Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X

(Mặt trận) - Sáng ngày 24/3, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo đề án Trung ương 6 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu tại cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Bí thư Đảng ủy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài cùng thành viên đoàn công tác và lãnh đạo Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cụ thể hóa nội dung vào các Nghị quyết, Quy chế và chương trình hành động

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu rõ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo, tổ chức quán triệt và triển khai đến Ủy viên Ủy ban, các tổ chức thành viên, cán bộ, đảng viên trong hệ thống; cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết vào Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam qua các nhiệm kỳ và chương trình, kế hoạch công tác toàn khóa và hằng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phối hợp với Đảng ủy cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên cơ quan; cụ thể hóa Nghị quyết vào các Quy chế nội bộ; ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Trong lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, MTTQ Việt Nam đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng hoạt động về cơ sở. Việc đổi mới việc nắm bắt, phản ánh tình hình Nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân với tinh thần "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin".

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam đã đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Bí thư Đảng ủy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc

“Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với dịch Covid-19, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo hệ thống mặt trận các cấp tập trung nguồn lực kề vai, sát cánh cùng chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng cho biết, công tác giám sát được đổi mới theo hướng mỗi năm sẽ lựa chọn một số chuyên đề, triển khai trong toàn hệ thống mặt trận. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; công tác tổ chức, cán bộ; và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo Quy định số 124-QĐ/TW, Quy định số 205-QĐ/TW…

UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng phối hợp với các tổ chức thành viên, chuyên gia trên các lĩnh vực đã tổ chức phản biện đối với nhiều dự án luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm. Hoạt động phản biện xã hội đã góp phần tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Đối với công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan chuyên trách, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, MTTQ Việt Nam đã ban hành đầy đủ các thể chế nội bộ; chỉ đạo kiện toàn số lượng cán bộ chuyên trách, chuẩn hóa về trình độ, nâng cao chất lượng hiệu quả, kỹ năng công tác. Kết quả đến năm 2021, Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện giảm 10% biên chế.

 Quang cảnh cuộc làm việc

Từ thực tế triển khai Nghị quyết, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Chính trị nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với đoạt động của hệ thống chính trị sao cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới; tạo điều kiện để Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Bộ Chính trị ban hành quy định, quy chế về mối quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam; đề nghị Ban Bí thư ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam với các Đảng đoàn của các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới và xem xét giao số lượng biên chế cho cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam theo Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam quy định.

Phát huy thế mạnh và tính chủ động trong triển khai nhiệm vụ

Ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để làm rõ hơn vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân; đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hiệu quả của những kiến nghị sau giám sát; … để Mặt trận thực sự là cấu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án trao đổi với đại biểu tham dự cuộc làm việc 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả mà Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X); đồng thời khẳng định, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp các vấn đề thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các địa phương trong cả nước để xây dựng, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị trên cơ sở tổng kết thực tiễn và những bài học rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, trong thời gian tới, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Mặt trận cần chủ động phát huy thế mạnh của mình trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, là cầu nối giữa đảng với các tầng lớp nhân dân.

"Để giám sát phản biện thành công đòi hỏi người cán bộ Mặt trận phải có năng lực, có bản lĩnh để nói và bảo vệ chính kiến của mình và xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận cần thực chất, có trọng tâm trọng điểm gắn bó trực tiếp tới quyền và lợi ích của nhân dân. Mặt trận phải phát huy thế mạnh, tính chủ động và không dàn trải trong triển khai nhiệm vụ.", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gợi mở.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu tại cuộc làm việc 

Cùng với đó, Mặt trận cần phát huy hơn nữa vai trò của các hội đồng tư vấn, tiếp tục có sự điều chỉnh để giúp cho các hoạt động giám sát, phản biện đạt hiệu quả tốt hơn; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng. Bởi đây là một cơ chế rất tốt của Mặt trận để các thành viên các hội đồng tư vấn hoạt động mạnh mẽ hơn và có những “sản phẩm” công việc cụ thể hơn; tận dụng tối đa lợi thế để tăng sức mạnh nội bộ.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, MTTQ phải tạo được sức mạnh cho mình bằng những kết quả thực chất bởi Đảng rất tin Mặt trận, nhân dân tin tưởng Mặt trận, đây là tiền đề để Mặt trận tăng cường sức mạnh, vai trò nòng cốt chính trị và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân.

Tiếp thu những ý kiến gợi mở của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu và hoàn thiện nội dung báo cáo theo đúng thời gian quy định đồng thời sẽ đề cao trách nhiệm, bản lĩnh, bền bỉ để hoàn thành sứ mệnh của MTTQ Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc: