Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa trong chính trị

Chiều sâu của các giá trị văn hóa mà Hồ Chí Minh đưa đến cho chính trị chính là sức cảm hóa, sức thuyết phục từ trái tim đến trái tim, từ trái tim vĩ đại của một nhân cách vĩ đại tới trái tim của hàng triệu người dân bằng những lời nói, hành động tác phong giản dị, hàm súc, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(1).

Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa trong chính trị có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cần thiết để chúng ta kế thừa, học tập và thực hiện trong bối cảnh mới hiện nay.

Định nghĩa khái quát về văn hóa, Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(2). Điểm đặc sắc và độc đáo trong định nghĩa này là Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến một vấn đề rất quan trọng: phương thức sử dụng các kết quả của sự sáng tạo. Đây chính là thước đo trình độ văn hóa của con người. Nếu phương thức sử dụng đúng, nó sẽ nhân đạo hóa đời sống xã hội.

Như vậy, văn hóa không đứng ngoài chính trị mà ở trong chính trị, gắn bó mật thiết với chính trị. Theo Hồ Chí Minh: “Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được”(3). Hồ Chí Minh xác định rõ: “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Mục tiêu chính trị mà Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là “ham muốn tột bậc” và là “đề tài duy nhất” mà Người theo đuổi suốt cuộc đời. Đó chính là tư tưởng chính trị nhân văn, hành động chính trị nhất quán ở Hồ Chí Minh để phấn đấu cho một đất nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và giàu mạnh, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Để xây dựng hệ giá trị văn hóa trong chính trị, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Ngay sau khi chính quyền đã về tay nhân dân, Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập đã tuyên bố: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(4). Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, phát huy phong trào Bình dân học vụ, tiếp đến là Bổ túc văn hóa - một phong trào văn hóa giáo dục có tính chất rộng rãi nhất trên đất nước ta để tập trung xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí.

Quan điểm về văn hóa trong chính trị ở đây chính là văn hóa trong chính trị của quảng đại quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Muốn cho dân tộc phát triển thì phải diệt giặc dốt, nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa của nhân dân để nhân dân tham gia tích cực vào đời sống chính trị. Những tư tưởng chính trị vĩ đại và nhân văn của Hồ Chí Minh đã thống nhất với những tư tưởng lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin và phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Để xây dựng văn hóa trong chính trị, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tư cách của đảng chân chính cách mạng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng… Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân…”(5).

 

Để đánh giá về bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước tư bản, đế quốc và phong kiến, Hồ Chí Minh dùng chuẩn giá trị là Thiện và Ác với nhân dân để so sánh, làm rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chính là cái Thiện. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không có ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6).

Đối với Chính phủ, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Chúng ta cần phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(7).

Điều mà Hồ Chí Minh quan tâm không chỉ là lĩnh vực hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước mà Người còn đặc biệt đề cao đạo đức cách mạng, đạo đức của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Đạo đức cách mạng là giá trị văn hóa cốt lõi của chính trị, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, dù ở bất kỳ cương vị nào.

Hồ Chí Minh đã xác định rõ trách nhiệm của cán bộ: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(8).

Vì vậy, Người khẳng định, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, trong đó tư cách của người cách mạng phải được đặt lên hàng đầu. Đây chính là giá trị đạo đức trong chính trị, một bộ phận trọng yếu của văn hóa trong chính trị. Hồ Chí Minh không chỉ đề cao đạo đức trong chính trị mà Người cũng rất đề cao phong cách, tài năng trong chính trị.

Hồ Chí Minh nhận xét rất đúng rằng: “Trong các hoạt động của chúng ta, nào chính trị, nào kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến… Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.

Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: “bắt buộc trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”.

Ngay từ đầu thành lập Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã kêu gọi người hiền tài ra giúp nước. Người khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”(9). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, văn hóa trong chính trị bao gồm cả việc đề cao đạo đức và tài năng (năng lực) trong chính trị. Những điều đó phụ thuộc vào công việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên.

Là người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc và đặc điểm của cán bộ, đảng viên tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian để viết “Đời sống mới” (20-3- 1947) và “Sửa đổi lề lối làm việc” (10-1947) nhằm tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và quản lý đất nước. Có thể nói, đây là những cuốn sách có tính cẩm nang đối với cán bộ, đảng viên và có ý nghĩa thời sự sâu sắc đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

 

Hồ Chí Minh chỉ rõ năm đức tính tốt cần thiết làm nên đạo đức cách mạng là Nhân, Nghĩa, Dũng, Trí, Liêm. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì.

Để đảm bảo xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố gắng sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng mạnh khoẻ, bình an.

Theo Hồ Chí Minh, giá trị cốt lõi của người đảng viên chân chính là thực hiện bổn phận của mình gồm: “a) Suốt đời đấu tranh cho dân tộc, cho Tổ quốc. b) Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, trước hết. c) Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng. d) Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng. đ) Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. e) Cố gắng học tập chính trị, quân sự. văn hoá. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng”(10).

Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu phải nâng cao tính đảng của mỗi đảng viên. Tính đảng thể hiện ở việc phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải làm cẩn thận, đến nơi, đến chốn; lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ các căn bệnh làm tổn hại đến rèn luyện tính đảng. Đó là các bệnh ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả (gặp sao hay vậy), xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng. Mắc phải một trong những bệnh đó tức là hỏng việc. Vì thế, Người luôn đề cao,phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau sửa chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới phát triển được.

Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa; muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”(11). Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân đẻ ra các căn bệnh làm hại đến sự phát triển của đất nước.

Đối với Hồ Chí Minh, xác định giá trị văn hóa trong chính trị phải được cụ thể hóa đối với từng đối tượng cụ thể, từng ngành, từng lĩnh vực, từng lứa tuổi, từng giai cấp và tầng lớp khác nhau trong xã hội để có thể thực hành được trong đời sống.

Đối với Hồ Chí Minh, xác định giá trị văn hóa trong chính trị phải được cụ thể hóa đối với từng đối tượng cụ thể, từng ngành, từng lĩnh vực, từng lứa tuổi, từng giai cấp và tầng lớp khác nhau trong xã hội để có thể thực hành được trong đời sống.

Đối với ngành Công an, Hồ Chí Minh đã xác định tư cách người công an cách mạng là: “Đối với tự mình, phải cần kiệm liêm chính, Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tuỵ. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. \

Đối với quân đội, Người yêu cầu: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”.

Đối với Thanh niên, Người căn dặn: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.

Đối với Thiếu niên, Người có năm điều dạy các cháu: “- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào - Học tập tốt, lao động tốt - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt - Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Đối với các cụ phụ lão, Hồ Chí Minh rất trân trọng và động viên các cụ: “Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”

Như vậy, con đường đi từ chính trị đến với nhân dân là con đường văn hóa - con đường vừa thuyết phục bằng trí tuệ và tình cảm để thu phục nhân tâm, vừa khích lệ được tính tích cực, chủ động của các đối tượng khác nhau tự vươn lên tham gia vào đời sống chính trị. Nhận thức sâu sắc và toàn diện tư tưởng về văn hóa trong chính trị ở Hồ Chí Minh giúp chúng ta có phương hướng và giải pháp cụ thể để xây dựng văn hóa trong chính trị ở thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư về xây dựng Đảng hiện nay. 

__________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.128.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.3, tr. 431.

(3) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, 1997, tr.10.

(4) (6) (7) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 8, 56, 56-57, 99.

(5), (10) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.2 (1945-1954), tr.199-200, 220.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.54-56. (11) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr.276.

PGS.TS. Phạm Duy Đức

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2018