(Mặt trận) - Nội dung giám sát cá nhân cán bộ, công chức, đảng viên được quan tâm thực hiện góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong thực tiễn, đã thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên thông qua các cấp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện cơ chế giám sát cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.
Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Nội dung giám sát đã bám sát vào những vấn đề nhân dân đang bức xúc, xã hội đang quan tâm; hình thức giám sát, phản biện đa dạng hơn, bám sát vào nguyên tắc, mục tiêu của giám sát, phản biện, các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe, tổng hợp, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu của Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, giám sát và phản biện xã hội cũng còn nhiều mặt hạn chế, trong đó có nội dung giám sát cá nhân cán bộ, công chức, đảng viên chưa thực hiện được. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp vì liên quan đến con người, nếu không có cơ chế, qui định cụ thể thì sẽ không thực hiện được. Nhiều vấn đề đặt ra cần có câu trả lời rõ, trong đó cần phải làm rõ tại sao phải giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên? Đề ra qui định liệu có làm được không? Nên qui định như thế nào cho thiết thực, khả thi?
Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp 2013 ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong 4 nhóm giải pháp đã nhấn mạnh phải có cơ chế, qui định cụ thể để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Thời gian qua, việc thể chế các qui định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm, sau Quyết định số 217/QĐ-TW và số 218/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có rất nhiều văn bản qui định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đối tượng giám sát ghi rõ là tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, giám sát cá nhân là cán bộ, đảng viên như thế nào, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thì chưa có cơ chế và qui định cụ thể. Vì vậy, rất cần thiết phải thể chế sự giám sát đối với việc không được làm của cán bộ, đảng viên.
Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện qui chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, giữ mối liên hệ nơi cư trú... nhưng hiệu quả chưa cao. Thực tiễn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Căn cứ Thông báo số 161-TB/TW ngày 16/11/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX), ngày 21/4/2006 Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ban hành Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư". Quy chế này được áp dụng ở một số xã, phường, thị trấn tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang. Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung chủ yếu quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cán bộ, công chức, đảng viên cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), khu dân cư và những cá nhân tuy ở nơi khác nhưng công tác trên địa bàn dân cư; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cấp xã, tập trung vào những tổ chức thường xuyên tiếp xúc với dân, phụ trách những việc liên quan đến quyền lợi của dân. Qua bốn năm triển khai thực hiện, 5 tỉnh, thành phố làm điểm đã nhận được 3.123 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, trong đó tỉnh Quảng Bình nhận được 484 đơn thư và ý kiến phản ánh, kiến nghị; thành phố Hà Nội nhận được 1.292 đơn thư và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Tiền Giang nhận được 616 đơn và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Ninh Bình nhận được 449 đơn thư và ý kiến phản ánh; thành phố Hồ Chí Minh nhận được 282 đơn và ý kiến, kiến nghị. Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng; trong quản lý xây dựng, về môi trường; chính sách xã hội, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, biểu hiện tham nhũng, số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân, vi phạm trách nhiệm công vụ và cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong số đơn thư giám sát của nhân dân gửi đến Mặt trận, số đơn không có chữ ký và địa chỉ không rõ ràng của người gửi khá nhiều. Tỉnh Quảng Bình có tới 55 đơn không ký tên; thành phố Hồ Chí Minh trong tổng số 91 đơn gửi vào hộp thư giám sát và 24 đơn không kí tên; thành phố Hà Nội trong tổng số 1.038 vụ việc theo đơn, thư thì có 88 vụ nội dung không đúng sự thực…
Thành phố Hà Nội, đến hết tháng 5/2010, đã giải quyết được 1.023 vụ việc; cơ quan có thẩm quyền xử lý cách chức giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng vì vi phạm trật tự xây dựng đô thị, bãi nhiệm 1 phó công an xã; tỉnh Tiền Giang trong tổng số 380 đơn và ý kiến phản ánh đã giải quyết được 366 vụ việc; tỉnh Quảng Bình, cơ quan có thẩm quyền đã khiển trách 3 đảng viên, cảnh cáo 2 đảng viên, khai trừ khỏi Đảng 1 đảng viên, cách chức 1 hiệu trưởng, bãi nhiệm 1 trưởng thôn, thu hồi 19.929.500 đồng chi sai nguyên tắc; thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý cảnh cáo chuyển công tác khác 3 cán bộ, đình chỉ công tác 1 cán bộ, khai trừ khỏi Đảng 1 đảng viên, buộc thôi việc 1 nhân viên địa chính, kỷ luật 1 Chủ tịch Ủy ban nhân dân, buộc thôi việc 7 cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu đòi tiền người dân và kỷ luật khiển trách, cảnh cáo với 13 cán bộ có sai phạm, 12 trường hợp cán bộ, đảng viên được nhắc nhở nhận khuyết điểm và sửa chữa về phong cách, lối sống; tỉnh Ninh Bình, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 3 cán bộ thuế, trong đó buộc thôi việc 2 người, kỷ luật 1 người, thu hồi 8.830.000 đồng; buộc thôi việc, cảnh cáo đảng viên đối với 1 cán bộ địa chính xã; tỉnh Tiền Giang, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 13 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 4 cán bộ, công chức, chuyển 1 trường hợp đến cơ quan điều tra…
Trong quá trình thực hiện triển khai Quy chế, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rất quan tâm đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn chuyên sâu cả về nội dung và cách thức thực hiện đến toàn bộ cán bộ chuyên trách Mặt trận tại các địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền, đã có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện, phát huy tốt năng lực và vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở địa phương. Qua 5 năm thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố, có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình và hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở trình độ năng lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư nhiều nơi chưa được củng cố, kiện toàn; cán bộ một số nơi còn có thái độ nể nang, e ngại nên chưa mạnh dạn thực hiện giám sát, kiến nghị. Sự phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận, các tổ chức thành viên còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền còn hình thức và một chiều; các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp của Trung ương, tỉnh, huyện đóng trên địa bàn cấp xã và đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị chưa được quán triệt chủ trương giám sát của Mặt trận, nên trong quá trình giám sát của Mặt trận còn gặp khó khăn. Kinh phí hỗ trợ cho giám sát chưa được quy định cụ thể. Quá trình tổ chức thực hiện Quy chế chủ trương thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố sau khi tổng kết đến nay, Trung ương chưa có chỉ đạo về việc có hay không tiếp tục thực hiện triển khai nhiệm vụ này.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi giám sát việc thực hiện công khai Kết luận thanh tra tại Bộ Xây dựng, tháng 5/2017. Ảnh:Thành Trung.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt công tác giám sát cán bộ, đảng viên, cần chú trọng đi sâu vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, rà soát các quy định về phạm vi, đối tượng giám sát tại Quy định này để tránh bỏ sót và bị trùng lặp với các quy định về hình thức giám sát tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN (gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 403) ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định này cần phân định rõ về phạm vi, đối tượng giám sát là cán bộ, viên chức, công chức, đảng viên.
Hai là, phải nêu rõ nguyên tắc, mục đích giám sát; quy định đưa ra một số căn cứ tổ chức giám sát như đơn khiếu nại, tố cáo, ý kiến phán ánh của người dân, theo đề nghị của các tập thể, tổ chức gửi đến Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Nhất là của các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống là một kênh quan trọng, kịp thời phát huy phản ánh, tiếng nói của nhân dân, vì vậy cần được coi là căn cứ để tổ chức giám sát. Đây chính là một cơ sở đáng tin cậy, hiệu quả và kịp thời để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát.
Ba là, cần kết hợp giám sát cả nơi làm việc và nơi cư trú. Làm rõ vai trò chủ trì thực hiện giám sát là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện. Rõ vai trò trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc tại nơi cư trú vì đây là địa bàn tập hợp đoàn kết của Mặt trận có Ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Giám sát tại nơi làm việc chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát tại nơi làm việc là Công đoàn, vì Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, quy định rõ giám sát người đứng đầu, chủ chốt cấp ủy, chính quyền địa phương do Mặt trận Tổ quốc cấp trên chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
Bốn là, nội dung giám sát cần chỉ rõ việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm (19 điều); những điều cán bộ, công chức không được làm là gì phải nêu cụ thể; phải có quy định khung cụ thể của 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) quy định là gì? Trên cơ sơ qui định rõ, công khai cho nhân dân biết mới thực hiện giám sát được. Về các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403 bao gồm 4 hình thức giám sát như sau: (1) Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; (2) Tổ chức đoàn giám sát; (3) Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; (4) Tham gia giám sát với cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Không qui định lại các hình thức giám sát, cần rà soát và bổ sung cách làm giám sát có hiệu quả để từng nơi vận dụng thực hiện cho tốt, như: Tổ chức hội nghị công khai góp ý, công khai lời hứa của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt tại cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư, để cá nhân được giám sát luôn có ý thức tự giác thực hiện, nhân dân giám sát giữa lời nói và việc làm của cán bộ.
Năm là, làm rõ cơ chế, cách thức triển khai thực hiện giám sát, nhất là khắc phục hành chính, huy động được sự tham gia của người dân, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Sau giám sát, văn bản kiến nghị được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể giám sát cũng như trách nhiệm của đối tượng giám sát. Việc quy định triển khai hoạt động giám sát cần chú ý đến nguồn lực và nhân lực hiện nay còn rất hạn chế để đảm bảo việc giám sát của chủ thể giám sát. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân sau khi thực hiện giám sát, trách nhiệm của cơ quan, quản lý, cấp trên trực tiếp của cá nhân được giám sát trong một thời gian nhất định phải trả lời bằng văn bản các kiến nghị của chủ thể giám sát.
Sáu là, việc quy định các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, đảng viên cần phải được rà soát để xây dựng một cách đồng bộ, có sự phân công, phối hợp giữa quy định về giám sát, kiểm tra của Đảng, thanh tra của cơ quan Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kết hợp giám sát với việc thực hiện các qui định khác về trách nhiệm người đứng đầu, về tiếp xúc đối thoại với nhân dân, về nhận xét, đánh giá cán bộ.
Giám sát cán bộ, đảng viên là việc làm khó nhưng phải làm tốt. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là kênh quan trọng góp phần chống các biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu có qui định cụ thể, quyết tâm cao của Đảng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; các cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thực sự lắng nghe, cầu thị thì nhất định sẽ tạo ra sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Ngô Sách Thực
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI): Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013, ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
2. Bộ Chính trị (khóa VII), Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
3. Bộ Chính trị (khóa X), Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.