MTTQ Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Từ thực tiễn công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc. Bài viết đề xuất các nội dung góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đối với vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng cần bổ sung những nội dung gì? Giải pháp tăng cường các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tham gia phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chủ trì cuộc họp “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tháng 10/2017, tại Hà Nội.

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta chỉ ra rằng, trong tất cả các giai đoạn triển khai từ khâu phòng ngừa, phát hiện đến xử lý tham nhũng đều có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, đều dành riêng một điều ở phần chung có tính nguyên tắc để quy định vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tích cực tham gia, động viên nhân dân, thành viên của mình tham gia vào việc phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý tham nhũng, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm tích cực tham gia vào việc phòng ngừa phát hiện tham nhũng theo quy định của pháp luật (Điều 7 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng). Như vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các quyền và trách nhiệm sau:

Một là, tuyên truyền, vận động nhân dân, thành viên của mình tham gia vào việc phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.

Hai là, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý tham nhũng.

Ba là, giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Để hình thành cơ chế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã thể chế hóa điều 9 của Hiến pháp về giám sát và phản biện xã hội thành 2 chương: Chương V hoạt động giám sát và Chương VI hoạt động phản biện.

Tuy nhiên có thể nói, ở nước ta đến nay cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa được xây dựng đầy đủ, có hiệu lực và hiệu quả, nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước còn rất hạn chế và hình thức. Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực gần 5 năm nay, nhưng những cơ sở Hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự phát huy vai trò. Vì thế, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế này nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sau đây:

Tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng

Đến nay, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã ra đời và đi vào thực tiễn được mấy năm nhưng giám sát và phản biện xã hội vẫn còn là vấn đề mới. Vì thế, trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện, giám sát và phản biện xã hội chưa được xem là một phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật góp phần phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Giám sát xã hội quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là phương tiện để Mặt trận các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thực thi công vụ. Còn phản biện xã hội là phương tiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước trước khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành chính thức các văn bản tác động đến đời sống nhà nước và đời sống xã hội. Cả hai phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước trước và sau của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có tác dụng phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Vì thế phát huy đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể không phải nhà nước, nhưng lại là những chủ thể quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của quyền lực nhà nước, sẽ là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo cho “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2). Như thế, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc không mang tính hình thức, có thể đi tới cùng. Không nên nghĩ rằng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát phản biện mang tính xã hội nên không có hiệu lực và hiệu quả. Nói tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát phản biện xã hội là để chỉ chủ thể giám sát là toàn thể nhân dân tham gia trong các tổ chức rộng lớn của mình nhưng đều phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với chủ thể giám sát và phản biện mang tính xã hội rộng lớn, nên sức mạnh của giám sát phản biện xã hội cũng mang tính xã hội rộng lớn, do đó tuy không có các chế tài cụ thể nhưng sức mạnh của giám sát, phản biện xã hội lại rất sâu rộng. Đó là sự đồng tình hay lên án của dư luận xã hội và nhiều khi dư luận xã hội lên án còn nặng nề hơn là một chế tài pháp lý cụ thể. Vì thế đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giải pháp trước tiên để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013

Mặc dầu, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa về giám sát phản biện xã hội mà Hiến pháp năm 2013 quy định. Tuy nhiên, Luật Mặt trận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 mới thể chế được những vấn đề lớn chưa quy định trình tự thủ tục và hậu quả pháp lý của giám sát, phản biện xã hội, chưa bao quát đầy đủ các chủ thể có thẩm quyền giám sát và phản biện xã hội. Nhân dân với tư cách là các cá nhân công dân được Hiến pháp ghi nhận có những quyền dân chủ trực tiếp như tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về những vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (khoản 1 điều 28); công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình (điều 25), hiện vẫn chưa được Luật cụ thể hóa để công dân không những có điều kiện thực hiện quyền mà còn góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc công dân thực hiện quyền cơ bản của mình. Vì thế, nên chăng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Quốc hội ban hành Luật về Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thời gian qua chỉ ra rằng, các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội không được cơ quan, cá nhân là đối tượng chịu sự giám sát phản hồi nên không biết kết quả giám sát, phản biện như thế nào. Vì thế, Luật cũng cần phải bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi việc tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Đồng thời, quy định trách nhiệm theo dõi đến cùng của chủ thể có quyền giám sát đối với việc tiếp thu và thực hiện các kiến nghị của mình.

Nội dung của các cuộc giám sát của Mặt trận Tổ quốc chủ yếu tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm là hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng ở địa phương

Theo đó, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong phòng, chống tham nhũng là việc tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của các cấp chính quyền và của những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Phòng, chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh nhằm phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Do đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc mà các hành vi tiêu cực tham nhũng xâm hại trực tiếp đến lợi ích chính đáng của nhân dân nhằm tạo ra những tác động dây chuyền đến việc thực hiện toàn bộ chủ trương, chính sách, pháp luật.

Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ nhất, phối hợp trong công tác phòng ngừa tham nhũng.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà nòng cốt là Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thành trực thuộc Trung ương ở địa phương, chủ trì và phối hợp với các cơ quan tổ chức, như: phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tổ chức phản biện xã hội về báo cáo phản biện xã hội về công tác phòng chống tham nhũng hàng năm. Từ đó, xây dựng báo cáo phản biện xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng. Bản báo cáo này phải được xây dựng một cách khách quan, phản biện một cách khoa học, sâu sắc, thể hiện được ý nguyện của nhân dân trong cuộc đấu tranh này. Báo cáo phản biện về công tác phòng, chống tham nhũng cần được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc công khai trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội, sau khi Quốc hội nghe báo cáo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mặt trận phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đồng thời, từ thực tiễn nắm bắt ý nguyện của nhân dân, đề xuất các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và phát hiện xử lý tham nhũng.

Đồng thời, phối với các cơ quan nhất là với chính quyền cơ sở xây dựng các quy tắc văn hóa, hương ước làng xã có nội dung liêm chính và ý thức phòng chống tham nhũng ở cơ sở.

Thứ hai, phối hợp trong phát hiện tham nhũng.

Mặt trận phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong việc phát hiện, xác minh các vụ việc tham nhũng bằng việc động viên nhân dân cung cấp thông tin để nhân dân tham gia tích cực vào việc phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng.

Thông qua hoạt động giám sát xã hội các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nếu phát hiện những dấu hiệu tham nhũng thì kịp thời yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan này (như Thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước …) tiến hành điều tra xác minh làm rõ và báo cáo với nhân dân về kết quả của việc xử lý các vụ việc tham nhũng đó.

Thứ ba, phối hợp trong xử lý tham nhũng.

Thông qua hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để phản ánh tâm lý, nguyện vọng của nhân dân với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng, tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cơ quan đã xử lý hành vi tham nhũng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm lên án, phẫn nộ các hành vi tham nhũng, đồng thời thông qua đó giáo dục phòng ngừa tham nhũng trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, phối hợp trong giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giải quyết các vụ việc tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự mình tiến hành các cuộc giám sát hoặc phối hợp với các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Mặt trận tự mình hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý tham nhũng, giám sát việc giải quyết một số vụ việc, vụ án đã xử lý mà dư luận xã hội không đồng thuận để khắc phục những tiêu cực đảm bảo công lý và công bằng trong việc xử lý vụ việc và vụ án tham nhũng.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan nhà nước định kỳ kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua các cuộc giám sát xã hội.

Trần Ngọc Đường

GS.TS, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam