Liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(Mặt trận) - Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) nêu ra nhiều nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bài viết tập trung phân tích những vấn đề thực tiễn từ sự liên minh công nhân, nông dân, trí thức đã đem lại những kết quả quan trọng, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Nghị quyết số 26 - NQ/TW là Nghị quyết chuyên đề của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008). Từ lý luận và thực tiễn nhận thấy, để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo tinh thần Nghị quyết này, phải có sự đồng lòng, đồng sức của toàn xã hội, trong đó nổi bật là sự liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Liên minh công nhân - nông dân - trí thức để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, không chỉ trực tiếp vì giai cấp nông dân Việt Nam, mà rộng ra, là còn vì thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Trong Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ghi rõ: “Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1.

Liên minh công nhân - nông dân - trí thức là sự đoàn kết, hợp lực, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau... trong quá trình thực hiện những hoạt động chung, đem lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp, không chỉ cho một lực lượng, mà cho cả các lực lượng tham gia. Trong thực tế, sự liên minh đó, quan trọng nhất là thông qua phân công lao động xã hội của công nhân, nông dân, trí thức là các hoạt động trong công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ... mà tác động, hỗ trợ lẫn nhau.

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đã chuyển dịch được cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung tổ chức sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cùng với bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cao.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nên sản lượng lương thực tăng ổn định, sản lượng lúa tăng hằng năm (năm 2015 đã là 45,2 triệu tấn). Đầu tư công nghệ để phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Xuất khẩu của khu vực nông nghiệp năm 2015 đạt 30 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2010, còn năm 2017 vừa qua đã vượt qua 35 tỷ USD. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến...2.

Công tác quy hoạch, đo đạc, điều tra, phân loại đất đai, thổ nhưỡng đã góp phần quan trọng để Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cho các địa phương. Các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sử dụng đất đến cấp huyện và xã. Thủ tướng đã ra Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại là kết quả của sự lao động tích cực từ công nghiệp và khoa học và đã đạt kết quả cao, thể hiện tập trung ở trình độ cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh. Riêng sản xuất lúa gạo, khâu tuốt lúa đạt 95%, xay xát lúa gạo 95%, tưới nước 85%; vận chuyển 66%; thu hoạch 30%; sấy 30%3.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng lớn. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới ở 11 xã, Chính phủ đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (19 tiêu chí). Bộ tiêu chí cho thấy, kết quả của nông thôn mới phải là trên cơ sở tác động mạnh mẽ của mọi lĩnh vực, của đầu tư mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và sau này là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Do vậy, công tác huy động nguồn lực đạt kết quả tích cực. Vốn huy động của các giai cấp, tầng lớp, các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 2,5 lần vốn từ ngân sách; vốn tín dụng chính sách xã hội đóng góp tích cực vào thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tính đến 31/12/2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm 34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ có 113 xã dưới 5 tiêu chí, 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2016-20204.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng khó khăn

Thành tựu lớn là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng, được nâng cao, cải thiện rõ rệt. Kết quả này cũng chỉ có thể đạt được trong sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân, nông dân, trí thức và với toàn xã hội. Tổng hòa những tác động nêu trên giữa công nghiệp với nông nghiệp và khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật... đã tác động trực tiếp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân, ở nông thôn giảm nhanh chóng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước giảm còn khoảng 6,72%, bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 20165.

Công tác xóa đói giảm nghèo còn được chú trọng để đảm bảo bền vững. Người nghèo được hỗ trợ bằng nhiều chương trình và chính sách mà tiếp cận được với nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp... để có cơ hội vươn lên, tạo thu nhập, thoát nghèo, ổn định đời sống lâu dài.

Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn

Về thành tựu này có đóng góp của khoa học và công nghệ, năng suất lao động bình quân tăng 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước (2006 - 2015 tăng 3,9%; 2006 - 2010 tăng chỉ: 3,4%). Ngành nông nghiệp là một trong những ngành được ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ rõ rệt. Cũng vì vậy, riêng khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị gia tăng bình quân 3%/năm6. Đi đôi với chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp, thì người nông dân cũng được quan tâm nhiều hơn đến đào tạo nghề. Giai đoạn 2010 - 2015 đã có trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn7.

Liên minh công nhân, nông dân, trí thức và sự tác động mạnh mẽ của công nghiệp, khoa học và công nghệ... đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW đã đem đến những kết quả quan trọng, góp phần thể hiện cô đọng và ấn tượng trong bức tranh của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng tích cực sau đây: Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% trong năm 2011 lên 82,6% năm 2015; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống còn 17,4%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm, còn 44,3%. Tập trung thực hiện cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới8.

Trong thực tế, đang tiếp tục khẳng định và hình thành mới các mô hình liên minh công nhân, nông dân, trí thức trong sản xuất nông nghiệp. Đó là kinh tế hộ tiếp tục phát triển, hình thành nhiều trang trại sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn. Nhiều hợp tác xã kiểu mới hình thành để tiếp thu nhiều hơn khoa học và công nghệ, đồng thời các xã viên hỗ trợ nhau cùng làm ăn có hiệu quả. Cánh đồng lớn đang được nhiều địa phương nhân rộng để gắn nông dân với doanh nghiệp, đi vào sản xuất lớn. Các nông, lâm nghiệp nhà nước đang được sắp xếp lại, tổ chức cho phù hợp hơn.

Một số giải pháp phát huy sức mạnh của liên minh công nhân, nông dân, trí thức trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp.

Thứ ba, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý. Áp dụng rộng rãi các giống mới và kỹ thuật nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ tại địa bàn nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề với các hình thức đa dạng, phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại lao động nông thôn.

Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn. Làm tốt công tác nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường nông thôn9.

Phan Thanh Khôi

PGS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 126.

2.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 235.

3.       Xem: Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 5/8/2008, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

4.       Xem: Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 105/TB-VPCP, ngày 16/3/2018.

5.       Xem: Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 105/TB-VPCP, ngày 16/3/2018.

6.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 226.

7.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 218.

8.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 232.

9.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 281 - 284.