(Mặt trận) - Thực hiện tốt mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là việc làm cần thiết để góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân. Bài viết đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tình hình hiện nay.
Kể từ ngày Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, hệ thống chính trị của nước ta được hình thành và ngày càng hoàn thiện về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức từ Trung ương đến cơ sở.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ lúc mới ra đời với tư cách của một hội quần chúng nhân dân (Hội Phản đế Đồng minh) cho đến nay là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đã tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, thành phần trong xã hội để tiến hành đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong các giai đoạn đất nước bị đế quốc, thực dân đặt ách thống trị; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình hiện nay. Thành công của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là các mốc son lịch sử của dân tộc từ Cách mạng tháng Tám (1945) đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) cùng những thành tựu to lớn của quá trình đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, thể hiện sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tập hợp, đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta.
Ngày nay, cùng với các tổ chức trong hệ thống chính trị: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trong đó có các đoàn thể chính trị, xã hội là các tổ chức thành viên), ở nước ta còn có nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hội quần chúng mang tính xã hội, tính nhân dân và các tổ chức phi chính phủ không phải là thành viên tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi chung là các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), được thành lập theo sáng kiến của Nhà nước với mục đích, nhiệm vụ là góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoặc theo nhu cầu thực tế của các nhóm, thành phần xã hội. Giải quyết mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với các các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tạo nên sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị đã được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011). Chủ trương của Đảng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể chế hoá trong Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015).
Là tổ chức liên minh chính trị, hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 47 tổ chức thành viên và các thành viên cá nhân.
Ở địa phương, mỗi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 30 đến 40 tổ chức thành viên. Mỗi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện có từ 25 đến 35 tổ chức thành viên. Mỗi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có từ 10 đến 15 tổ chức thành viên. Ngoài ra, mỗi Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có từ 5 đến 10 tổ chức thành viên.
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta rất lâu dài với nhiều chặng đường cùng sự hiện diện của các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội. Đặc biệt, trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, cùng với sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế là sự đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp về các xu hướng trong đời sống xã hội. Sự phát triển của khoa học, công nghệ; sự giao lưu tư tưởng, văn hoá không ngừng tác động đến lối sống và nếp nghĩ của mỗi người, mỗi tầng lớp trong xã hội, tạo nên những lớp người, bộ phận dân cư khác nhau về sở thích, nhu cầu trong đời sống và sinh hoạt của xã hội. Từ đó, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp tiếp tục hình thành. Do đó, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong xã hội luôn luôn có các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các hội quần chúng, các tổ chức phi chính phủ không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đến nay cả nước có trên 300 hội hoạt động ở cấp Trung ương, hơn 2.000 hội cấp tỉnh và hàng vạn hội cấp huyện, cấp cơ sở. Riêng hệ thống tổ chức của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có 70 hội ngành toàn quốc với trên 1.000 hội chuyên ngành, thu hút hơn 2 triệu trí thức khoa học, công nghệ tham gia1. Ở Việt Nam hiện có hơn 500 tổ chức phi chính phủ trong nước hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu tập trung vào xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường. Các tổ chức phi chính phủ trong nước chủ yếu được thành lập bởi các hội nghề nghiệp, nhất là Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Các tổ chức này thường được Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động hoa học - công nghệ. Một số tổ chức được thành lập trực tiếp bởi Bộ Nội vụ.
Cùng với các tổ chức xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng góp phần to lớn vào việc tập hợp, đoàn kết thành viên, hội viên, phát huy tính tự quản của từng cộng đồng trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội, như: xoá đói, giảm nghèo, công tác nhân đạo, từ thiện, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Mối quan hệ giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận
Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các mối quan hệ theo Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước và Chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"1.
Đối với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều 9, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) quy định: “Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp, tổ chức không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ tự nguyện, được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận
Các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật, đại diện cho quyền và lợi ích của tầng lớp, thành phần, bộ phận nhân dân tương ứng, nhưng chưa có cơ chế cụ thể để các tổ chức này tham gia giám sát, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”2.
Mặt khác, các tổ chức này chưa được trao quyền trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 - QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015). Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức này tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đúng với quy định của pháp luật3.
Các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc tập hợp, đoàn kết thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân liên quan đến tổ chức mình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng chưa được phát huy vì chưa có cơ chế phối hợp cụ thể.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận
1. Nhà nước ban hành cơ chế, quy định cụ thể hoá mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Tuỳ vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, của thành viên, hội viên của các tổ chức xã hội, hội quần chúng, tổ chức phi chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức này để tổ chức việc giám sát và phản biện xã hội.
2. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng và trình dự án Luật về Hội theo quy định của pháp luật4; trong đó nêu rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện mối quan hệ với các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo phương châm: hợp tác bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Để thực hiện tốt phương châm này, trước hết Mặt trận phải thực hiện đầy đủ vai trò “đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” theo luật pháp đã quy định đối với từng tổ chức, cá nhân. Trong đó thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tình hình hoạt động của các tổ chức để vừa kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng, thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức này, vừa thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là khi có những vấn đề, những kiến nghị từ các tổ chức này đề xuất với Mặt trận.
4. Tôn trọng tính độc lập về tổ chức và hỗ trợ để các tổ chức này phát huy hiệu quả hoạt động theo phạm vi, trách nhiệm đã được quy định khi thành lập.
5. Chủ trì hiệp thương, đề xuất các tổ chức phối hợp thống nhất hành động đối với những công việc, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội liên quan đến từng tổ chức, lĩnh vực với mục tiêu tăng cường lực lượng, tập hợp sức mạnh của các thành phần xã hội, nhất là các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì.
Thực hiện tốt mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ trong nước hiện nay là việc làm rất cần thiết để góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân, nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Lê Bá Trình
Tiến sĩ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Điều 4, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2015.
3.Điều 4, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị) và Điều 26, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015).
4. Điều 24, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015).