Bài viết phân tích tính khách quan, khoa học trong tư tưởng của C.Mác về tác động của cách mạng công nghiệp đối với sản xuất, giao thương, đời sống người dân. Tác giả cho rằng, C.Mác không chỉ nhìn thấy vị trí, vai trò to lớn của giai cấp tư sản trong việc phát triển đại công nghiệp, làm tiền đề cho cách mạng công nghiệp mà quan trọng hơn đã chỉ ra những hạn chế, giới hạn chật hẹp của chính nền sản xuất đã đẻ ra cuộc cách mạng này, đó là chủ nghĩa tư bản. Để giải phóng sức sản xuất, mở đường cho cuộc cách mạng công nghiệp phát triển phải xoá bỏ bất công trong xã hội, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mới đích thực là quan hệ đủ sức dung nạp lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, mà cốt lõi của nó là sự gia tăng không ngừng nghỉ của cách mạng công nghiệp.
1. Trên cơ sở phân tích sự vận động và phát triển xã hội tư bản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ, xét về mặt kỹ thuật, đặc điểm nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là “do có sự phát minh ra máy hơi nước, các thứ máy kéo sợi, máy dệt và hàng loạt những thiết bị máy móc khác”1 thay thế công cụ thủ công trước đó, biến nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất qui mô lớn, được thể hiện rõ trong ngành dệt may, luyện kim, cơ khí.
Thực tế, với sự tham dự của máy móc đã tạo ra năng suất lao động vượt trội gấp hàng chục, hàng trăm lần so với lao động thủ công, bởi máy móc làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất tồn tại từ trước tới nay. Hàng hóa do máy móc sản xuất ra thì rẻ hơn và tốt hơn so với hàng hóa do công nhân sản xuất bằng xe kéo sợi và khung cửi dệt vải của mình, cho phép trong một thời gian ngắn có thể tăng thêm sản xuất công nghiệp một cách vô hạn mà chi phí lại không nhiều, góp phần giảm nhẹ lao động.
Tăng năng suất lao động, sau đó là tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhà tư bản là vai trò to lớn của máy móc đối với sản xuất mà mọi người đều có thể cảm nhận. Nhưng vấn đề lớn hơn ở chỗ, như C.Mác phân tích, đó là sự tương tác của chủ nghĩa tư bản (CNTB) với sự phát triển của ngành cơ khí, máy móc, hệ thống máy móc mà cuộc cách mạng công nghiệp này đã nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn thế giới để thỏa mãn khát vọng lợi nhuận của chủ tư bản, “kéo theo” nhu cầu kiếm tìm và mở rộng thị trường, tất yếu cần có sự gia tăng buôn bán, lưu thông hàng hóa với tư cách là một mắt khâu của quá trình sản xuất TBCN cũng gia tăng theo. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, để tồn tại CNTB cần có thị trường tiêu thụ nên giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi... Cùng với sự lớn mạnh của CNTB là việc ngày càng “xóa bỏ tình trạng phân tán của tư liệu sản xuất (TLSX), của tài sản và của dân cư, đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường thế giới thúc đẩy cho hàng hải, những phương tiện giao thông phát triển và do bóp nặn thị trường thế giới giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới. Cách mạng công nghiệp phát triển kéo theo giao thương, buôn bán cũng phát triển và sản xuất tiếp tục phát triển. Sản xuất và giao thương, buôn bán là hai mặt có quan hệ chặt chẽ với nhau - sản xuất là cơ sở để có giao thương; ngược lại, giao thương thông suốt lại làm tiền đề cho sản xuất tiếp tục phát triển. Vậy là, nhờ có phát minh ra máy móc cơ khí đã tạo nên cách mạng công nghiệp, tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất. Và dưới sự tương tác của CNTB đã làm cho sản xuất và lưu thông thêm phát triển mạnh mẽ hơn, làm cho thời đại TBCN khác hẳn và vượt trội hơn so với các thời đại trước đó. Đó là ưu việt không thể phủ nhận của CNTB đối với sự phát triển của đại công nghiệp mà C.Mác đã chỉ ra.
Công cụ lao động không ngừng được cải tiến, năng suất lao động không ngừng được tăng trưởng mạnh mẽ là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp, tất yếu lực lượng lao động, cơ cấu lao động cũng theo đó mà phân hóa rõ rệt; công nghiệp tách khỏi nông nghiệp.
Trong các công trình nghiên cứu của mình C.Mác đã phân tích và chỉ rõ, khi công nghiệp phát triển đòi hỏi nhiều diện tích đất nông nghiệp vốn trước đó rộng lớn thì nay đã bị thu hẹp phục vụ sản xuất công nghiệp, một bộ phận người nông dân mất ruộng đất bị buộc gia nhập đội ngũ giai cấp công nhân. Ngay trong ngành công nghiệp đã bước đầu xuất hiện công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ.
Sự ưu việt của CNTB đối với sự phát triển của cách mạng công nghiệp còn là ở chỗ, như C. Mác đã phân tích, do cách mạng công nghiệp mà “lao động ngày càng được phân công rộng rãi giữa công nhân với nhau, thành thử người công nhân trước đây một mình làm trọn cả một công việc thì nay chỉ làm một bộ phận công việc. Sự phân công lao động đó làm cho người ta có thể sản xuất nhanh chóng hơn, do đó cũng rẻ hơn, làm cho hoạt động của mỗi công nhân chỉ còn là một động tác rất đơn giản...
Một tác động to lớn của cách mạng công nghiệp đến đời sống xã hội, như C.Mác đã phân tích, đó là do áp dụng máy móc vào dây chuyền sản xuất mà các nhu cầu của xã hội không ngừng được thỏa mãn. Nếu ở giai đoạn trước đó là công trường thủ công, phương pháp sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, chủ yếu dựa vào tay nghề khéo léo của công nhân, phân công lao động ở trình độ hợp tác giản đơn, chuyên môn hóa hẹp với đặc điểm mỗi công nhân chỉ thích ứng với một chức năng bộ phận, nên chưa thể có hàng hóa đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của con người, thì nay, trong cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, với sự tham dự của cơ khí, máy móc được sử dụng phổ biến mà hàng hóa đã dồi dào hơn, lưu thông, buôn bán theo đó cũng gia tăng theo, đủ đáp ứng nhu cầu con người.
2. Sự khác biệt và tính chất hơn hẳn của C. Mác so với các nhà lý luận lúc bấy giờ là ở chỗ, cùng với Ph.Ăng-ghen, C.Mác không chỉ phân tích và dự báo tính vượt trội của cách mạng công nghiệp dựa trên máy móc và hệ thống máy móc so với công cụ thủ công, sức lực cơ bắp của người công nhân, mà còn chỉ rõ sự liên hệ máu thịt giữa cách mạng công nghiệp với CNTB, sự bất cập của phương thức sản xuất TBCN dựa trên chế độ tư hữu về TLSX với cuộc sống người công nhân do không có TLSX phải làm thuê cho nhà tư bản, trói buộc sự phát triển LLSX.
Do máy móc nằm trong tay giai cấp tư sản, nên trở thành công cụ hữu hiệu để giai cấp này tăng cường bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối giai cấp lao động thông qua việc kéo dài ngày lao động ra khỏi mọi giới hạn tự nhiên, bởi lẽ, việc sử dụng máy móc có hiệu quả đòi hỏi máy móc phải làm việc liên tục, nên đòi hỏi nhà tư bản luôn cần thiết phải kéo dài ngày lao động, mặt khác, khi áp dụng máy móc thì cường độ lao động chủ yếu tùy thuộc vào máy móc, kéo theo việc nhà tư bản tìm mọi cách để tăng cường độ lao động để bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối. Bằng cách đó, những máy móc đó đã trao toàn bộ công nghiệp vào tay các nhà tư bản lớn và hoàn toàn làm giảm giá trị số tài sản nhỏ bé không đáng kể thuộc về công nhân (công cụ, khung cửi,...) thành thử chẳng bao lâu, các nhà tư bản đã nắm hết thảy mọi cái vào tay mình, còn công nhân thì không còn gì nữa.
Thực vậy, cùng với việc khẳng định bản chất cố hữu của CNTB là bóc lột giá trị thặng dư C,Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ để có nhiều giá trị thặng dư nhà tư bản không có cách nào hiệu quả hơn là gia tăng năng suất lao động thông qua việc phát triển LLSX, mà cụ thể ở đây là cải tiến công cụ lao động. Công cụ lao động - yếu tố cấu thành của LLSX - được CNTB đầu tư mạnh nên liên tục được cải tiến, gia tăng nhanh chóng cả về số lượng, qui mô và chất lượng để bóc lột được nhiều hơn, và vì vậy số lượng giai cấp công nhân bị bần cùng hóa ngày càng nhiều hơn, dẫn đến kết cục là trong CNTB chỉ tồn tại hai giai cấp cơ bản có lợi ích đối lập nhau, đó là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã viết: “Trong tất cả các giai cấp đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của đại công nghiệp”2.
C.Mác cũng đã chỉ rõ, cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ nhất là một tiến bộ xã hội, gắn với sự ra đời CNTB, góp phần tạo ra lượng của cải vật chất to lớn: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”3. Nhưng cũng trong xã hội này, quan hệ giữa con người với con người chỉ là quan hệ dựa trên quan hệ tiền bạc lạnh lùng, mọi tầng lớp xã hội, kể cả trí thức, do không có TLSX, đều bị cỗ máy tư sản chuyển hóa trở thành công cụ để giai cấp tư sản bóc lột. Người trực tiếp làm ra của cải vật chất là giai cấp công nhân, nông dân lại không thuộc về họ mà chủ yếu thuộc về chủ tư bản. Đó là sự tha hóa lao động, bản chất CNTB.
Bản chất lao động của người công nhân trong CNTB, như C.Mác, Ph.Ăng-ghen phân tích ở chỗ họ là “giai cấp những người hoàn toàn không có của”4, hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi...
Vì chạy theo lợi nhuận thông qua việc bóc lột giá trị thặng dư dưới chế độ tư hữu về TLSX, mà sự phát triển cách mạng công nghiệp đã ngày càng làm gia tăng thêm số người vô sản, bởi như C.Mác đã chỉ rõ, người công nhân trở thành một vật phụ thuộc giản đơn của máy móc và đi kèm với đó là việc bóc lột giai cấp công nhân tàn bạo hơn, tinh vi hơn, và kéo theo đó là những biểu hiện mới là khủng hoảng thừa và nạn thất nghiệp. Thực vậy, do chạy theo gíá trị thặng dư mà CNTB không ngừng mở rộng qui mô sản xuất, mở rộng giao thương, buôn bán tiêu thụ sản phẩm, nhờ dễ dàng mở rộng sản xuất như vậy, nên chẳng bao lâu cạnh tranh tự do - hậu quả tất nhiên của nền đại công nghiệp đó - có tính chất đặc biệt gay gắt; đông đảo các nhà tư bản đổ xô vào công nghiệp, và chẳng bao lâu người ta sản xuất ra nhiều hơn là tiêu dùng. Kết quả là hàng hóa sản xuất ra không thể bán được, và đưa đến khủng hoảng thương nghiệp. Công xưởng phải đóng cửa, chủ xưởng bị phá sản và công nhân không có cơm ăn. Khắp nơi diễn ra cảnh nghèo đói khủng khiếp. Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có nữa, vì đó là “nạn dịch sản xuất thừa”5. Lúc đầu, chỉ là nửa thất nghiệp, thỉnh thoảng người công nhân mới có việc làm, sống lang thang, nay đây mai đó; cuối cùng dẫn đến tình cảnh bị sa thải, bị đẩy ra bên lề của xã hội. Tại Anh vốn là quốc gia đi đầu trong việc phát triển CNTB lúc bấy giờ và trên thực tế CNTB đã phát triển đến độ chín muồi thì cũng chính thời điểm này đã báo hiệu sự đi xuống về mặt xã hội của nó. Ông viết: “Tất cả mọi ngành sản xuất của nền công nghiệp rộng lớn nước Anh bị tê liệt đúng vào lúc chúng phát triển sôi động nhất. Khắp mọi nơi đều đình đốn, khắp nơi đều chỉ thấy những công nhân bị ném ra đường phố”6. Ngay cả khi CNTB phồn thịnh thì người công nhân vẫn bị các nhà công nghiệp bóc lột, còn khi CNTB bị khủng hoảng thì họ lại bị ném ra đường, bị bần cùng hóa. Vậy là, cuộc cách mạng công nghiệp gắn chặt với phương thức sản xuất TBCN cũng như hệ quả từ những thành tựu vượt trội do máy móc tạo ra nhưng những hạn chế về mặt xã hội bắt nguồn từ chế độ tư hữu TBCN, đó là tình trạng cạnh tranh tự do dẫn đến khủng hoảng thừa, tha hóa lao động.
Luận giải tính hai mặt của nền sản xuất TBCN dẫn đến bi kịch này, C.Mác đã chỉ rõ, đó là vì chạy theo lợi nhuận nên CNTB phát triển quá nhanh, quá mạnh, mở rộng quá nhiều thị trường, nhưng xã hội không “tiêu hóa” kịp, sản xuất bị thừa thãi, người lao động bị bần cùng, vì xã hội quá thừa văn minh, có quá nhiều tư liệu sinh hoạt, quá nhiều công nghiệp, quá nhiều thương nghiệp, kết cục là đã xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng rối loạn và đe dọa sự sống còn của sở hữu tư sản. Cuộc sống giai cấp công nhân ngày càng khổ cực trong khi cuộc sống của giới tư bản ngày càng xa hoa. Vấn đề là ở chỗ ngay cả khi CNTB tìm mọi biện pháp khắc phục những hạn chế này cũng không thể được, vì đó là bản chất cố hữu của nó.
3. Để giải phóng sức sản xuất, mở đường cho cách mạng công nghiệp phát triển, vấn đề là phải xóa bỏ bất công trong xã hội. Nhưng chỉ có thể giải phóng sức sản xuất, xóa bất công, khi và chỉ khi, xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tức xóa bỏ chế độ TBCN. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản C.Mác đã chỉ rõ, CNTB có tính chất quốc tế, sự áp bức bóc lột của CNTB cũng là có tính quốc tế nên việc giải phóng sản xuất, giải phóng con người chỉ có thể thực hiện được khi giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp bị áp bức trên cơ sở xác lập chế độ công hữu về TLSX, bởi vì chế độ công hữu về TLSX mới đích thực là quan hệ đủ sức dung nạp LLSX ngày càng phát triển mà cốt lõi của nó là sự gia tăng không ngừng nghỉ của cách mạng công nghiệp trên cơ sở không ngừng đổi mới, cải tiến máy móc, công cụ sản suất. Điều này cũng có nghĩa là, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tất yếu bị diệt vong, CNTB tất yếu bị thay thế bằng CNCS mà giai đoạn thấp là CNXH. Sự phát triển không ngừng nghỉ của máy móc trong nền đại công nghiệp trong lòng CNTB sẽ là sự chuẩn bị về “cơ sở vật chất” ngày càng hoàn bị cho sự ra đời XHCN - mà sự ra đời này là khách quan, tất yếu, nằm ngoài sự mong muốn của CNTB.
Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng rõ hơn. Đảng ta đã đánh giá đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của khoa học công nghệ, của việc đổi mới trong sản xuất, của phương thức tổ chức, quản lý TBCN trong phát triển LLSX nên chủ động tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm thành tựu loài người đã đạt được trong CNTB, đặc biệt về khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách an sinh xã hội lao động - việc làm - thu nhập, giải quyết thất nghiệp, giảm nghèo bền vững.
Qua thực tiễn đổi mới, Đảng ta đã xác định để từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh vấn đề là nhận thức sâu sắc và triển khai hiệu quả trên thực tế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế. Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng trong từng bước phát triển. CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường. Thực hiện thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng chuyển sang chiều sâu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đi liền với việc tạo môi trường rộng mở để người lao động tâm huyết, sáng tạo, phát huy hết tiềm năng thế mạnh thông qua các chính sách đột phá về phát hiện, bồi dưỡng, tuyển chọn, đào tạo, bố trí và đãi ngộ về lợi ích vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức.
Nguyễn Trần Thành
Tiến sĩ, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chú thích:
1. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập: Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002, t.4, tr.457.
2. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập: Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002,t.4, tr.610.
3. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập: Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002,t.4, tr.603.
4. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập: Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002, t.4, tr.458.
5. C. Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002, t.4, tr 604.
6. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, toàn tập, Cuộc khủng hoảng thương nghiệp ở Anh - Phong trào Hiến Chương - AiRơ len, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, HN. 2002, t.4, tr.404.