(Mặt trận) - Thực hiện Chương trình “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 gắn với phát động Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 - 18/11/2017) và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát động trong hệ thống Mặt trận các cấp về thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, vận động tự nguyện của các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đăng ký ủng hộ giúp đỡ người nghèo, thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017. Ảnh:Quang Vinh
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Cả cuộc đời bôn ba đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích duy nhất là đất nước độc lập, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, chỉ một ngày (ngày 3/9/1945), sau khi tuyên bố với cả thế giới "Bản Tuyên ngôn độc lập" khẳng định dân tộc Việt Nam giành được độc lập và thực sự trở thành một quốc gia độc lập, nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người chủ đất nước.
Những ngày đầu tiên khi đất nước mới giành độc lập, Người đã coi công việc xóa đói quan trọng và cấp bách như là diệt giặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 3 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cần phải giải quyết, đó là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Trong lúc giặc ngoại xâm vẫn chưa từ bỏ ý định thôn tính nước ta, Người đặt việc giải quyết "giặc đói" lên hàng đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, “vì mục tiêu của dân tộc ta là đánh đổ phong kiến, đế quốc để đem lại cơm ăn, áo mặc, học hành cho nhân dân... nếu độc lập rồi mà đồng bào vẫn còn đói khổ thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Sau hơn một tháng giành được độc lập dân tộc, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu "Toàn dân chống đói nghèo" và Người nghiêm chỉnh thực hiện bằng cách giảm khẩu phần ăn của mình để giúp người nghèo.
Học tập tư tưởng của Người, qua 72 năm thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2000, Liên hợp quốc chọn ngày 17/10 hàng năm làm ngày "Thế giới chống đói nghèo". Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là "Ngày vì người nghèo" của Việt Nam. Thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo, Chính phủ đã xây dựng các chương trình, dự án lớn nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135); Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào nghèo, đời sống khó khăn; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 12/12/2008); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008)...
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đại đoàn kết dân tộc”, hưởng ứng công cuộc xoá đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, với vai trò là một tổ chức liên minh chính trị rộng lớn, nơi tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, ngày 17/10/2000, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", trọng tâm vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để chăm lo cho người nghèo. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cấp xã tổ chức phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11) nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động trong cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế... dành sự quan tâm chăm lo cho người nghèo; tạo cơ hội để người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên vận động nguồn lực giúp đỡ người nghèo
Sau 17 năm tổ chức phát động và thực hiện giúp đỡ người nghèo (17/10/2000 - 30/6/2016), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tuyên truyền, vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo", tập trung hỗ trợ chương trình làm nhà “Đại đoàn kết” và làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ. Từ khi phát động đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội đã tiếp nhận 49.613 tỷ đồng, trong đó ủng hộ qua Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp hơn 13.400 tỷ đồng, ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được 36.213 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với chính quyền hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa 1.482.512 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hàng chục triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất; hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...) được xây dựng; người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao “Bằng ghi công” cho 6.542 xã, phường, thị trấn; 337 quận, huyện; 1 thành phố, 18 tỉnh, thành phố đã hoàn thành chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo.
Mặt trận các tỉnh, thành phố đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhiều hình thức quyên góp phong phú nhằm huy động được nguồn quỹ, thu hút đông đảo tổ chức trong, ngoài nước và các tầng lớp nhân dân tích cực giúp đỡ người nghèo. Điển hình như Mặt trận các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng 90 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 4,3 tỷ đồng, sửa chữa 43 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 600 triệu đồng; Thanh Hóa phân bổ số tiền 2,7 tỷ đồng xây dựng 90 nhà Đại đoàn kết cho 90 hộ nghèo tại 13 huyện; Bình Thuận xây dựng 7 nhà Tình thương tại các huyện Đức Linh và Hàm Thuận Nam, trị giá 350 triệu đồng; Long An hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 20 căn nhà Đại đoàn kết, 15 căn nhà Tình thương với số tiền gần 1,4 tỷ đồng; Sóc Trăng hỗ trợ sửa chữa 5 căn nhà và xây dựng 1 căn nhà Đại đoàn kết; Bình Dương xây dựng 10 căn nhà Đại đoàn kết…
Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” và đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai thực hiện bằng việc Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/2016, ngày 7/10/2016 về việc vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thông qua chương trình ký kết, hai bên làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm không để sót các hộ nghèo mà không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Thực hiện Nghị quyết liên tịch, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở một số tỉnh, thành phố đã có quyết tâm cao cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động, kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ cho Quỹ “Vì người nghèo” và làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, giúp người nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, tự tin vươn lên thoát nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong nhiều năm qua, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân thực hiện trách nhiệm vì người nghèo, vào ngày 17/10 hàng năm (Ngày vì người nghèo); ngày 18/11 hàng năm (Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"; ngày 31/12 hàng năm (Chương trình “Nối vòng tay lớn” - Tết cho người nghèo) đã thu hút đông đảo những “tấm lòng hảo tâm” trong và ngoài nước đến đóng góp tiền, của, công sức cho người nghèo.
Để tiếp tục có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo, nhất là hiện nay tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức từ 35 - 40%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực phối hợp cùng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin - Truyền Thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và một số cơ quan liên quan tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 gắn với phát động “Tháng cao điểm vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2017) và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, Chương trình “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 15/10/2017 tại 2 điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số bài học kinh nghiệm
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững cho hơn 2,3 triệu hộ nghèo và 1,2 triệu hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm, như sau:
1. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đạt được kết quả do đáp ứng được “ý Đảng, lòng dân”, phù hợp với truyền thống nhân ái, đoàn kết của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư cùng chăm lo cho người nghèo. Thông qua vận động đã thực hiện xã hội hóa hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Cùng với sự đồng thuận của nhân dân cả nước trong việc trợ giúp người nghèo, còn có sự chia sẻ của các tổ chức quốc tế, của nhân dân thế giới trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề giảm nghèo ở Việt Nam.
2. Mục tiêu giảm nghèo bền vững được các cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền thực hiện và phối hợp với Mặt trận tổ chức thực hiện đã tạo ra sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho người nghèo. Mặt trận đã phát huy được sức mạnh cộng đồng, vai trò vươn lên của chính người nghèo, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về chương trình giảm nghèo, phát triển bền vững. Quá trình thực hiện Cuộc vận động đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp, làm cho hoạt động Mặt trận ngày càng năng động, sáng tạo và hiệu quả, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp được rèn luyện và trưởng thành, có trách nhiệm và gắn bó hơn với công tác Mặt trận. Cuộc vận động được toàn xã hội ghi nhận, vai trò vị trí của Mặt trận tiếp tục được nâng cao.
3. Để thực hiện có kết quả mục tiêu giảm nghèo, cần có chủ trương, nội dung, chương trình và biện pháp tổ chức thực hiện một cách khoa học, thiết thực, phù hợp với từng địa phương, từng vùng, miền. Thực hiện vận động thường xuyên, song phải có những đợt cao điểm, có trọng tâm vận động và giúp đỡ người nghèo phù hợp. Cán bộ trực tiếp tham mưu, quản lý quỹ vừa nắm chắc nội dung, phương châm thực hiện vừa hiểu nghiệp vụ, việc sử dụng nguồn quỹ và các hiện vật cho người nghèo. Đồng thời, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra và thông tin báo cáo định kỳ ở từng địa phương và trong cả nước.
4. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào giảm nghèo cho các hội viên của mỗi tổ chức, như: phong trào “Giúp Cựu chiến binh nghèo” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; “Sản xuất kinh doanh giỏi giúp hội viên nghèo” của Hội Nông dân; phong trào “Mái ấm Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào “Mái ấm cho phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... thu hút đông đảo các tổ chức, các cá nhân cả trong và ngoài nước tham gia.
Nguyễn Hữu Dũng
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam