Nghĩa vụ là một phạm trù cơ bản của cả đạo đức học và luật học. Xây dựng Đảng về đạo đức có nhiều nội dung, trong đó có vấn đề cốt lõi là xây dựng nghĩa vụ đạo đức, bởi nó là yếu tố chủ yếu cấu tạo nên chuẩn mực đạo đức và chi phối đến thực hành đạo đức.
Giáo dục, rèn luyện nghĩa vụ đạo đức cách mạng cho đảng viên - một nội dung quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức - Nguồn: tuyengiao.vn
Theo nghĩa chung nhất, nghĩa vụ phản ánh trách nhiệm đạo đức của một công dân, một nhóm, một tập đoàn, một giai cấp, một dân tộc đối với việc phải làm trong những điều kiện xã hội cụ thể, trong những tình hình xã hội nhất định. Nghĩa vụ gắn liền với tính tất yếu đạo đức, với những yêu cầu đòi hỏi chung nhất, với những quy định chính thức và không chính thức, với trách nhiệm, khả năng và năng lực của cá nhân. Thông thường, nghĩa vụ đi đôi với quyền(1).
Phương Đông và phương Tây có cách tiếp cận khác nhau đối với quan niệm nghĩa vụ. Nho giáo gọi điều nghĩa là nghĩa vụ, điều lợi là quyền lợi. Người coi trọng điều nghĩa là người trọng nghĩa. Người trọng nghĩa đối lập với người trọng lợi, tức đặt điều lợi lên trên hết. Truyền thống Nho giáo là khinh lợi, trọng nghĩa. Nó có ưu điểm là đề cao giá trị đạo đức tinh thần, đặt quyền lợi của cộng đồng trên quyền lợi cá nhân, nhưng cũng có hạn chế là xem nhẹ cái lợi và hạnh phúc cá nhân con người - một động lực cho phát triển - cũng như lợi dụng nghĩa vụ (lễ trị, nhân trị) để trói buộc người dân phải hy sinh quyền lợi của mình phục vụ quyền lợi giai cấp thống trị. Xã hội phương Tây bước vào thời kỳ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của các tư tưởng giải phóng cá nhân con người khỏi sự cầm tù của giáo hội, đặt mọi thứ thành quan hệ hàng hóa, kể cả sức lao động của con người, là xã hội trọng lợi. Nghĩa và lợi (nghĩa vụ và quyền lợi) trở thành cặp phạm trù có quan hệ đối hợp, không chỉ phải xử lý trên chiều cạnh lý thuyết, mà cả trong thực tiễn chính trị ở từng quốc gia khi tìm động lực cũng như hệ điều tiết cho phát triển. Mối quan hệ giữa nghĩa (đạo nghĩa, nghĩa vụ) với lợi (lợi ích, quyền lợi) là quan hệ giữa lợi ích cộng đồng (giai cấp, dân tộc, xã hội, nhân loại) với lợi ích cá nhân, vì nghĩa xét cho cùng là lợi ích của cộng đồng, lợi ích xã hội và lợi ích người khác. Nho giáo chủ trương trọng nghĩa, khinh lợi; nhà triết học cổ điển Đức Im-ma-nu-en Can-tơ coi nghĩa vụ là “mệnh lệnh tuyệt đối”; chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hạnh phúc, chủ nghĩa vị kỷ lại cho rằng việc mưu lợi là tự nhiên, là hợp với đạo đức.
Những quan niệm duy tâm và siêu hình đều không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghĩa và lợi vốn tồn tại và vận động biện chứng trong đời sống con người. Cần nhận dạng nghĩa vụ được biểu hiện ở mấy phương diện sau đây:
Nghĩa vụ với ý nghĩa là trách nhiệm công dân. Đây là loại nghĩa vụ thể hiện trách nhiệm công dân trước nhà nước, trước quốc gia - dân tộc, đòi hỏi đối với bất cứ thành viên xã hội nào trong độ tuổi trưởng thành đều phải tuân theo, được chế định thành quy phạm pháp luật, quy định những việc công dân phải làm và những việc không được làm vì lợi ích chung của nhà nước, của xã hội và của người khác. Nghĩa vụ công dân gắn liền với quyền công dân trong mối quan hệ qua lại giữa công dân với nhà nước, giữa công dân với tổ chức, giữa công dân với nhau. Với loại nghĩa vụ này bao giờ trách nhiệm cũng gắn liền với những kết quả đạt được và chủ thể hoạt động sẵn sàng gánh chịu hậu quả do hành vi mà mình gây ra. Có thể xem đây là nghĩa vụ đạo đức tối thiểu mà mỗi người với tư cách công dân đều phải làm. Đặc biệt, đảng viên phải là bộ phận tiên phong trong nhận thức và gương mẫu thực hành nghĩa vụ công dân. Và khi đó, các nghĩa vụ pháp luật dịch chuyển từ yêu cầu đạo đức tối thiểu thành yêu cầu đạo đức tối cao.
Nghĩa vụ với ý nghĩa là trách nhiệm báo đáp thể hiện bổn phận đời thường, như quan hệ: cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè, con người với môi trường. Bổn phận báo đáp thể hiện quan hệ lưỡng chiều, như con cái phải có bổn phận yêu thương, kính trọng, chăm sóc cha mẹ khi già yếu, ốm đau và thờ phụng khi cha mẹ đã khuất(2), còn cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy, làm gương cho con cái, lấy nhân từ đối xử với con cái. Chồng vợ có nghĩa vụ thủy chung, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, đồng trách nhiệm nuôi dạy con cái, có trách nhiệm với cha mẹ. Anh em có bổn phận yêu thương, quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng bình đẳng có trách nhiệm với bố mẹ. Bạn bè thủy chung, chia sẻ, giữ chữ tín với nhau(3). Xã hội hiện đại ngày nay còn yêu cầu con người phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụng dưỡng tự nhiên (đạo đức sinh thái)(4), bởi môi trường cho con người không khí để thở, cho nước để uống, cho đất đai để vun trồng lương thực,...
Nghĩa vụ mang ý nghĩa là trách nhiệm của thành viên với cộng đồng, từ cộng đồng xã hội (nhóm, dòng họ, quê hương, đoàn thể xã hội...) đến cộng đồng chính trị - xã hội (giai cấp, quốc gia - dân tộc...). Với những nghĩa vụ phản ánh quan hệ lợi ích dạng này nhiều khi xảy ra xung đột giữa cái riêng với cái chung như giữa tư cách thành viên của cộng đồng nhỏ (nhóm, dòng họ, làng xóm, tộc người, tổ chức tôn giáo...) với tư cách thành viên cộng đồng lớn (quốc gia - dân tộc) hoặc xung đột giữa thành viên cộng đồng này với thành viên cộng đồng khác. Để thỏa mãn lợi ích của mọi thành viên khi xảy ra xung đột lợi ích giữa tư cách cộng đồng nhỏ và tư cách cộng đồng lớn đòi hỏi mọi người có nghĩa vụ phải đặt lợi ích cộng đồng lớn lên trên hết, đặc biệt phải lấy quyền lợi của quốc gia - dân tộc làm tối cao. Ở đây rất cần các phẩm chất trung thành, đức hy sinh (cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí cả tính mạng), nhất là trong hoàn cảnh cộng đồng quốc gia - dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong, bởi nếu không bảo vệ được quyền lợi quốc gia - dân tộc thì quyền lợi của của bộ phận cũng bị tước đoạt. Vì vậy, thực hiện nghĩa vụ với quốc gia - dân tộc rất cần đến đức hy sinh, sự trung thành... không chỉ phản ánh trách nhiệm công dân, mà còn cả bổn phận báo đáp, vì quốc gia - dân tộc là không gian sinh tồn, nơi mỗi người sinh ra và nằm lại khi từ giã thế giới này, nơi đã được thiêng hóa (Tổ quốc, đất Mẹ), bởi thành quả mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ tiền nhân. Tội phản quốc ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới vì thế là tội phạm nặng nhất và cũng là tội vô đạo cao nhất mà xã hội lên án. Xử lý xung đột lợi ích vật chất đã khó nhưng xử lý xung đột các giá trị tinh thần nhiều khi còn khó hơn, đòi hỏi một cách thức hóa giải khác. Đó là phải dựa trên các đức tính chia sẻ, phát huy điểm đồng của nghĩa đồng bào và phẩm chất khoan dung, tôn trọng nhau.
Nghĩa vụ với ý nghĩa là trách nhiệm đồng loại mang tính quốc tế. Loại nghĩa vụ này không phải do tư cách công dân, bổn phận báo đáp, thành viên cộng đồng, nghĩa đồng bào hay địa vị xã hội đòi hỏi... mà xuất phát từ sự thao thức của lương tri. Nghĩa vụ này biểu hiện ở tình đồng cảm, lòng yêu thương, sự bao dung, tình đồng loại... khi đứng trước hoàn cảnh éo le (đói nghèo, chiến tranh, vận mạng bị đe dọa...) hoặc tiến bộ xã hội ở đó bị đe dọa. Nghĩa vụ này thường vượt khỏi khuôn khổ của biên giới quốc gia, như việc người nước này ủng hộ, giúp đỡ người nước khác trong xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, cổ vũ cho giá trị tiến bộ... mà không quan tâm đến biên giới quốc gia, đức tin. Phẩm chất này được những người cộng sản thể hiện bằng chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Nghĩa vụ với ý nghĩa là trách nhiệm của người cầm quyền trước dân. Đây là loại bổn phận mang tính chính trị - xã hội, do địa vị, vị thế xã hội quy định, thường gọi là đạo làm quan. Do sự chế định của vị thế, địa vị xã hội, nên loại nghĩa vụ này tuân theo nguyên tắc tương quan: quyền lớn thì trách nhiệm nặng, quyền nhỏ thì trách nhiệm nhẹ, quyền rộng thì trách nhiệm nhiều, quyền hẹp thì trách nhiệm ít. Bởi lẽ, người cầm quyền có nhiều quyền hành, nếu quyền không đi liền với trách nhiệm thì sẽ lạm quyền, nên thực hành nghĩa vụ đạo đức còn mang ý nghĩa giới hạn và chế ước quyền lực bằng cách chuyển các nhu cầu, đòi hỏi của xã hội thành đạo lý làm người. Bổn phận của người cầm quyền là phải làm gương cho dân, lãnh đạo và dẫn đạo dân, nên không được làm những gì trái với lương tâm, với ý dân, với đạo lý. Phải làm điều ngay thẳng, chính trực, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có lòng yêu thương nhân dân, hiếu với dân, lo cho cái lo của dân, cảm cái cảm của dân, tức “cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, “cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (Hồ Chí Minh). Đồng thời, người cầm quyền khi đứng trước quyền lực, nắm quyền phân bổ nguồn lực và phúc lợi, dễ bị cám dỗ vật chất, dục vọng, nên đạo làm quan phải rèn luyện lòng ít ham muốn về vật chất, dùng lý trí kiểm soát các nhu cầu. Người cầm quyền ở bất cứ đâu cũng cần những nghĩa vụ đạo đức đó, nhưng với những người cộng sản, người lãnh đạo nêu gương sáng về đạo đức càng có giá trị lớn trong thu phục nhân tâm, lòng người, tạo tính chính đáng của sự cầm quyền.
Nghĩa vụ với ý nghĩa là trách nhiệm của đảng viên đối với Đảng - tổ chức chính trị đóng vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều lệ Đảng thường gọi loại nghĩa vụ này là “nhiệm vụ” và đòi hỏi mọi đảng viên phải phục tùng, mang tính kỷ luật tổ chức, nhưng cao hơn là tự giác thực hiện, xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm, đạo lý. Ý thức nghĩa vụ đạo đức của đảng viên đối với Đảng gắn liền với nhận thức mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh, tầm nhìn, văn hóa cầm quyền của Đảng mà mỗi đảng viên phải định hình lẽ sống, niềm tin, bổn phận, trách nhiệm để đủ năng lực và uy tín lãnh đạo và dẫn đạo xã hội. Ý thức nghĩa vụ đạo đức của đảng viên chuyển hóa vào thực tiễn không chỉ thông qua kỷ luật tổ chức của Đảng, buộc mọi người tuân thủ nguyên tắc, điều lệ, cương lĩnh, nghị quyết,... mà cao hơn là sự giác ngộ của mỗi người về bổn phận của mình đối với Đảng, với cách mạng, sâu xa là với lý tưởng của Đảng. Yêu cầu của Đảng đòi hỏi phải được chuyển thành nhu cầu nội tâm, sự thao thức tinh thần của mỗi đảng viên về các bổn phận, trách nhiệm của mình trước Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội XI đã xác định nhiều quy phạm đạo đức của người đảng viên như: 1- Đối với Đảng, trung thành(5) với lý tưởng cách mạng; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc; phục tùng tuyệt đối kỷ luật và nguyên tắc của tổ chức; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; trung thực trước Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng. 2- Đối với Tổ quốc, trung thành với Tổ quốc, biết đặt lợi ích của Tổ quốc và của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc khi cần, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một công dân. 3- Đối với nhân dân, phải thể hiện là bộ phận ưu tú, tiên phong của xã hội, trong đó các phẩm chất đạo đức là chuẩn mực quan trọng cấu tạo nên vai trò tiên phong và ưu tú của đảng viên; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở... 4- Đối với bản thân, phải có lao động; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh; không ngừng học tập nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; thường xuyên tự phê bình và phê bình; chấp hành đúng Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm...
Có thể kể ra nhiều nghĩa vụ, bổn phận cụ thể của người đảng viên, nhưng cô đọng nhất vẫn là: gương mẫu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; tính tiên phong, ưu tú trong xã hội; trung thành (với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân); dám hy sinh (cho lợi ích chung); trung thực với Đảng; tuyệt đối phục tùng kỷ luật tổ chức, cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, nguyên tắc của Đảng; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tham gia xây dựng Đảng; gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo và bảo vệ nhân dân; có lao động; có đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh; thường xuyên học tập nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; hoàn thành nhiệm vụ được giao; tự phê bình và phê bình; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác...
Các nghĩa vụ, nhiệm vụ đã bao quát rằng người đảng viên phải đảm nhiệm nhiều tư cách, bổn phận: người đảng viên trước Đảng, đất nước, nhân dân; công dân trước Nhà nước và quốc gia - dân tộc; tư cách đời thường và vị thế lãnh đạo, dẫn đạo, tiên phong, ưu tú của giai cấp và dân tộc... Quy phạm nghĩa vụ trong Điều lệ Đảng đã xử lý vấn đề cơ bản về nghĩa vụ của người đảng viên trong nhiều tư cách, vai trò, quan hệ khác nhau, nhất là khi có xung đột, thì phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của giai cấp, của nhân dân lên trên hết, bản chất là đòi hỏi được dấn thân và hy sinh. Đó là con đường không chỉ thỏa mãn giữa quyền và lợi ích, giữa các bổn phận phải thực hiện khi xuất hiện mâu thuẫn, mà còn là phương thức khẳng định tính chính đáng của địa vị cầm quyền, tính tiền phong, gương mẫu của lãnh đạo, tính ưu tú cả về trình độ, năng lực và tư cách đạo đức.
Nghĩa vụ đạo đức của người đảng viên được xây dựng trên nền tảng nhân bản toàn diện, không chỉ do bổn phận báo đáp, tư cách công dân, các lợi ích tại ngoại, mà được xây dựng trên chính bản chất con người nhân cách có lý tưởng và lẽ sống tốt đẹp, thấu hiểu chính mình, biết tôn trọng mình, biết tự chủ. Nó khác với nghĩa vụ công dân thể hiện trách nhiệm trước nhà nước do luật pháp bắt buộc phải phục tùng, nghĩa vụ đạo đức tôn giáo thể hiện trách nhiệm trước đấng siêu nhiên, thì nghĩa vụ đạo đức của đảng viên thể hiện trách nhiệm trước chính lương tâm của mình khi đối diện với lợi ích chung của cộng đồng, giai cấp, dân tộc, nhân loại và lợi ích của người khác, là ý thức về cái cần phải làm và mong muốn được làm vì những lợi ích đó. Vì vậy, nếu nghĩa vụ pháp luật là sự bắt buộc, thì nghĩa vụ đạo đức cách mạng là hoàn toàn tự do lựa chọn, không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài hoặc động cơ vụ lợi bên trong. Hành vi thực hiện nghĩa vụ đạo đức cách mạng chứa đựng ý nghĩa trong sáng, cao thượng gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, khẳng định danh dự làm người và tự chủ của nội tâm, không tính toán thua thiệt, được đặt trên cơ sở chân, thiện, mỹ và sự giác ngộ cao độ về hành vi đó. Ở đây, cá nhân có trách nhiệm chuyển những đòi hỏi của xã hội và những thể hiện của chúng thành nhu cầu, mục đích và cảm hứng trong hoạt động của mình. Nhờ đó mà hành vi mang tính tự nguyện, hành động một cách thanh thản và tự do. Khi hành động tự nguyện, tự do sẽ giải phóng mọi năng lực của chính mình, tạo nên động lực to lớn cho hành động. Trên ý nghĩa đó, đạo đức cách mạng không chỉ là cơ chế điều tiết con người khỏi mất phương hướng, trượt dốc, mà còn tạo động lực khi con người được giải phóng mọi năng lực nhờ có tự do, hành động tự giác trên một con đường đi đúng đắn.
Điều đó cho thấy, xây dựng nghĩa vụ đạo đức của người đảng viên cộng sản cần chú ý đầy đủ trên nhiều bình diện. Khi đã là người đảng viên phải hội tụ đầy đủ các nghĩa vụ: trách nhiệm công dân, bổn phận đời thường và cao hơn là trách nhiệm trước Đảng, dân tộc, nhân dân... Đó chính là những đòi hỏi của Đảng, của dân tộc, của nhân dân, của xã hội được chuyển thành nhu cầu và động cơ nội tại, ý thức tự giác, hành vi tự chủ, sự thôi thúc lương tâm của người đảng viên. Đó cũng là con đường mà người đảng viên được giải phóng khỏi mọi cái tôi bên trong, trở thành con người tự do, có phương hướng hành động đúng đắn và có lối sống, phong cách đời thường cao thượng, đẹp đẽ, đủ uy tín lãnh đạo và làm gương cho nhân dân.
Ý thức về nghĩa vụ đạo đức cách mạng của người đảng viên là ý thức được bản chất của mình là con người trong xã hội qua hoàn thành bổn phận, trách nhiệm. Nó đối lập với các phạm trù sỉ nhục, ô danh, hèn kém, vị kỷ. Thực hiện nghĩa vụ đạo đức cách mạng sẽ đem lại tự do về tư tưởng và hành động và muốn tự do thì sẵn sàng nhận trách nhiệm một cách tự giác. Bởi vì, con người cảm thấy không có tự do khi không được làm những gì mà mình muốn, còn thực hiện nghĩa vụ đạo đức là tự nguyện, tự giác làm những điều mình muốn và cho là đúng đắn. Bao giờ và ở đâu một hành động đạt được nhờ sự tự nguyện dựa trên ý thức về nghĩa vụ đạo đức thì chủ thể của hành vi đó mới mang bản chất tự do, tự quyết định chính vận mệnh của mình, tự xác định những quy luật mà họ tuân thủ trong tự do của họ, nhờ đó họ dấn thân hết mình cho công việc, phát huy cao nhất sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần cho công việc với trách nhiệm đạo đức cao nhất. Điều chỉnh mọi hành vi, hoạt động của con người thông qua cơ chế nghĩa vụ đạo đức không phải bằng hệ thống thể chế, bằng kích thích động lực vật chất hay bằng kỷ luật tổ chức, mà đó là sự tự chủ cao độ của con người trước danh dự nhân phẩm của chính mình, sự tự đánh giá, tự phán xét và mách bảo của lương tâm. Sự trưởng thành về ý thức nghĩa vụ đạo đức phản ánh xu hướng tiến bộ của một xã hội lành mạnh, hài hòa, con người sống trong tình người, được hưởng sự quan tâm sâu sắc của xã hội, mọi người luôn được bồi dưỡng tình cảm chân thành, niềm tin, quyết tâm để phục vụ cho yêu cầu của xã hội và lợi ích của người khác một cách tự nguyện, bất kể các trở ngại, rào cản, hy sinh mất mát. Nghĩa vụ đạo đức thực sự chỉ hình thành khi mỗi cá nhân thực hiện hành vi của mình không chỉ do đòi hỏi của xã hội mà cơ bản hơn là do sự thôi thúc nội tâm muốn thể hiện nhân cách làm người. Dưới sự dẫn dắt của ý thức nghĩa vụ đạo đức đúng đắn sẽ dẫn tới hành vi đạo đức cao thượng, tạo động lực mãnh liệt thôi thúc nội giới mỗi người vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, gian khổ và hướng tới thành quả tốt đẹp cho cá nhân và xã hội. Thông qua rèn luyện ý thức nghĩa vụ đạo đức và thực hành nghĩa vụ đạo đức không chỉ đóng góp cho xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ, sống và lao động trong tình cảm chân thành của đồng loại mà còn làm phong phú, sâu sắc thêm ý thức của chủ thể về sự hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, ý thức nghĩa vụ đạo đức không phải là kết quả sự ép buộc hay sợ hãi, mà dựa trên cơ sở ý thức về lý tưởng, lẽ sống, hạnh phúc và triết lý nhân sinh. Nền tảng của ý thức nghĩa vụ đạo đức là nhận thức được sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, thống nhất giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội và người khác. Vì thế, trưởng thành của ý thức nghĩa vụ đạo đức liên quan chặt chẽ đến mức độ trưởng thành trong nhận thức của con người về những vấn đề lẽ sống, hạnh phúc, thiện ác...
Ý thức nghĩa vụ đạo đức hình thành và phát triển không chỉ thông qua giáo dục nhà trường mà cơ bản phải được nuôi dưỡng và bồi đắp trong môi trường gia đình, xã hội, thể chế lành mạnh; được củng cố, phát triển bằng chính trải nghiệm sống của con người, đặc biệt là môi trường lao động sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... để kiểm nghiệm nhận thức trong thực tiễn. Ở đó, mọi thành viên nhận được sự quan tâm, thương yêu, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau với những tình cảm tốt đẹp; được hưởng bầu không khí đạo đức trong sáng, cao quý, chan chứa tình người; có cơ hội trưởng thành về nhân cách đạo đức, yêu lao động, có lý tưởng, hoài bão, giàu trí tuệ cảm xúc, yêu đời, yêu người, lạc quan, tin tưởng vào tốt đẹp của xã hội. Mất đi ý thức nghĩa vụ đạo đức chính là tự đánh mất đi tự do của bản thân mình, đánh mất đi ý thức làm người. Chính ý thức nghĩa vụ đạo đức cao quý đã hun đúc đức hiếu thảo với cha mẹ và thủy chung vợ chồng, tình bạn bè, anh em, đồng chí, tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào, trung thành với Tổ quốc và chế độ chính trị. Người đảng viên không thoát ly khỏi những chuẩn mực đạo đức đời thường phổ biến, mà phải thống nhất giữa nghĩa vụ đạo đức đời thường (bổn phận báo đáp: hiếu với cha mẹ, nghĩa thủy chung vợ chồng, tình bạn bè, tình yêu quê hương) với nghĩa vụ đạo đức cách mạng (bổn phận làm người cộng sản: hiếu với dân, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tình giai cấp và nhân loại; các phẩm chất cao quý cần có và phải có của người lãnh đạo: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư...). Ý thức nghĩa vụ đạo đức của con người trưởng thành cùng sự phát triển không ngừng của xã hội và con người. Vì thế, việc hình thành ý thức nghĩa vụ đạo đức và sáng tạo nó trong đời sống thực tiễn phải là một quá trình tu dưỡng bền bỉ, rèn luyện không ngừng trong suốt cuộc đời một con người.
Xây dựng, giáo dục ý thức nghĩa vụ đạo đức cách mạng bao gồm:
Thứ nhất, xác lập các quan điểm, tư tưởng đạo đức cách mạng thể hiện tính khoa học, cách mạng và nhân văn của Đảng. Đó là các quan niệm về mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh của người cộng sản trong vai trò, trách nhiệm cầm quyền và lãnh đạo; lẽ sống của người đảng viên cộng sản gắn liền với lý tưởng của Đảng; nghĩa vụ, bổn phận của đảng viên trước các nhu cầu của xã hội đòi hỏi đức hy sinh, dấn thân, nêu gương; mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường; lương tâm, danh dự trước cái thiện và cái ác... đòi hỏi người đảng viên dũng cảm bày tỏ thái độ; phân biệt hạnh phúc chân chính với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ... Các quan điểm, tư tưởng đó được đúc kết, khái quát thành chuẩn mực đạo đức cách mạng cho mọi tổ chức đảng và đảng viên dễ nhớ, dễ thực hành.
Thứ hai, chuyển hóa các tư tưởng, tri thức đạo đức thành tình cảm đạo đức. Chúng được biểu lộ ở thái độ bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; thấy nhiệm vụ chưa hoàn thành phải hổ thẹn, thấy sai lầm của mình phải cắn rứt lương tâm và dũng cảm nhận khuyết điểm để sửa chữa; thấy bất hạnh của người khác phải day dứt; thấy xa hoa cám dỗ phải cảnh giác, né tránh, đấu tranh. Tình cảm đạo đức bảo đảm cho lương tri tham dự trong mọi quyết định chính trị và tổ chức thực hiện quyết định chính trị. Cùng với tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức là cơ sở cho định hình phong cách lãnh đạo dân chủ và khoa học, lối sống trong sạch và lành mạnh, nếp sống giản dị, lấy nhu cầu đòi hỏi của xã hội thành động cơ nội tâm, hành vi tự giác của mỗi đảng viên.
Thứ ba, giáo dục nghĩa vụ đạo đức là hoạt động có vai trò quan trọng hàng đầu trong hoạt động thuộc hình thái ý thức đạo đức. Nhờ có giáo dục nghĩa vụ đạo đức mà những chuẩn mực đạo đức theo nhu cầu đòi hỏi của xã hội được thực hành thường xuyên, tiến hành một cách tự nguyện, tự giác, xuất phát từ động cơ, tình cảm, niềm tin của cá nhân. Con người thường có xu hướng tìm hiểu ngoại giới mà ít chú ý tìm hiểu bản thân, tìm hiểu chính mình, vì vậy, giáo dục đạo đức trước hết là giáo dục cách thức học tập để thấu hiểu chính mình để biết mình, tôn trọng mình và tự chủ bản thân. Đó là quá trình nội tâm hóa những quy phạm đạo đức xã hội. Vì vậy, giáo dục nghĩa vụ đạo đức không chỉ dừng lại ở bồi dưỡng ý thức nghĩa vụ đạo đức đơn thuần, ở giáo dục lý thuyết, mà phải đi liền với thực hành đạo đức trong đời sống, bao gồm trải nghiệm thực tế, giáo dục chuẩn mực luôn đặt trong liên hệ với dư luận xã hội, tạo nên dư luận xã hội lên án cái ác, biểu dương cái tốt.
Thứ tư, tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương các tấm gương điển hình tiên tiến, bao gồm cả tiên tiến về tư tưởng, tiên tiến về đạo đức, lối sống, tác phong và tiên tiến về cách làm. Tiên tiến về đạo đức, lối sống, tác phong chiếm vị trí đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách người đảng viên có uy tín với quần chúng, được tổng kết, nhân rộng, tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa sâu rộng. Cần sử dụng tốt vai trò của báo chí, truyền thông, dư luận trong cổ vũ nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, đi đôi với phê phán, đấu tranh với các thói hư, tật xấu, cái ác. Trong các nội dung tuyên truyền, cần nhấn mạnh trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng trong rèn luyện hằng ngày.
Thứ năm, đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận để bóc trần bản chất phản động của các lý luận cổ vũ cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa hưởng lạc,... chỉ đề cao dục vọng cá nhân con người mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng hoặc xem nghĩa vụ đạo đức như một thứ siêu hình, tuyệt đối, tách rời khỏi quyền con người, bị lợi dụng để phục vụ cho các mục tiêu ích kỷ. Đấu tranh với các quan điểm đề cao các giá trị vật chất tầm thường mà xem nhẹ hoặc quên đi các giá trị tinh thần cao quý làm nền tảng cho phát triển con người bền vững, hành động đúng đắn, đi tìm hạnh phúc đích thực. Điều quan trọng là vạch rõ nguồn gốc lý luận, kinh tế, xã hội và tâm lý cũng như chỉ ra tác hại của các trào lưu lý luận đó đối với đảng viên nói riêng và xã hội nói chung.
Tổ chức thực tiễn về nghĩa vụ đạo đức là quá trình hiện thực hóa ý thức nghĩa vụ đạo đức thành hành vi, lối sống, phép ứng xử, tác phong và phương pháp công tác của đảng viên. Thực tiễn nghĩa vụ đạo đức bao gồm: rèn luyện hành vi đạo đức, xử lý các quan hệ đạo đức, bồi dưỡng năng lực tự đánh giá, tự soi mình, tự phán xử, tự khắc phục các lệch lạc trong đời sống thường nhật.
Một là, rèn luyện hành vi đạo đức chiếm vị trí rất quan trọng trong tổ chức thực tiễn nghĩa vụ đạo đức, bao gồm cả hành vi cá nhân và hành vi tổ chức. Nói tới hành vi là nói tới hoạt động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, niềm tin, tình cảm. Có loại nghĩa vụ phải được hỗ trợ của quy phạm pháp luật mà bắt buộc phục tùng, được lặp đi lặp lại lâu ngày rồi trở thành thói quen, chuyển hóa thành nghĩa vụ đạo đức. Nhưng nói tới hành vi đạo đức trước hết do quá trình học tập, rèn luyện, bao gồm xây dựng kế hoạch học tập để hiểu ngoại giới và thấu hiểu chính mình, đem hiểu biết áp dụng và trải nghiệm trong thực tế, tự đánh giá, tự kiểm tra, tự soi mình, nếu có lệch lạc thì hiệu chỉnh, khắc phục rồi lại học tập, cứ thế tạo thành một chu trình mới rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời,... bảo đảm các chuẩn mực đạo đức luôn làm sợi chỉ đỏ vạch thảo, dẫn đạo cho hành vi luôn vận hành đúng phương hướng trong suốt cuộc đời mà không lệch chuẩn hoặc loạn chuẩn.
Nói tới hành vi đạo đức của một công dân bình thường chủ yếu là nói tới hành vi cá nhân, còn hành vi đạo đức của người đảng viên bao gồm cả hành vi cá nhân và hành vi tổ chức, trong đó rèn luyện hành vi tổ chức có vai trò rất quan trọng. Chính ở hành vi tổ chức mới nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong vai trò lãnh đạo và cầm quyền. Mỗi tổ chức đều dựa trên nền tảng căn bản, như mục tiêu, lý tưởng, giá trị, tầm nhìn, cơ cấu tổ chức, văn hóa... Từng yếu tố này thúc đẩy văn hóa tổ chức để hình thành nên các nguyên tắc, cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa thành viên với tổ chức, mà ở đó các chuẩn mực đạo đức bao giờ cũng là giá trị cốt lõi. Văn hóa tổ chức đóng vai trò quan trọng trong quyết định phong cách, uy tín lãnh đạo, phương thức giao tiếp và hành vi của các thành viên trong tổ chức. Vì vậy, rèn luyện hành vi tổ chức phải được xem là một bộ phận cấu thành của xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng. Khi các chuẩn mực đạo đức cách mạng trở thành giá trị chung, trở thành lý tưởng và lẽ sống mà mọi đảng viên đã tuyên thệ trung thành, thì phải tạo ra cơ chế cho thực hành rộng rãi và thường xuyên trong tổ chức, với sự tương tác giữa cá nhân và tổ chức, giữa cá nhân và nhóm, tạo nên mối quan tâm, chia sẻ, giám hộ thông qua dư luận, tự phê bình và phê bình trong Đảng để mỗi người không ngừng hoàn thiện nhân cách cũng như phát triển văn hóa tổ chức.
Hai là, xây dựng các quan hệ ứng xử đúng bổn phận, trách nhiệm trong thực hành nghĩa vụ đạo đức. Khi đã định hình được hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức thì áp dụng vào từng quan hệ ứng xử để đánh giá mức độ thành thục của các phương thức thực hành đạo đức, phản ánh sự trưởng thành nhân cách đạo đức cá nhân, bao gồm: quan hệ với chính mình, quan hệ với người khác, quan hệ với cộng đồng (gia đình, xã hội, dân tộc, nhân loại), quan hệ với tổ chức, quan hệ với tự nhiên, quan hệ với lao động, giữa tư cách đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường, quan hệ ứng xử với giá trị vật chất và tinh thần... Hồ Chí Minh hết sức chú ý nhắc nhở người đảng viên cộng sản phải có thái độ ứng xử đúng đắn giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần: đã là người cách mạng phải sẵn sàng chịu đựng thiệt thòi về vật chất, phải ít lòng ham muốn về vật chất, để theo đuổi những giá trị tinh thần cao quý, như liêm khiết, công bằng, chính trực... để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu của Đảng.
Ba là, rèn luyện bản lĩnh và năng lực tự đánh giá, tự soi mình, tự phán xử, tự phê bình là hoạt động quan trọng của thực tiễn đạo đức. Thực hành nghĩa vụ đạo đức là thực hành hằng ngày, rèn luyện, tu dưỡng suốt đời, nên thường xuyên phải tự đánh giá, tự kiểm tra, tự soi mình, tự phê bình, nếu thấy lệch lạc phải uốn nắn, hiệu chỉnh, sửa sai. Ở đây, tòa án lương tâm đóng vai trò tối cao trước mọi lỗi lầm (trong quan hệ với tòa án dư luận, tòa án công pháp). Tất nhiên, tự soi mình và tự phán xử là điều rất khó khi bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của nhận thức, của hoạt động đánh giá, kiểm tra, khi mỗi người phải tự khách quan hóa, tự nhận xét về mình. Loại lao động phản tư này gặp nhiều nan giải do: 1- Con người ta bao giờ cũng thường rộng lượng với sai lầm của bản thân mình nhưng lại nghiêm khắc với sai lầm của người khác; 2- Con người luôn có cơ chế tự biện minh, cỗ máy não luôn vận hành để tự bào chữa mình vô can, khi gặp sai lầm thường gán trách nhiệm cho tại ngoại (hoàn cảnh, người khác)... Mặt khác, con người thường ưu tiên cho tìm hiểu ngoại cảnh, ít khi thấu hiểu chính mình, vì vậy, việc khơi dậy được các năng lực phản tư, tự đánh giá, tự soi mình, tự phê bình chính mình là một hoạt động thực tiễn mang tính tự giác, tự chủ cao độ trong quá trình thực hành nghĩa vụ đạo đức cách mạng. Đó là quá trình gian khổ nhưng đi tìm hạnh phúc từ sự thanh thản của tâm hồn, từ lối sống cao thượng và đẹp đẽ, từ quan niệm đúng đắn về giá trị công bình, chính trực cũng như phụng sự cho hạnh phúc của cộng đồng và người khác; đó là đạo đức dấn thân không phải là tu thân; đó là quá trình lấy lý trí để kiểm soát ham muốn; đó là lấy lương tâm làm tòa án cao nhất phán xử mọi hành vi và uốn nắn, sửa chữa hằng ngày...
Bốn là, xây dựng cơ chế, môi trường cho nâng cao ý thức nghĩa vụ đạo đức và thực hành nghĩa vụ đạo đức. Từ cách nhìn duy vật biện chứng, chúng ta thấy rằng, người đảng viên không phải trên trời rơi xuống, mà ở trong xã hội sinh ra. Trong điều kiện kinh tế thị trường đầy cám dỗ, để bảo đảm cho giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức tiến hành hiệu quả cần có sự hỗ trợ bởi cơ chế, chính sách. Một môi trường tốt đẹp có vai trò rất quan trọng giúp cho con người trưởng thành lành mạnh và các phẩm chất cách mạng luôn được nuôi dưỡng, nảy nở, lan tỏa trong xã hội. Có vô số công việc phải làm như: xây dựng xã hội công bằng cả trong phân phối kết quả sản xuất và công bằng về cơ hội, con người cống hiến và hưởng thụ dựa trên lao động, hạn chế dần tình trạng người bóc lột người, đặc biệt là bóc lột gián tiếp bằng quyền lực, tham nhũng; cải tiến chế độ thi đua - khen thưởng để lựa chọn được người thật sự tiêu biểu về đức - tài mà tôn vinh, nhờ đó có ảnh hưởng lan tỏa thực chất; xây dựng văn hóa tổ chức trong từng tổ chức đảng để làm khuôn mẫu cho đảng viên rèn luyện hành vi đạo đức, bao gồm cả hành vi cá nhân và hành vi tổ chức, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và kỷ luật, thực hành chuẩn mực đạo đức một cách kiên trì, tự giác; xây dựng mô hình giám sát của dư luận trước cái ác, cái xấu, đặc biệt là giám sát qua báo chí; cải cách chế độ tiền lương để người lãnh đạo thật sự có thu nhập chính bằng tiền lương, có điều kiện cơ bản cho cống hiến, lao động, rèn luyện, dưỡng đức, dưỡng liêm.
Năm là, đấu tranh chống lại cái ác, thói hư tật xấu, đi ngược lại các nghĩa vụ đạo đức cách mạng của người đảng viên trong thực tiễn đời sống hằng ngày. Cùng với đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận là đấu tranh trong thực tiễn hằng ngày. Đây là đặc trưng rất cơ bản của thực tiễn đạo đức, bởi đạo đức cách mạng hình thành không chỉ phản ánh ở ý thức đạo đức mà cơ bản là được rèn luyện, thực hành hằng ngày. Đó là đấu tranh với các hành vi vô lương, với chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, chỉ chạy theo ham muốn vật chất, quyền lực, quyền lợi mà vô cảm với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, vô cảm với số mệnh của đồng loại và khả năng sinh tồn, phát triển bền vững của đất nước do lối sống tầm thường, thấp hèn gây nên. Khác với đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận thông qua công tác lý luận, tuyên truyền, cổ động, giáo dục, đấu tranh trong thực tiễn là thông qua dư luận xã hội rộng rãi mang tính áp lực đối với các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Đấu tranh phải tiến hành từ cơ sở, từ sinh hoạt chi bộ định kỳ và chuyên đề, nhờ phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, đánh giá và phân loại đảng viên, giám sát hành vi của đảng viên và tổ chức đảng. Đó còn là việc đấu tranh xóa bỏ các cơ chế, chính sách đang tạo môi trường cho cái xấu và bất công tồn tại dai dẳng trong xã hội, đặc biệt là tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong thực hành đạo đức cách mạng, một nội dung quan trọng là tự đấu tranh với chính bản thân mình với cám dỗ vật chất, với các nhu cầu bản năng, giữa đi tìm hạnh phúc cá nhân với dấn thân cho hạnh phúc của cộng đồng, giai cấp, dân tộc, nhân loại. Đấu tranh với bản thân đòi hỏi mỗi đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình, ý thức tự phê phán và sửa lỗi để tiến bộ, luôn học tập để thấu hiểu nội giới cũng như kiểm soát các ham muốn, thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, phòng ngừa tha hóa nhân cách, dấn thân cho các giá trị hạnh phúc, công bằng, liêm chính và phúc lợi nhân dân... xứng đáng là lực lượng lãnh đạo, dẫn đạo và cầm quyền./.
----------------------------------------
(1) Hội đồng chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2003): Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 113
(2) Nho giáo gọi đây là “đạo hiếu” với nội dung rất rộng, bao gồm cả mặt tích cực (bổn phận làm con phải biết chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính cha mẹ; phải chôn cất, thờ phụng cha mẹ khi chết; không được làm phiền lòng cha mẹ; còn cha mẹ có bổn phận sinh thành, giáo dục, làm gương cho con cái...) và mặt tiêu cực (con cái không được làm trái ý cha mẹ, kể cả những ý sai trái, thậm chí che giấu lỗi lầm của cha mẹ; con có hiếu là phải sinh con trai nối dõi tông đường...)
(3) Nho giáo gọi bổn phận con cái với cha mẹ là hiếu; anh em với nhau là đễ, bạn bè với nhau là tín
(4) Tín ngưỡng dân gian thường nhân cách hóa nghĩa vụ báo đáp này bằng tục thờ nhiên thần (thần cây, thần đất, thần nước...)
(5) Trung với Đảng không chỉ vì là xuất phát từ lý tưởng, lẽ sống gắn liền mục tiêu tốt đẹp của Đảng được giác ngộ sâu sắc, mà còn mang bổn phận báo đáp vì Đảng đã đưa lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, hòa bình cho mọi nhà, cơ hội phát triển cho mọi người,... gắn liền với bao hy sinh, mất mát của nhiều thế hệ đảng viên. Trung với Đảng đi liền với trung với nước, bởi trong điều kiện Việt Nam, Đảng đã hóa thân vào dân tộc, nhận trọng trách mà lịch sử giao phó để lãnh đạo nhân dân giành độc lập và tự do, đem lại cuộc sống tốt đẹp, bảo vệ độc lập, chủ quyền và đưa dân tộc phát triển. Đảng không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà của cả dân tộc Việt Nam
Theo Đoàn Minh Huấn - PGS, TS, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản