Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và khoa học - công nghệ nói riêng. Điều này đặt ra không ít yêu cầu đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ nước ta trong quá trình hội nhập.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam - Nguồn: tiasang.com.vn
Về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thế giới hiện đang đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) làm thay đổi căn bản cách thức con người sống, làm việc và quan hệ hợp tác cùng nhau. Quy mô, phạm vi ảnh hưởng, độ phức tạp và sự chuyển dịch của xã hội từ cuộc cách mạng này rất to lớn, tạo ra cho mỗi quốc gia cơ hội và thách thức mang tính tích hợp, toàn diện, khác hẳn so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất từ năm 1784 (sử dụng máy hơi nước trong quá trình sản xuất); cách mạng công nghiệp lần thứ hai từ năm 1870 (sử dụng điện năng phục vụ sản xuất hàng loạt); cách mạng công nghiệp lần thứ ba từ năm 1969 (liên quan tới công nghệ điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin phục vụ việc tự động hóa quá trình sản xuất).
Có nhiều cách tiếp cận về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên có thể hiểu khái quát cách mạng công nghiệp 4.0 là sự chuyển dịch từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dựa trên cuộc cách mạng số diễn ra từ cuối thế kỷ XX. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất của những công nghệ, tạo sự liên kết giữa không gian vật lý, số và sinh học; là khả năng hàng tỷ người kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động với năng lực tính toán, khả năng lưu trữ dữ liệu cực lớn và việc truy cập không giới hạn với tri thức nhân loại.
Các công nghệ nền tảng, cốt lõi của cuộc cách mạng cách mạng công nghiệp 4.0 là rô-bốt tự hành (được dùng trong việc tự động hóa sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau và dựa trên tính kết nối với máy tính; thông qua máy chủ trung tâm, các robot có thể được điều phối một cách thông minh và tự động hóa công việc), dữ liệu lớn (dữ liệu lớn và các giải thuật phân tích chúng để quản lý thông tin), thực tại tăng cường, công nghệ in 3D (là công nghệ cho phép con người tích hợp và tương tác với các hệ thống một cách hiệu quả thông qua thông tin thời gian thực, cho phép cải tiến thiết kế, tăng hiệu quả, độ linh hoạt và giá thành), điện toán đám mây (là công nghệ nền tảng hỗ trợ các loại dịch vụ từ xa, đánh giá hiệu năng và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác), an ninh không gian mạng (là yêu cầu tối quan trọng khi con người chuyển từ các hệ thống đơn lẻ sang các hệ thống dựa trên công nghệ kết nối), in-tơ-nét vạn vật (là hệ thống các thiết bị tính toán, máy cơ khí và số hóa, đối tượng và con người có quan hệ liên kết với nhau, có năng lực truyền tải dữ liệu trên mạng mà không cần tương tác với con người).
Ở quy mô toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những ảnh hưởng căn bản lên từng quốc gia. Mức độ tác động sẽ tùy thuộc vào năng lực thích nghi của mỗi quốc gia đối với làn sóng công nghệ do cuộc cách mạng này mang lại. Hiệu quả của cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng to lớn trong việc tăng năng suất, hiệu quả lao động do những đột phá trong các công nghệ mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, in-tơ-nét vạn vật, xe tự hành, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật lưu trữ/bảo tồn năng lượng, công nghệ tính toán lượng tử,…
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cơ hội to lớn, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất, sự phân cực lực lượng lao động ngày càng lớn với sự dịch chuyển lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng và trình độ nhân lực. Hệ quả là thu hẹp dần các công việc có kỹ năng thấp hoặc trung bình, thay thế bởi quá trình tự động hóa, làm dư thừa lao động. Thứ hai, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn giữa thiểu số ở tốp trên so với phần lớn lực lượng lao động còn lại. Phần lớn lợi ích sẽ thuộc về nhóm thiểu số ở tốp trên. Xu thế này đặt những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam trước những rủi ro lớn. Thứ ba, tính kết nối vạn vật, mọi lúc, mọi nơi do cách mạng công nghiệp 4.0 đưa lại, một mặt tạo lợi thế trong thông tin, lưu thông,… nhưng cũng tăng rủi ro bởi hoạt động khó kiểm soát trên không gian mạng.
Hiện trạng năng lực khoa học - công nghệ của Việt Nam so với thế giới
Một nghiên cứu toàn diện của Hiệp hội công nghiệp kỹ nghệ cơ khí Đức đã đưa ra mô hình đánh giá năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm 3 yếu tố là (1) chất lượng, trình độ nguồn nhân lực ở cả cấp lãnh đạo và người lao động, khả năng hấp thụ công nghệ, trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm,…; (2) cơ sở vật chất, trình độ công nghệ, công cụ sản xuất và sản phẩm thông minh; (3) quy trình và phương thức sản xuất. Cách mạng công nghiệp 4.0 xây dựng quy trình sản xuất một cách thông minh, độ linh hoạt cao dựa trên các quy trình tự hành, khả năng chia sẻ dữ liệu và độ tin cậy cao thông qua cơ chế bảo mật an ninh mạng,…
Dựa trên bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 nói trên, theo đánh giá của Công ty kiểm toán Grant Thornton năm 2017 các nước Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Bắc Âu và Anh đang tăng tốc chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0. Vào năm 2020, Hoa Kỳ sẽ tăng tỷ lệ số hóa tới 74%. Hoa Kỳ đã thực hiện một số chương trình quan trọng như Mạng lưới quốc gia về sáng tạo trong sản xuất. Mạng lưới này bao gồm các khu vực tăng cường hoạt động phát triển và ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất để tạo ra các sản phẩm mới, khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chiến dịch Khởi nghiệp do Chính phủ khởi động nhằm cổ động cho tinh thần doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh đột phá.
Chính phủ Đức ưu tiên chiến lược số hóa tới năm 2025 để hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất của mình, thông qua hoạt động nghiên cứu và sáng tạo. Để giải quyết các thách thức của cách mạng công nghiệp, chính phủ Đức hỗ trợ giáo dục đào tạo và nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức được lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ Trung Quốc thực hiện chương trình “Made in China 2025” và cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu là tăng hàm lượng do Trung Quốc phát triển trong các thiết bị thành phần và vật liệu lõi tới tỉ lệ 40% (năm 2020) và 70% (năm 2025), tăng năng suất lao động của quốc gia này khoảng 25-30%. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tăng phần đóng góp của khu vực sản xuất trong GDP lên 25% vào năm 2025 từ 16% hiện nay.
Theo đánh giá của Công ty kiểm toán Grant Thornton, thời gian qua, Việt Nam nhanh chóng trở thành lựa chọn cho việc thiết lập cơ sở của nhiều doanh nghiệp khi họ muốn mở rộng sản xuất ở nước ngoài, với ưu thế về lực lượng lao động rẻ, khoảng cách gần với các chuỗi cung ứng đặt tại châu Á. Tuy nhiên, trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ ở Việt Nam về cơ bản vẫn thấp, chưa theo kịp một số nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp. Dù Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử nhưng chất lượng và số lượng vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ về chính sách và cải cách cho phép tiếp nhận những công nghệ và nguồn vốn đầu tư mới.
Trong bối cảnh hiện trạng năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của quốc gia như vậy, việc nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu bức thiết.
Yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển khoa học - công nghệ quốc gia Việt Nam
Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược phát triển khoa học - công nghệ phù hợp với xu thế trên thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong cuộc cách mạng này, nhiệm vụ của lĩnh vực khoa học - công nghệ là tăng cường trình độ và chất lượng nguồn nhân, vật lực. Tập trung phát triển một số công nghệ lõi cần đầu tư ưu tiên là trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, in-tơ-nét vạn vật, xe hơi tự hành, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng tái tạo và các kỹ thuật lưu trữ/bảo tồn năng lượng, và đặc biệt là các công nghệ tính toán quan trọng của kỷ nguyên số, dữ liệu lớn, mạng xã hội, tính toán di động, điện toán đám mây, an ninh mạng,… Đẩy mạnh công tác bảo mật, bảo hộ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng.
Để phát triển khoa học - công nghệ quốc gia một cách bền vững, Việt Nam phải xây dựng được một thị trường khoa học - công nghệ một cách đầy đủ và có chất lượng, khuyến khích năng lực đổi mới, sáng tạo của mọi cá nhân, tổ chức. Nhà nước xây dựng chính sách, giám sát và bảo hộ những tài sản tri thức của họ khi trở thành hàng hóa giao dịch trong thị trường, đảm bảo chất lượng và định giá các loại tài sản tri thức này. Thị trường này cần được thúc đẩy ở cả phía cung và cầu hàng hóa. Như vậy, bài toán ở đây đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong hoạt động sáng tạo của mình với các doanh nghiệp trong nước. Các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ phải có giá trị thương mại, phục vụ đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài 2 lực lượng thị trường ở trên, cơ quan quản lý nhà nước về thị trường khoa học - công nghệ sẽ có trách nhiệm điều tiết, giám sát hoạt động thị trường, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, hiệu quả hoạt động của thị trường, …
Để sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Một là, nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở cấp độ chiến lược quản lý và cấp độ vận hành các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh việc sản xuất, cung cấp ra thị trường những sản phẩm sáng tạo dựa trên cơ sở vật chất hiện đại. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần có lộ trình, lựa chọn ưu tiên cho vài lĩnh vực đầu tư để chuyển đổi căn bản từ dây chuyền lạc hậu lên phiên bản hiện đại. Các doanh nghiệp phải ưu tiên tính hiệu quả trong đầu tư vào những dây chuyền công nghệ mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải. Sản phẩm thông minh về cơ bản có được nhờ vào chất lượng nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật và nghiên cứu thị trường.
Ba là, đổi mới mô hình kinh doanh và phương thức sản xuất, yếu tố đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho mô hình kinh doanh mới. Yếu tố quyết định ở đây vẫn là con người, cụ thể hơn là năng lực đổi mới sáng tạo.
Bốn là, đặc biệt chú trong vấn đề an ninh mạng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề bảo mật trở nên quan trọng hơn gấp nhiều lần, tránh các yếu tố gây rủi ro từ công nghệ thông tin gây hại trong quá trình sản xuất, và bảo vệ bí quyết công nghệ. Chu trình sáng tạo và bảo vệ không ngừng được tạo ra một cách linh hoạt theo xu hướng của thị trường và phản ứng của đối thủ cạnh tranh.
Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ. Khi cơ cấu của các ngành công nghiệp thay đổi với hàng loạt công nghệ, quy trình và phương pháp quản lý mới, giá trị thặng dư mang đến cho doanh nghiệp sẽ tạo ra bởi nguồn lực tri thức cao. Nguồn lực tri thức sẽ trở thành giá trị cốt lõi của nền sản xuất chứ không phải là nguồn vốn. Các doanh nghiệp tự xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, hoặc tìm đến các nhà nghiên cứu để đặt hàng các sản phẩm có chất lượng và hàm lượng khoa học cao, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, nhà khoa học cởi mở hơn và thử sức với thị trường.
Sáu là, tích cực thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tới năm 2025”. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 16-5-2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tất cả các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, trong đó xác định xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Ccách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển./.
TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tạp chí Cộng sản