Lựa chọn người có đức, có tài cho dân, cho nước là vấn đề rất hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, vị trí, vai trò của cán bộ được Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài - Nguồn vov.vn
Bài học lựa chọn người hiền tài của ông cha ta
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đều quan tâm việc cầu hiền, tìm người tài giỏi ra giúp nước.
Năm 1070 Vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu (nay là Quốc Tử Giám), đây được coi là trường đại học đầu tiên để đào tạo nhân tài của nước ta. Năm 1075, Vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi đầu tiên và chọn được Lê Văn Thịnh là trạng nguyên của kỳ thi đó. Trong Chiếu cầu hiền của vua Lê (năm 1419) ghi rõ: “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Đến khoa thi cuối cùng (năm 1917), cả nước tổ chức 183 kỳ thi đình, thi hội, kết quả có 2.898 người đậu tiến sĩ, trong đó tiến sĩ trẻ nhất là Nguyễn Hiền mới 13 tuổi. Ngoài việc cầu hiền, nhiều triều đại phong kiến đã rất thành công trong thu phục, trọng dụng những người tài để xây dựng và bảo vệ đất nước. Điển hình là vua Trần Nhân Tông. Trước thế giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thời bấy giờ, nhà vua đã 2 lần chỉ đạo đánh thắng giặc Nguyên Mông (năm 1285 và 1288) bằng việc mở hội nghị Diên Hồng, mời các bô lão, những người có uy tín về kinh thành Thăng Long để bàn việc đánh giặc, hiệu triệu được lòng dân; đồng thời đã thu phục, trọng dụng nhiều bậc hiền tài, như Chiêu Minh Vương, Chiêu Văn Vương, Chiêu Thành Vương, trạng nguyên Nguyễn Hiền, Hàn lâm Viện học sĩ kiêm quốc sư bảng nhãn Lê Văn Hưu. Đồng thời, nhà vua đã thu phục, trọng dụng được nhiều tướng tài cầm quân, như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Hàn Thuyên, Trương Hán Siêu... Triều nhà Lê với cuộc kháng chiến chống quân Minh, Vua Lê đã thu phục, trọng dụng được những người tài ba lỗi lạc, như Nguyễn Trãi (danh nhân văn hóa thế giới), Nguyễn Xí, Trần Nguyên Hãn... Thân Nhân Trung, tiến sĩ triều Lê đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng chỉ rõ: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.
Bài học sử dụng người có đức, có tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kế thừa truyền thống của ông cha và kinh nghiệm của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về nghệ thuật dùng người, về phát hiện và tuyển chọn người có đức, có tài cho đất nước với tầm nhìn rất xa, rất chuẩn xác.
Khi đất nước mới giành được độc lập, Bác Hồ đã mời một số nhân sĩ, quan lại chế độ phong kiến có kiến thức, kinh nghiệm ra giúp nước, như cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư Bộ Hình ra làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội; cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau là Phó Chủ tịch nước; cụ Phan Kế Toại, nguyên là Khâm sai đại thần ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ...
Năm 1946, trước khi sang Pháp, Bác Hồ trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là lúc tình hình đất nước rất phức tạp, cả thù trong, giặc ngoài mà Bác vẫn giao quyền cho một nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên. Bằng cách ứng xử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã tự nguyện rời công việc ở nước ngoài với thu nhập cao, cuộc sống đầy đủ để về nước cống hiến, như giáo sư y học Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, nhà nông học Lương Định Của,...
Đặc biệt, Bác Hồ trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách quân sự là người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào, là một thầy giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long rồi sau đó phong thẳng lên Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một thiên tài quân sự - đó là việc phát hiện và trọng dụng nhân tài của Bác. Nhiều đồng chí được Bác Hồ chọn, giao việc, như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước.
Thực trạng việc lựa chọn người có đức, có tài thời gian qua
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chăm lo đến công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngày 30-11-2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 42-NQ/TW “Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đặc biệt vừa qua, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04-8-2017, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04-8-2017, về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07-10-2017, “Về luân chuyển cán bộ”. Đây là những văn bản rất quan trọng để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Hơn 30 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành mọi mặt, đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc lựa chọn người có đức, có tài cho dân, cho nước cũng còn nhiều hạn chế. Trước hết, việc đánh giá cán bộ ở các cấp, các ngành nhìn chung được thực hiện chưa tốt. Kết quả xếp loại đảng viên hằng năm gắn với đánh giá cán bộ nhìn chung chưa thực chất. Trên địa bàn cả nước, tỷ lệ đảng viên được đánh giá đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 15%, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt khoảng 85%. Ở Thành ủy Hà Nội, năm 2016 tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 12,34%, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ: 73,72%; trong diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý (956 đồng chí) có 88,49% số đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 10,14%: hoàn thành tốt nhiệm vụ, số đồng chí hạn chế và không hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất thấp (0,62% - 0,73%). Ở Đồng Nai, bình quân hằng năm tỷ lệ cán bộ, công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 95,57%; tỷ lệ viên chức là 90,52%; cán bộ diện ban thường vụ cấp huyện, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương quản lý: 95,7%; cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: 98,56%. Kết quả đánh giá cán bộ chưa thực chất có nguyên nhân từ thái độ nể nang, ngại va chạm của cán bộ, đảng viên, sự thành kiến, định kiến của cấp trên, do bệnh thành tích, sợ mất lòng, mất phiếu, ảnh hưởng đến xếp loại thi đua cuối năm, cuối khóa của tập thể và cá nhân.
Trên thực tế việc đánh giá cán bộ chủ yếu căn cứ vào kết quả, hiệu quả việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của từng chức danh, mặc dù đã có văn bản của Đảng, nhưng vẫn rất khó triển khai. Bên cạnh đó, do chậm ban hành cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài nên hiện tượng “chảy máu chất xám” cứ diễn ra thường xuyên. Qua khảo sát, ở Hà Nội chỉ có 10% số thủ khoa các trường đại học làm việc cho các cơ quan Thủ đô, 90% còn lại chọn đi du học hoặc làm việc cho các công ty nước ngoài.
Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ các khóa gần đây được các cấp ủy đảng rất quan tâm và đạt một số kết quả, nhưng trên thực tế nhiều cán bộ có đức, có tài, có triển vọng chưa được đưa vào quy hoạch. Nguồn cán bộ quy hoạch thường bị chi phối nhiều bởi người đứng đầu ở nhiều địa phương, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể. Khi người đứng đầu đã có ý kiến gợi ý hoặc giới thiệu một cán bộ nào đó thì rất ít tổ chức hoặc cán bộ cấp dưới đủ bản lĩnh đưa ra ý kiến khác, mặc dù cán bộ được gợi ý giới thiệu đó không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng với chức danh cần quy hoạch để bổ nhiệm và do vậy, việc lấy phiếu giới thiệu cũng chỉ là hợp thức hóa quy trình mà thôi. Một số cán bộ được luân chuyển không gắn với quy hoạch chức danh sau luân chuyển và chủ yếu được bố trí ở vị trí cấp phó (phó bí thư, phó chủ tịch ủy ban nhân dân) nên khó đánh giá năng lực, trình độ cán bộ.
Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ chủ yếu còn phục vụ chung cho xây dựng đội ngũ cán bộ cả hệ thống chính trị nhưng chưa quan tâm đúng mức cho bồi dưỡng, quy hoạch một số chức danh cán bộ cấp chiến lược quan trọng, như cán bộ chủ chốt của đất nước, các bộ trưởng... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của các học viện, các trường, các trung tâm đã có những đổi mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thiếu hẳn chương trình, nội dung bồi dưỡng đối với các chức danh, như bộ trưởng, trưởng ban Đảng, bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện, trưởng các đoàn thể... nhất là kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành, kinh nghiệm thực tế, giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm nhất. Công tác lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn nhiều khiếm khuyết, gây phân tâm trong nhân dân. Có ý kiến cho rằng, nếu trước đây, ban tham mưu có rất ít, quy trình, quy định cũng rất ít mà đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lại trúng, trong khi hiện nay các ban đông, quy trình, quy định đầy đủ mà nhiều trường hợp đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lại không đúng, không trúng. Trước đây, tổ chức đi tìm cán bộ, còn bây giờ chủ yếu cán bộ đi tìm tổ chức. Một thực tế là số lượng cán bộ diện Trung ương, ban thường vụ cấp ủy quản lý còn đông mà thời gian bị chi phối nhiều do họp hành, xử lý công việc hành chính... nên người bỏ phiếu biểu quyết không nắm chắc phẩm chất, năng lực cán bộ cần đề bạt, bổ nhiệm. Một số cán bộ cấp trưởng chọn, giới thiệu đề bạt cấp phó, một số bí thư cấp ủy chọn, giới thiệu phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân thường là người yếu hơn mình để dễ chỉ đạo, điều hành và khó thay thế được cấp trưởng. Hệ quả là khi cấp trưởng, bí thư cấp ủy nghỉ hưu hay chuyển công tác khác thì thường cấp phó đó lên thay. Cứ như thế, việc chọn, giới thiệu cấp phó kế tiếp, khóa mới cũng diễn ra tương tự. Hậu quả là chất lượng cán bộ ở không ít nơi cứ yếu dần, khóa sau kém hơn khóa trước làm ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chung. Đây là tình trạng mà các cấp ủy đảng cần xem xét, nếu nơi nào để xảy ra thì cần chấn chỉnh sớm.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, lãnh đạo các cấp, các ngành còn thấp. Nhiệm kỳ 2016 - 2020 ở cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh đều cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ không đạt 25% như chỉ tiêu đề ra: tỷ lệ cấp ủy viên là nữ của đảng bộ, chi bộ cơ sở là 19,69%, của đảng bộ cấp huyện, tương đương: 14,3%, của đảng bộ trực thuộc Trung ương: 13,3%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 cấp tỉnh là 26,54%, cấp huyện đạt 27,85%, cấp xã đạt 26,59%. Cả nước chỉ có 1 bộ trưởng và 8 thứ trưởng và tương đương là nữ (tỷ lệ 8,08%).
Công tác giám sát của nhân dân, của cấp quản lý đối với cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo nên tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sa sút phẩm chất, lối sống, tham ô, tham nhũng, độc đoán, gia trưởng vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời...
Một số giải pháp góp phần lựa chọn người có đức, có tài
Thứ nhất, sớm ban hành quy định về trách nhiệm và quyền hạn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị gắn với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chi phối, quyết định cơ bản mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, ban, ngành, đơn vị đó. Nếu lựa chọn và bố trí được một đội ngũ người đứng đầu các cấp, các ngành có đức, có tài thì đất nước sẽ phát triển. Để phát huy và làm rõ được vị trí, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị thì phải sớm có văn bản pháp quy quy định rất rõ những việc người đứng đầu được làm, được quyết định và các trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là cơ sở quan trọng để vừa phát huy được năng lực, vừa đánh giá được người đứng đầu, hạn chế tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, góp phần xây dựng đoàn kết nội bộ. Đi đôi với quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn phải có giải pháp quản lý, giám sát quyền lực hiệu quả. Ngoài việc giám sát kê khai minh bạch tài sản cá nhân, cơ quan quản lý cán bộ phải đánh giá khách quan cán bộ hằng năm; đồng thời phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Sớm có cơ chế cụ thể để nhân dân nơi cán bộ cư trú được tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ đương chức và cán bộ sắp được đề bạt, bổ nhiệm hoặc bầu cử vào chức danh lãnh đạo chủ chốt. Sau khi được tập thể lãnh đạo cấp trên quản lý cán bộ chủ chốt nhận xét, đánh giá thì cần công khai cho cán bộ, đảng viên nơi cán bộ chủ chốt đó công tác và nhân dân nơi cán bộ đó cư trú được biết. Thực hiện dân chủ thực chất trong đánh giá, bố trí cán bộ sẽ là một động lực phát triển đất nước. Trách nhiệm, thước đo cao nhất của người đứng đầu là kết quả, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý địa phương, ngành, đơn vị mình, vì thế phải kiên quyết thay thế kịp thời những người không hoàn thành hoặc hoàn thành không tốt nhiệm vụ. Phát huy dân chủ của nhân dân, phát huy dân chủ trong Đảng nhưng đồng thời phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để hạn chế thấp nhất tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức quyền hiện nay.
Thứ hai, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá cán bộ gắn với điều chỉnh phân cấp quản lý cán bộ hợp lý.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Đây là các văn bản rất quan trọng và có nhiều đổi mới về công tác cán bộ của Đảng ta. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả, cần có hướng dẫn cụ thể nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và khung tiêu chí xếp loại. Nếu không cụ thể hóa và chỉ đạo tích cực thì khi xếp loại dễ thiếu thực chất, bị bệnh thành tích chi phối. Thường đã là lãnh đạo, người đứng đầu do nể nang, né tránh của cấp dưới nên chủ yếu được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác thống kê kết quả, tính toán số liệu các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng phải chấn chỉnh để bảo đảm độ chính xác, khách quan hơn. Thực tế nhiều năm qua, cùng một chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người, các tỉnh, thành thường có tốc độ tăng cao nhưng khi tính chung cả nước thì thấp hơn rất nhiều. Nếu không có cơ quan đánh giá công tâm, khách quan, kịp thời các tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ thì việc đánh giá cán bộ sẽ khó thực chất.
Ngoài các tiêu chí xếp loại được nêu cần bổ sung một tiêu chí rất quan trọng khi đánh giá người đứng đầu ở địa phương là chỉ số hài lòng của người dân, còn đối với người đứng đầu một ban, ngành, đoàn thể thì đó là chỉ số hài lòng của công chức, viên chức. Cấp trên quản lý trực tiếp cán bộ căn cứ vào chỉ tiêu này làm một trong những cơ sở đánh giá sẽ khách quan hơn vì người dân và công chức, viên chức hằng ngày, hằng giờ giám sát được cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý mình. Để có thể theo dõi, đánh giá và quyết định đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng, cần thiết phải giảm số lượng cán bộ phân cấp quản lý. Thực tế từ trước đến nay nhiều trường hợp khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, một số đồng chí thường vụ cấp ủy chưa nắm chắc phẩm chất, năng lực cán bộ. Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang quản lý khoảng 700 cán bộ, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý từ khoảng 200 - 900 cán bộ (như Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý 956 cán bộ, Nghệ An: 347 cán bộ, Bình Dương: 439 cán bộ,...). Do số lượng đông nên việc theo dõi, giám sát, đánh giá cán bộ có khó khăn, cần phải cân nhắc giảm bớt chức danh quản lý và chỉ nên nắm cấp trưởng, người đứng đầu và người được quy hoạch kế cận trực tiếp là tốt nhất.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác tạo nguồn, quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Để tạo nguồn cán bộ làm cơ sở chọn người thực sự có đức, có tài cho dân, cho nước, Đảng cần sớm có cơ chế để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát hiện, tiến cử người có đức, có tài cho Đảng và tham gia giám sát, góp ý cho cán bộ, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn quan trọng trong hệ thống chính trị. Đồng thời có cơ chế để tập hợp, đánh giá, phân loại, trọng dụng được số học sinh, sinh viên đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc tế và trong nước, thủ khoa các trường đại học có chất lượng. Đây là nguồn nhân tài của đất nước, phải phân loại theo hướng ai giỏi lĩnh vực gì thì tạo môi trường, điều kiện để họ được phát huy theo lĩnh vực đó. Các cấp ủy đảng chủ động tổng hợp các nguồn cán bộ: nguồn qua thi tuyển, nguồn do nhân dân tiến cử, nguồn học sinh, sinh viên xuất sắc và nguồn đã quy hoạch do cấp ủy cơ sở giới thiệu để thẩm định, tạo nguồn cán bộ cho từng nhiệm kỳ, cả trước mắt và lâu dài.
Bộ Chính trị đã có quy định chặt chẽ, đầy đủ về tiêu chuẩn chức danh, quan điểm, nguyên tắc, quy trình luân chuyển cán bộ. Những quy định đó rất phù hợp cho nhiệm kỳ sắp tới nhưng về lâu dài nên bổ sung cụ thể hơn cho hai đối tượng là lãnh đạo chủ chốt đất nước và bộ trưởng. Đây là các chức danh cán bộ lãnh đạo rất quan trọng, bao gồm đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội không chỉ cho đối nội mà còn cả cho công tác đối ngoại, có tầm ảnh hưởng rất to lớn cho đất nước. Các đồng chí bộ trưởng là những người tham mưu cho Chính phủ các chính sách vĩ mô, là những người quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực và cả các hoạt động đối ngoại. Hầu hết các quan hệ quốc tế đều liên quan tới các chức danh quan trọng trên, vì thế, Đảng, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm các chức danh này trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế hội nhập quốc tế đòi hỏi phải lựa chọn được những người ngoài tiêu chuẩn chung như quy định của Trung ương cần có tố chất thông minh, thành thạo công nghệ thông tin và tối thiểu là giao tiếp giỏi bằng tiếng Anh. Các chức danh chủ lãnh đạo chốt của đất nước phải được chuẩn bị rất sớm từ nguồn nhân dân tiến cử, nguồn học sinh, sinh viên xuất sắc để có thời gian trang bị các kiến thức cơ bản cần có, phải kinh qua chủ trì ở một tỉnh khó khăn, một tỉnh thuận lợi, một ngành quản lý nhà nước và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân đánh giá cao. Đó là điều kiện, là môi trường rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trước khi được lựa chọn vào cương vị lãnh đạo chủ chốt đất nước. Đối với các bộ trưởng thì phải chủ động lựa chọn rất sớm những cán bộ trẻ có năng lực nổi trội trong hoạt động thực tiễn, những học sinh, sinh viên xuất sắc theo chuyên ngành và luân chuyển, bố trí làm quản lý nhà nước từ cấp quận, huyện, cấp tỉnh đến cấp thứ trưởng. Nếu cán bộ hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ từ dưới lên thì lựa chọn bố trí người xứng đáng nhất làm bộ trưởng.
Trước mắt và lâu dài hai đối tượng, chức danh trên rất hệ trọng đối với đất nước thời kỳ hội nhập. Từng nhiệm kỳ nên tạo nguồn cán bộ để quy hoạch, luân chuyển cho hai đối tượng, chức danh đó, nhất định sẽ lựa chọn được một số tinh hoa, nhân tài hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao. Riêng nguồn cán bộ nữ phải được quan tâm chuẩn bị rất sớm, rất chủ động trong tạo nguồn, quy hoạch mới nâng cao được chất lượng và tỷ lệ cơ cấu trong hệ thống chính trị.
Thứ tư, sớm xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích, trọng dụng nhân tài cho đất nước.
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhấn mạnh tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương.
Việc cải cách tiền lương phụ thuộc rất lớn đến kết quả tinh giản biên chế và nguồn thu ngân sách để cân đối một cách chặt chẽ, khoa học. Thực hiện cải cách tiền lương đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình, nhưng lúc này, hơn lúc nào hết rất cần thiết phải sớm bổ sung chính sách khuyến khích, trọng dụng nhân tài. Nhân tài trước hết là những chuyên gia giỏi, những người có phát minh, sáng chế, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Họ xứng đáng có thu nhập cao bằng lao động sáng tạo của mình.
Kinh nghiệm của các nước có tốc độ kinh tế phát triển nhanh là họ thực hiện tốt chính sách khuyến khích đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có đóng góp hiệu quả bằng tiền lương cao và điều kiện làm việc, hoạt động thuận lợi. Nếu có chính sách đúng sẽ có nhiều cán bộ an tâm phấn đấu để trở thành những chuyên gia giỏi, không chạy theo con đường “làm quan” như hiện nay. Qua đó sẽ phát huy, khuyến khích, thu hút được tiềm năng chất xám, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới là người gốc Việt, như nhà vật lý thiên văn nổi tiếng - giáo sư Lưu Lệ Hằng tại Đại học Ha-vớt; chuyên gia thần kinh học, Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế - bác sĩ Đa-ni-en Trương; phát minh tế bào gốc từ trong máu chiếc cuống “rốn” là một phát minh nổi tiếng của bác sĩ Phan Toàn Thắng (Xin-ga-po)... Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ, vì thế mặc dù kinh tế còn khó khăn, nguồn thu ngân sách rất thấp, nhưng Đảng, Nhà nước cần ưu tiên sớm bổ sung chính sách khuyến khích, trọng dụng nhân tài. Đây sẽ là một quyết sách hiệu triệu, phát huy được sức mạnh, truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương