Bác Hồ và Bác Tôn: Hình ảnh cao đẹp của tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà, biểu tượng thiêng liêng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam

(Mặt trận) - Bác Hồ và Bác Tôn là hình ảnh thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam; là biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tình cảm đặc biệt đã gắn bó hai con người, hai vị lãnh tụ thành tình đồng chí, tình bạn vĩ đại và cảm động. Hướng về tháng Tám mùa thu lịch sử, chúng ta càng trân trọng và biết ơn nhân cách vĩ đại của hai vị lãnh tụ của dân tộc.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt yêu nước, thương nòi trên khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài đã từ lâu luôn in đậm hình ảnh Bác Hồ và Bác Tôn tươi cười nắm tay nhau, khi Bác Hồ chúc mừng Bác Tôn được Quốc hội nhất trí bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức ảnh chụp hôm ấy là ngày 15/7/1960 tại hội trường Quốc hội. Bác Hồ và Bác Tôn đều mặc bộ quần áo đại cán màu trắng, vải ka - ki kiểu Tôn Trung Sơn. Hình ảnh hai Bác nổi bật trên nền cảnh phía sau là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội đều hân hoan vỗ tay, reo vui chúc mừng. Tại giây phút thiêng liêng, xúc động đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay mặt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước siết chặt tay Bác Tôn và nói lời chúc mừng, trong đó có câu: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu Cụ làm Phó Chủ tịch nước, tức là đồng bào miền Nam đều bầu Cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng nước ta nhất định thống nhất”.

Kể từ đó bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giới thiệu rộng rãi với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Bức ảnh thiêng liêng có Bác Hồ, người con của quê hương Nghệ An, đại diện cho 17 triệu đồng bào miền Bắc và Bác Tôn, người con của quê hương Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, đại diện cho 14 triệu đồng bào miền Nam ruột thịt đã trở thành hình ảnh cao đẹp của tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà, biểu tượng thiêng liêng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Tháng 4/1919, mặc dù chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) đã kết thúc, Chính phủ Pháp vẫn điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm tiến vào biển Hắc Hải để tấn công nước Nga Xôviết non trẻ. Ngày 20/4/1919, Tôn Đức Thắng - người thợ máy Việt Nam duy nhất trên chiến hạm Pháp lúc đó đã dũng cảm kéo lá cờ đỏ trên cột cờ của chiến hạm, biểu thị sự đoàn kết với Cách mạng Tháng Mười Nga mà anh đã từng nghe, biết và có cảm tình từ lâu. Sau khi bị chính quyền Pháp trục xuất về nước, năm 1920 Tôn Đức Thắng về Sài Gòn thành lập Công hội bí mật. Tháng 8/1925 Tôn Đức Thắng lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son. Năm 1926, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên  đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng và được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam Kỳ (năm 1927). Cuối năm 1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt trong vụ án Barbier, bị kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Đầu tháng 9/1945, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời Nam Bộ cử một phái đoàn đưa tàu ra đón Bác Tôn, cùng 1.500 người tù khác bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo trở về đất liền. Ngay trong ngày “Nam Bộ kháng chiến” 23/9/1945, Bác Tôn được bổ sung vào Xứ uỷ và phân công phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cuối tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định điều động Bác Tôn ra Thủ đô Hà Nội, đảm nhiệm các trọng trách mới của Đảng và Nhà nước. Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, hàng triệu công dân nước Việt Nam độc lập từ 18 tuổi đều được tự tay mình cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I. Khi đó cả nước có 403 đại biểu (Bắc Bộ 152, Trung Bộ 108, Nam Bộ 73, còn 70 đại biểu không qua bầu cử) với 87% là công nhân, nông dân, 10 đại biểu là phụ nữ. Thật vinh dự, người chiến sỹ cộng sản Tôn Đức Thắng mới ở nhà tù đế quốc trở về đã được cử tri Sài Gòn - Chợ Lớn đại diện nhân dân Nam Bộ bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I, họp ở Hà Nội năm 1955, Bác Tôn được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Do điều kiện chiến tranh, nước nhà bị chia cắt, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại việc “Tổng tuyển cử hợp thương toàn quốc” (dự định vào năm 1956)  nên nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946 - 1960), trong 12 kỳ họp, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật quan trọng khác, đặt nền móng chính trị, pháp lý, nhất là trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại, đấu tranh thống nhất nước nhà, trong đó có sự đóng góp to lớn của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng.

Độc giả trong và ngoài nước, nhất là những người làm công tác Mặt trận chắc hẳn không quên, ngay sau ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên chưa lâu, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước trong nhân dân cùng với Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập với “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn làm Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Tháng 1/1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), Bác Tôn tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh với Hội Liên Việt đề ra mục đích: “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình lâu dài”. Đại hội thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Bác Hồ được suy tôn làm Chủ tịch danh dự. Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955, Bác Tôn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là 21 năm Bác Tôn liên tục được Trung ương Đảng tin tưởng, các tầng lớp nhân dân yêu kính, các ủy viên Trung ương Mặt trận đồng lòng suy tôn làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 9/1955 đến 2/1977) và Chủ tịch danh dự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tháng 2/1977 cho đến ngày qua đời (30/3/1980). Cũng trong thời gian đó, Bác còn đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch danh dự Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Hòa bình thế giới,... 

Trong những năm nước nhà bị chia cắt, đồng bào miền Bắc phải chiến đấu, lao động, sản xuất dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, hạt gạo chia đôi, cọng rau xẻ nửa, chi viện cao nhất sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Đồng bào miền Nam phải chịu bao đau thương dưới ách kìm kẹp dã man, tàn bạo của chế độ Mỹ - Diệm độc tài khát máu, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn càng trở nên thiêng liêng, cháy bỏng cho khát vọng hòa bình, thống nhất, của tình đoàn kết Nam Bắc một nhà, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Biết bao cán bộ miền Nam tập kết, biết bao nam, nữ thanh niên miền Bắc xung phong lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu đã nâng niu, gìn giữ tấm hình Bác Hồ - Bác Tôn trong sổ tay, trong ba lô, quân tư trang cá nhân như một kỷ vật vô cùng quý giá, thiêng liêng. Biết bao chiến sỹ quân giải phóng miền Nam, những chiến sỹ biệt động thành, dân quân du kích, nhân dân trong vùng tạm chiếm nâng niu, gìn giữ hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trong tâm khảm, trong con tim, khối óc như nguồn cổ vũ, sức mạnh tinh thần vô giá chiến đấu chống lại những vũ khí tối tân và sự dã man, tàn bạo của kẻ thù xâm lược.

Ngày nay, khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, đồng bào Nam - Bắc đã sum họp một nhà, nước ta đang thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển cùng thế giới, hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn vẫn là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Hầu như ở tất cả các trụ sở cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang hay các đồn biên phòng vùng cao biên giới và các hải đảo xa xôi cũng như trong nhiều gia đình, tấm hình Bác Hồ - Bác Tôn đều được đặt, treo ở nơi trang trọng nhất. Trong những chuyến công tác ở các nước trên thế giới, khi đến thăm các trụ sở của Hội Kiều bào, công quán của Hội Người Việt Nam, hay Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước sở tại, lần nào tôi cũng bồi hồi, xúc động đứng lặng, kính cẩn chiêm ngưỡng hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn… Ở nơi xa Tổ quốc mà thấy lòng như ấm lại, thật gần gũi, thân thương, giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt.

Cũng vì hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao quý của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các chuyến đi công tác, về thăm địa phương, cơ sở, thăm các đơn vị lực lượng vũ trang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thường mang theo tấm ảnh Bác Hồ - Bác Tôn làm quà tặng cho tập thể hay phần thưởng cho cá nhân có thành tích… Cống hiến của Bác Tôn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ là vô cùng to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”1. Mỗi chúng ta càng không thể nào quên: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Bác Tôn đã có 34 năm lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ, trong đó có 5 năm làm Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (4/1946 - 3/1951), 4 năm làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (3/1951 - 9/1955),  22 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9/1955 - 2/1977), 3 năm làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2/1977 - 3/1980),… Để ghi nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ và Bác Tôn, ngày nay hầu như ở tất cả các trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có khung ảnh Bác Hồ - Bác Tôn, biểu tượng cao đẹp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên sức mạnh, giúp chúng ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách trong thời kỳ Đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam đang trên đường tiến lên giàu mạnh, hùng cường, dân chủ, văn minh, tiến bộ, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguyễn Tuấn Anh

Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam