một khi “sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế”9, nó làm cho “những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc”10.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng xóa bỏ tình trạng cát cứ của các địa phương và các dân tộc để thay thế nó bằng những quan hệ phổ biến giữa các dân tộc. Hơn nữa, nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng phá vỡ các quan hệ sản xuất phong kiến, thay đổi kết cấu xã hội, thay đổi quan hệ giữa các giai tầng xã hội. Sự thay đổi này khiến cho quan hệ giữa “người tự do và nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả và phường hội và thợ bạn”11, bị xóa bỏ để nhường chỗ cho sự hình thành và lớn mạnh của hai giai cấp lớn đối lập nhau là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa còn tạo ra một chế độ xã hội và chính trị thích ứng với quan hệ sản xuất mới, với cơ sở hạ tầng mới. Nó xóa bỏ mọi phẩm chất và đức hạnh do chế độ phong kiến tạo dựng; “giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của hết thảy những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng”12; nó biến đổi cả quan hệ gia đình vốn được xem là thiêng liêng nhất, “giai cấp tư sản xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần thôi”13.
Hôn nhân của người vô sản - gia đình vô sản: C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan điểm của mình về gia đình trong xã hội tương lai: “… Chỉ có trong giai cấp vô sản, thì tình yêu nam nữ mới có thể trở thành một quy tắc trong các quan hệ đối với người phụ nữ... Hơn nữa, từ ngày đại công nghiệp đã giật được người đàn bà ra khỏi nhà, đem họ ra thị trường lao động và vào công xưởng, và thường biến họ thành người nuôi dưỡng của gia đình, thì trong gia đình người vô sản những tàn tích cuối cùng của quyền thống trị của người đàn ông đã mất mọi cơ sở”14.
C.Mác và Ph.Ăngghen có quan điểm tán thành giải quyết ly hôn khi hạnh phúc gia đình thực sự không còn nữa; đó là điều cần thiết cho cả người đàn ông, người đàn bà và cho cả xã hội, là biểu hiện của đạo đức và là một quy tắc trong quan hệ vợ chồng mới... Trong xã hội tương lai, đảm bảo cho con người quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn trên cơ sở bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà, đây là bước tiến rõ rệt trong thời hiện đại.
Trong gia đình đó, “họ đã tự nguyện kết hôn với nhau”, không có sự cưỡng bức hay áp đặt theo lợi ích kinh tế, lợi ích của dòng họ chi phối; thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ chồng chứ không duy trì quyền thống trị của người đàn ông; một vợ một chồng được thực hiện theo đúng nghĩa. Đó là sự liên kết tự nguyện của những con người bình đẳng, trong đó, tình cảm yêu thương, sự kính trọng lẫn nhau giữ vai trò quyết định: “Hôn nhân muốn có giá trị phải là một giao kèo do hai bên tự nguyện ký kết và hai là suốt trong thời gian kết hôn với nhau cả hai đều phải có những quyền lợi, những nghĩa vụ như nhau, đối với nhau”15. Hôn nhân tuân thủ pháp lý một mặt thực hiện sự tự nguyện đến với nhau của lứa đôi, thực hiện trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng trong việc sinh ra và nuôi dạy thế hệ mới có ích trong xã hội, mặt khác nói lên trách nhiệm của xã hội thông qua chính quyền nhà nước bảo vệ hôn nhân tiến bộ và những lợi ích chính đáng trong quan hệ gia đình.
Hôn nhân trên cơ sở tự nguyện và tiến bộ đã làm thay đổi mối quan hệ trong gia đình: địa vị của người phụ nữ được coi trọng, sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng được thiết lập, tình trạng áp đặt ép buộc đối với con cái trong hôn nhân không còn nữa, cha mẹ thương yêu tôn trọng những nhu cầu chính đáng của con cái.
Ý nghĩa đối với việc xây dựng gia đình ở Việt Nam hiện nay
Kế thừa và phát triển những quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình trong xã hội mới, coi gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”16.
Ở nước ta, vai trò của gia đình được khẳng định ngay trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình. Thực tiễn xây dựng gia đình Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận: mức sống của đại bộ phận các gia đình đã được cải thiện đáng kể, công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống, chất lượng sống.
Mặt khác, gia đình Việt Nam hiện nay cũng đang chịu sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gia đình đang biến đổi sâu sắc từ quy mô kết cấu đến các mối quan hệ và giá trị. Gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn: mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng; tuyệt đối hóa những giá trị vật chất; một số giá trị đạo đức gia đình truyền thống bị đảo lộn. Đặc biệt, các sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài du nhập vào đã dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội, khiến lối sống gia đình Việt Nam truyền thống có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống càng trở nên quan trọng và cấp bách hiện nay.
Vì vậy, vận dụng sáng tạo những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về gia đình, vị trí của gia đình trong mối quan hệ cá nhân và xã hội, sự tác động biện chứng của những yếu tố ấy và sự cần thiết phải giải quyết quan hệ bất bình đẳng trong gia đình là những định hướng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Từ đó có những định hướng đúng và biện pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về gia đình ở nước ta là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững hiện nay. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một lần nữa, Đảng ta đã khẳng định thực hiện mục tiêu: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”17 cũng chính là thể hiện quyết tâm cao trong hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ở Việt Nam.
Nguyễn Thị Tuyết
Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Nxb CTQG, H, 1995, tr 44.
2. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr 44.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.41.
4. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr 119.
5. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr 121-122.
6. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr 122.
7,8,9,10. C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, tr.47.
11. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr. 42.
12. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr. 47.
13. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr. 47.
14. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr113.
15. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.21, tr112.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb ST, H, 1989, tr 499.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.128.