(Mặt trận) - Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội. Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên là vấn đề rất phong phú và rộng lớn, liên quan đến những vấn đề cơ bản về xây dựng đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất ở nước ta. Bài viết làm rõ một cách sâu sắc các vấn đề nêu trên.
Khối thi đua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 và ký kết giao ước thi đua năm 2018. Ảnh: Hương Diệp
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Một vấn đề tưởng như đơn giản, không có gì cần nghiên cứu về hệ thống Mặt trận, nhưng trên bình diện lý luận cũng như hoạt động thực tiễn, lại đang có rất nhiều nội dung cần được làm rõ, đó là mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên.
Trước mắt, có 3 vấn đề được đặt ra, đó là:
Thứ nhất, nên hiểu mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên là quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận hay là mối quan hệ giữa hai loại tổ chức: Mặt trận và các tổ chức thành viên song song tồn tại? Thực chất, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở là gì?
Thứ hai, để giải quyết tốt mối quan hệ này, nên bắt đầu từ cái gốc của vấn đề, tức là từ lý thuyết tập hợp, đoàn kết dân tộc, hay là chỉ dừng ở cái ngọn của vấn đề, tức là tìm những hình thức và biện pháp để củng cố mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên?
Thứ ba, cần có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên hiện nay?
Bắt đầu từ vấn đề lý thuyết tập hợp, đoàn kết dân tộc
Theo lý thuyết hệ thống, đoàn kết là sự tập hợp các nhân tố riêng lẻ, cá biệt thành hệ thống có trật tự, vận động theo quy luật nhất định, tạo nên một tổng hợp lực phát huy sức mạnh của cả hệ thống theo cấp số nhân. Tập hợp đó không phải là phép cộng cơ học các bộ phận, các cá nhân, mà là sự tập hợp có ý thức để gắn kết các bộ phận và cá thể đó với nhau, nhằm phát huy mặt mạnh, bù đắp mặt yếu của nhau để đi đến một tổng hợp lực, tăng lên sức mạnh của từng thành viên theo cấp số nhân, mà nếu tách rời từng cá thể thì không thể nào có được. Như vậy:
Từ góc độ xã hội, tập hợp và đoàn kết thể hiện sự đồng thuận của các thành viên, mọi người chấp nhận nhau, thuận lòng gắn bó với nhau để cùng hành động theo mục đích chung, trong đó mọi người tìm thấy lợi ích và chỗ đứng của mình trong dòng chảy của lịch sử và được xã hội thừa nhận, tôn trọng.
Từ góc độ kinh tế, tập hợp và đoàn kết là quá trình xử lý hài hòa các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, những xung đột về quyền lợi mà mọi người có thể chấp nhận vì lợi ích của mình được thỏa mãn trong mối tương quan lợi ích chung.
Từ góc độ tâm lý xã hội, tập hợp và đoàn kết là sự bao dung, nhân ái với tình thương và lẽ phải, với truyền thống dân tộc "nhiễu điều phủ lấy giá gương...". Con người sống là để đoàn kết, thương yêu nhau vì mục đích sinh tồn, chứ không phải để loại trừ nhau. Chỉ từ khi xã hội phân hóa thành giai cấp mới dẫn đến đấu tranh giai cấp.
Từ góc độ văn hóa, tập hợp và đoàn kết là sự gắn bó giữa con người trên nền tảng một giá trị văn hóa chung của dân tộc, trong đó con người thể hiện ý thức cộng đồng, lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm biết gắn bó giữa cái cục bộ và cái toàn thể, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, biết sống theo đạo lý "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Tập hợp và đoàn kết không chỉ là bản năng của con người, mà còn là một đức tính, một hành vi ứng xử thể hiện nét văn hóa, một giá trị cao cả và tốt đẹp xứng đáng với bản tính của con người, thoát khỏi tính bầy đàn để vươn tới trình độ văn minh của cộng đồng.
Từ góc độ tổ chức, đoàn kết trong một tổ chức là đã đạt tới trình độ cao của sự tập hợp. Trong tổ chức, tính cố kết, tính ràng buộc, tính chế định lẫn nhau được nâng lên đến mức trở thành lẽ tồn tại của mỗi thành tố của tổ chức. Theo đó, một tổ chức sở dĩ được gọi là một tổ chức, khi mà nó tập hợp trong mình những bộ phận, những thành tố có mối liên kết hữu cơ với nhau, là tiền đề và điều kiện tồn tại của nhau.
Như vậy, tập hợp và đoàn kết là một thành quả của con người trong lao động và đấu tranh chứ không phải là phần thưởng do thượng đế ban tặng. Nó do con người, vì con người, thúc đẩy xã hội phát triển và mang lại hạnh phúc cho con người bằng tất cả tiềm năng, sức mạnh của nó.
Từ vài nét khái quát sơ lược trên đây về nhận thức đối với sự tập hợp, đoàn kết, có thể rút ra đôi điều về cơ sở lý luận của mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên:
Một là, phải xuất phát từ yêu cầu của lý thuyết tập hợp, đoàn kết để nhận thức về chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đó là chức năng đoàn kết dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng này thông qua việc tập hợp các tổ chức thành viên và thông qua tổ chức các phong trào, các cuộc vận động các tầng lớp nhân dân.
Hai là, tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc đạt tới trình độ cao là thông qua tổ chức và bằng tổ chức. Đó không phải là sự tập hợp, đoàn kết tự phát, tùy hứng mang tính lỏng lẻo, hình thức, mà là sự tập hợp có ý thức, một bước nhảy vọt trong sự tập hợp.
Ba là, tập hợp, đoàn kết thông qua tổ chức và bằng tổ chức thì phải tôn trọng những quy tắc của hệ thống, trong đó nổi trội là tính phụ thuộc liên hoàn, tính chế định lẫn nhau trong hệ thống đó.
Thực chất mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên là gì?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không giống với các tổ chức khác là trực tiếp tập hợp hội viên, đoàn viên để hình thành tổ chức của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính chất một tổ chức liên minh, liên hiệp bao gồm các tổ chức và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc điểm này quy định nguyên tắc hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.
Tổng kết kinh nghiệm lịch sử 88 năm xây dựng và phát triển, Mặt trận đã rút ra 5 nguyên tắc hoạt động, đó là: Thương lượng; dân chủ; thống nhất hành động; tôn trọng tính độc lập của tổ chức thành viên; thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Trong Mặt trận không có sự mệnh lệnh và áp đặt, không có sự phục tùng của thiểu số với đa số, cấp dưới với cấp trên, địa phương với Trung ương, giữa tổ chức thành viên với tổ chức liên minh.
Nguyên tắc và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói lên mối quan hệ giữa tổ chức Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên của Mặt trận, đó là mối quan hệ giữa cái bộ phận với cái toàn thể. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tồn tại để thực hiện chức năng tập hợp và đoàn kết trên cơ sở lý thuyết hệ thống là nhờ sự liên minh, liên hiệp các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội. Không có sự liên minh, liên hiệp ấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể hình thành, tồn tại và phát triển. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Mặt trận mang tính toàn dân, tập hợp và đoàn kết toàn dân; Mặt trận toàn dân đó bao gồm công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... và các giới khác. Mỗi tổ chức thể hiện một Mặt trận riêng, nằm trong mặt trận đoàn kết toàn dân, phối hợp với mặt trận của toàn dân để cùng hành động với mục đích chung của toàn dân. Mối quan hệ giữa mặt trận riêng từng bộ phận với Mặt trận đoàn kết chung của toàn dân, phản ánh thực chất mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn thể ấy ta thấy, Mặt trận từng giới là tiền đề hình thành Mặt trận đoàn kết toàn dân. Không có Mặt trận từng giới, sẽ không có Mặt trận toàn dân. Mặt trận đoàn kết toàn dân là điều kiện để phát huy vai trò, sức mạnh của Mặt trận từng giới, vì nếu tách rời một cách biệt lập, thì Mặt trận từng giới sẽ rơi vào tình trạng cô lập, biệt phái và suy yếu.
Như vậy có thể thấy rằng, quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên là quan hệ hữu cơ khăng khít, làm tiền đề và điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển lớn mạnh vì lợi ích của toàn dân. Đây là cơ sở lý luận rất quan trọng, làm nền tảng tư tưởng cho việc xử lý mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, giúp cho việc khắc phục những hạn chế, lệch lạc trong nhận thức và hành động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên.
Từ tính chất liên minh, liên hiệp và nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể xác định vị trí độc lập của mỗi tổ chức chính trị - xã hội, cũng như của các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vị trí độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện ở chỗ: Độc lập về tổ chức (cả về đội ngũ cán bộ); độc lập về ngân sách; độc lập về nội dung và phương thức hoạt động. Tuy giữ vị trí độc lập, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác hoạt động theo nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động, do đó cần tôn trọng và dựa theo phương hướng và chương trình phối hợp thống nhất hành động chung, thực hiện mục tiêu do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra, vì lợi ích của toàn dân, trong đó có lợi ích của từng giới.
Vừa độc lập lại vừa gắn với chương trình, mục tiêu chung, đó là đặc điểm của mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên, thể hiện tính uyển chuyển, linh hoạt, tính đa dạng phong phú trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đặc điểm này bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với tính chất liên minh, liên hiệp, đáp ứng yêu cầu đặc thù của mỗi tổ chức thành viên, lại bảo đảm thực hiện mục tiêu của sự tập hợp, đoàn kết của cả hệ thống Mặt trận. Vấn đề là phải từ thực tiễn hoạt động mà tổng kết và tìm tòi những phương thức và giải pháp thích hợp, nhằm thực hiện tốt nhất mối quan hệ nói trên giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong giai đoạn hiện nay.
Nghiên cứu những hình thức và giải pháp thực hiện sự phối hợp và thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên; yêu cầu của việc đổi mới Mặt trận Tổ quốc hiện nay
Nhìn lại quá khứ cũng như hiện tại, sự phối hợp thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên tuy có những bước cải tiến, song sự phối hợp đó còn chưa thật rõ nét, còn mang tính hình thức. Không thể nói rằng không có sự phối hợp trong chương trình hành động chung, song thật khó chỉ ra một mô hình phối hợp cụ thể và tính hiệu quả của nó trong thực tế. Chúng ta còn hạn chế và có phần lúng túng chưa đưa ra hình thức phối hợp cụ thể đối với từng tổ chức thành viên. Mỗi tổ chức thành viên có đặc điểm riêng, do đó đòi hỏi có phương thức phối hợp hành động thích hợp. Tuy nhiên, sự phối hợp hiện nay giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên chưa đạt tới trình độ đó. Tình trạng phổ biến là hàng năm và mỗi nhiệm kỳ đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố một chương trình hành động, nêu lên những phương hướng, mục tiêu chung và gợi ý những giải pháp lớn. Căn cứ vào chương trình chung ấy, từng tổ chức thành viên tự vạch ra chương trình hành động của tổ chức mình và tổ chức thực hiện bằng phương thức riêng của tổ chức mình. Trong quá trình đó, chưa có hình thức phối hợp hữu hiệu nào giữa các tổ chức thành viên với nhau trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi nói quan hệ phối hợp giữa các tổ chức thành viên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì không có nghĩa chỉ bó hẹp sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp mà còn có cả sự phối hợp giữa một tổ chức thành viên này với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay chưa có hình thức phối hợp nào đạt tới yêu cầu đó. Nguyên nhân cơ bản là chưa làm rõ khái niệm về mối quan hệ này, mà thường ngộ nhận là chỉ có sự phối hợp với Ủy ban Mặt trận các cấp. Chính vì thế ở mỗi thời kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp mới chỉ đề ra được chương trình hành động, mà chưa đề ra được chương trình phối hợp thống nhất hành động. Do vậy, trên thực tế, sau khi có chương trình hành động do Ủy ban Mặt trận đề ra, việc hành động của mỗi tổ chức thành viên còn mang tính riêng lẻ, rời rạc, không tạo nên được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Mặt trận. Có ý kiến nói rằng, một trong những nhược điểm của con người Việt Nam là tính hợp đồng yếu, người ta quen hoạt động một mình hơn là hoạt động trong một tập thể với sự phối hợp nhịp nhàng. Điều đó thể hiện rõ sự rời rạc trong hoạt động phối hợp còn mang tính hình thức của hệ thống Mặt trận hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, cần tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường tính thiết thực và hiệu quả thực tế của sự phối hợp. Trong tình hình hiện nay, cần thực hiện hai loại giải pháp lớn, đó là giải pháp về nhận thức và giải pháp về cơ chế phối hợp.
Về nhận thức
Cần nghiên cứu và làm rõ những vấn đề sau đây để tạo ra nhận thức mới, đúng đắn về mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, đó là: Nhận thức rõ bản chất và nội hàm của mối quan hệ này.
Nhận thức rõ đặc điểm, tính chất của mối quan hệ này; Nhận thức rõ thực trạng còn hạn chế của mối quan hệ phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên và nguyên nhân của nó; Nhận thức rõ sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và coi việc xây dựng quan hệ phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận là một khoa học - đó là khoa học tổ chức, nó xa lạ với tư duy chủ quan, duy ý chí và lối hành xử giản đơn, nông cạn, hình thức.
Về cơ chế phối hợp
Cần thấy rõ tính liên hệ phổ biến và đa dạng trong mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng cơ chế phối hợp. Một con người, với tính cách là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, họ có thể cùng một lúc liên quan đến nhiều tổ chức, do vậy không có sự hoàn toàn biệt lập giữa các tổ chức thành viên. Cơ chế phối hợp cần phải tạo ra được những hình thức phối hợp phong phú, linh hoạt, uyển chuyển. Sự cứng nhắc trong cơ chế phối hợp sẽ làm cho tổ chức thành viên mất đi tính linh hoạt, mềm dẻo vốn là đặc trưng của một tổ chức dân sự. Do vậy, khó có thể định ra một mô hình, một sơ đồ về quan hệ, nhưng lại cần và có thể đưa ra những yêu cầu, những chỉ báo, những hình thức chung của sự phối hợp.
Hiện nay, trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 47 tổ chức thành viên. Mỗi tổ chức có đặc điểm riêng, do đó cơ chế phối hợp cũng uyển chuyển theo. Trong cơ chế phối hợp có thể nêu ra hai loại hình thức phối hợp, đó là hình thức cơ bản chung nhất và hình thức linh hoạt không xác định để tùy sáng kiến vận dụng từng nơi, từng lúc, từng cấp tổ chức do con người cụ thể thực hiện.
Trong cơ chế phối hợp không thể đưa ra được hết các hình thức và giải pháp phối hợp, nhưng có thể đưa ra hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả của sự phối hợp. Đó là thước đo để xem xét chất lượng của mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Một quy chế phối hợp như vậy không thể xây dựng bằng phương pháp chủ quan, duy ý chí, mà phải từ tổng kết thực tiễn, qua khảo sát, thí điểm, thực nghiệm... để rút ra những hình thức, biện pháp phối hợp khả thi mang tính phổ cập.
Thực hiện tốt hai vấn đề trên đây có thể phần nào cải thiện tốt hơn mối quan hệ biện chứng giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, làm cho khối đoàn kết dân tộc trong Mặt trận được nhân lên thành sức mạnh tổng hợp, góp phần làm cho đoàn kết dân tộc thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước ta.
Trần Hậu
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam