Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

(Mặt trận) - Ngày 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày dự thảo Báo cáo tại phiên họp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Quang cảnh phiên họp

Trình bày dự thảo Báo cáo tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được 60/63 báo cáo phản ánh kiến nghị của cử tri và Nhân dân; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến kiến nghị của các vị Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với 1268 lượt ý kiến. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục cập nhật thêm các ý kiến từ Ban Dân nguyện chuyển đến để gửi đến Kỳ họp thứ 7.

Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung vào một số nội dung: Phục hồi phát triển kinh tế xã hội; Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ; Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; Công tác đối ngoại; Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Lĩnh vực nội vụ; Lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; Về an toàn thực phẩm; Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Bên cạnh đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng gửi các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đến Kỳ họp thứ 7.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ quan điểm đồng tình cao với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong đó có kiến nghị phát triển thêm mạng lưới các trường công lập, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là nguyện vọng rất chính đáng.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, hiện nay theo Luật quy hoạch chúng ta chỉ có mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Còn mạng lưới các trường phổ thông và mầm non thì tích hợp vào các quy hoạch của địa phương, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên tổ chức rà soát lại mạng lưới các trường phổ thông và mầm non, trong đó phân tích các cơ cấu các trường công lập.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện có nhiều ý kiến, có nơi phản ánh điểm trường phân tán nhiều quá dẫn đến chất lượng ở các điểm trường không thể được như các trường tập trung. Vì vậy cần cân đối việc này giữa điều kiện tiếp cận để cho học sinh được đến trường, chỗ nào tổ chức được thì nên sắp xếp lại các điểm học tập trung hơn. Như vậy thuận lợi hơn cho đầu tư cơ sở vật chất và bố trí giáo viên.

“Tôi thống nhất rất cao với ý kiến của MTTQ Việt Nam. Chúng ta nên sắp xếp lại cho hợp lý sau khi rà soát, và phát triển thêm ở các nơi còn thiếu. Điều quan trọng nhất là chúng ta bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, cũng như công bằng trong hưởng thụ chất lượng giáo dục”, ông Vinh nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp 

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng đánh giá cao báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Đặc biệt theo ông Lê Tấn Tới, đề xuất của Mặt trận rất sát với thực tế, nhất là đề xuất Chính phủ và các bộ ngành giải quyết đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở một số vùng khó khăn như miền núi vùng Tây Nam Bộ.

Theo ông Lê Tấn Tới, nước là dạng thiết yếu, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ngay vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, xảy ra từ lâu trong các năm. Giải pháp trước mắt là Quân đội mang nước cho dân, còn giải pháp căn cơ là chưa có, năm nào cũng phản ánh và đề xuất. Ở cao nguyên đá tại Hà Giang không có nước. Có giáo sư về hưu lên đó công tác rất trăn trở về vấn đề này, và cùng chính quyền địa phương về nghiên cứu làm các hồ nhỏ trên triền núi. Đến bây giờ Hà Giang đã đảm bảo cả nước sinh hoạt và nước sản xuất cho người dân ở trên triền núi.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà còn thiếu nước sản xuất. Hàng năm, lượng mưa chỉ đủ nước cho sinh hoạt nếu người dân làm 2 vụ lúa, hiện nay là 4 vụ lúa/năm thì không đủ nước. Vì vậy Chính phủ các bộ, ngành, nhà khoa học cần nghiên cứu có giải pháp tích nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 20 ngàn km2 chừa ra bao nhiêu km2 để tích nước. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm và rất hiệu quả đó là cống Cái Bé, Cái Lớn ở trên sông Rạch Giá, Kiên Giang thì đã làm, đạt hiệu quả cao, bây giờ cần phát huy hiệu quả này. Và phải ngăn chặn ngay tình trạng khai thác nước ngầm làm sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long.

“Phải giải quyết đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Như sầu Riêng ở Tiền Giang, Bến Tre đang chuẩn bị thu hoạch mà không có nước, phải mua nước với giá cao để duy trì sản xuất, rất đau xót”, ông Tới nói.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của UBTƯ MTTQ Việt Nam với 27 trang, 105 trang đã tập hợp phản ánh tình hình kiến nghị của cử tri. Báo cáo lần này được xây dựng rất công phu, tâm huyết, tập hợp được nhiều số liệu, tư liệu, phản ánh 11 lĩnh vực, và 1 Mục về các vấn đề khác có 7 nội dung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý cách thể hiện của Báo cáo, nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều như việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể như: giá các mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ; giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm tăng cao; giá vé phương tiện giao thông cao, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của khách du lịch; vấn đề an toàn lao động; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; tình hình giông lốc gây thiệt hại cho nhân dân ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình...; các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn diễn ra; vấn đề an toàn thực phẩm khi mùa hè sắp đến Nhân dân cũng rất lo lắng.

Về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, người dân quan tâm nhiều đến chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, giá thuốc, dịch vụ khám bệnh. Do đó, Báo cáo nên viết gọn hơn. Cùng với đó là tình trạng thông tin nhiễu loạn, xấu độc, chống phá trên không gian mạng; tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội tiếp tục diễn ra khá phổ biến và đã kéo dài từ nhiều năm, cần có nhiều cái giải pháp để ngăn chặn. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng gợi mở, Báo cáo có thể viết theo hướng nêu khoảng 5 vấn đề trọng tâm Nhân dân quan tâm nhiều, logic với phần kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; còn lại gom vào một mục về những vấn đề khác gồm lĩnh vực nội vụ, an toàn thực phẩm, đất đai, bất động sản...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần quan tâm, điều chỉnh Báo cáo tóm tắt trên nền Báo cáo đầy đủ, bảo đảm gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Mặt trận đã tương đối toàn diện, sát đáng, có số liệu rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ. Việc tổng hợp thành các nhóm kiến nghị của cử tri là hợp lý. Đồng tình với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, theo ông Phương, các kiến nghị đã bám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở cơ sở.

Nhấn mạnh từ nay đến khi khai mạc Kỳ họp thứ 7 thời gian còn ngắn, ông Phương đề nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam trên cơ sở góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng với các cơ quan để tổng hợp đầy đủ các ý kiến của cử tri và Nhân dân để gửi đến kỳ họp.