Trúng điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ sẽ rà soát để xử lý tồn tại

(Mặt trận) - Sáng 11/11, đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải đáp những băn khoăn của ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) xung quanh việc nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm rất cao nhưng vẫn trượt đại học cùng những vấn đề liên quan đến việc dạy và học trực tuyến trong thời gian gần đây.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ), việc dạy và học trực tuyến trong tình hình hiện nay là hết sức phù hợp, tuy nhiên chương trình gây áp lực cho cả cô và trò, hoặc dẫn đến tình trạng giáo viên sẽ ưu tiên nội dung đơn giản, học sinh sẽ bị lệch kiến thức. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ có kế hoạch gì để điều chỉnh chương trình học trực tuyến phù hợp với từng bậc học, để bảo đảm học sinh quay lại trường không bị "lệch", không bị "hổng" kiến thức?

Câu hỏi thứ hai là những năm gần đây tình trạng nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm rất cao nhưng vẫn trượt đại học. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có tình trạng như vậy là do cơ chế các trường đại học tự chủ xây dựng chỉ tiêu và xác định phương thức tuyển sinh. Theo Bộ trưởng, dư luận có ý kiến như vậy đúng hay không và nếu đúng thì Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên trả lời chất vấn

Về chương trình giáo dục phổ thông năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã ban hành văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Về tinh giảm chương trình, các năm 2019, 2020, Bộ đã có hai lần tinh giảm chương trình để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh. Năm học 2021-2022 này, chúng tôi một lần nữa rà soát, lần này chương trình được xác định là chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là chương trình rút gọn qua mỗi năm.

Điểm khác biệt là chương trình xác định những yêu cầu, những nội dung mang tính cốt lõi. Đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu như vẫn tiếp tục an toàn thì quay lại cùng cố và mở rộng. Đối với những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, khi được quay trở lại nhà trường thì cũng lại cố và mở rộng thêm.

Như vậy, chương trình cốt lõi là giải pháp về chuyên môn để ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, các vùng miền. Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp bên ngoài để vào dạy trực tuyến.

Về vấn đề học sinh tốt nghiệp trung học điểm cao nhưng vẫn trượt đại học có phải là do việc xây dựng chỉ tiêu xác định các cách xét tuyển của trường đại học hay không, theo Bộ trưởng, có thực trạng đó là do nhiều nguyên nhân. Năm vừa qua, vẫn có hiện tượng một số các học sinh điểm cao mà vẫn không đạt được nguyện vọng vào đại học nào. Cụ thể, có 165 học sinh phổ thông có số điểm cao từ 27 điểm trở lên, trong đó, một số báo nêu là đạt 30 điểm nhưng thực sự chỉ đạt điểm thi từ 27 điểm trở lên, cộng với điểm ưu tiên. Tuy nhiên, trong 165 em đạt điểm cao như vậy mà không đỗ nguyện vọng nào hầu hết vì chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng và vào chủ yếu các trường công an, quân đội. Cũng có một hiện tượng là các trường đặt ra quá nhiều cách xét truyển, mỗi cách xét tuyển như vậy dành cho các nhóm thì chỉ tiêu cũng có phần ít, cho nên gây ảnh hưởng đến việc xét trúng truyển của các thí sinh. 165 trường hợp học sinh không trúng tuyển đã nêu là có lý do, tuy nhiên cũng có một vài điểm cần điều chỉnh trong việc chỉ đạo các phương án xét tuyển của trường đại học trong năm tới.

Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định, nhưng các quyền đó phải nằm trong các quy định và chế tài cho phép. Chúng tôi sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Điều này vừa gây phức tạp cho xã hội, thí sinh rất khó theo dõi và rủi ro cho người đăng ký là có, Bộ sẽ lưu ý để xử lý tồn tại này, Bộ trưởng nói.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Trên 1,8 triệu học sinh hiện không có thiết bị gì trong tay để học tập

Nêu thực tế có 1,5 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị, phương tiện nào để học trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc học trực tuyến của 53,9% số học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ như thế nào? Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là học sinh tiểu học đầu cấp. Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến?

Cho rằng, dạy và học trực tuyến không phải là việc của riêng nước ta, mà cả thế giới đều phải làm, có những nước phải dạy trực tuyến toàn thời gian, Bộ trưởng cho biết, đối với nước ta, chúng ta đã có kinh nghiệm chuẩn bị trong đợt dịch trước, việc dạy trực tuyến đã có từ năm 2019 – 2020; với tư cách dạy bổ trợ, hình thức trực tuyến cũng đã có từ lâu. Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian dạy và học trực tuyến là chưa từng có kinh nghiệm và tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi có thách thức. Ở nước ta, ngành giáo dục, thày và trò chuyển sang học trực tuyến trong bối cảnh hết sức khó khăn, dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng công nghệ, nhưng vẫn còn những khó khăn.

Bộ trưởng nói: “theo thống kê, không phải 1,5 triệu học sinh không có trang thiết bị học tập mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại đã là tốt. Có gia đình 2 -3 anh, chị em mới có một điện thoại để học. Đây là việc bất đắc dĩ để ứng phó. Cho nên, ở nhiều nơi trước khi quan tâm đến chất lượng, thì mong rằng hãy quan tâm để số các cháu không có thiết bị trong tay, một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được - đó là vấn đề cấp bách hơn trước khi đánh giá xem các cháu học được gì. Một số nơi việc học là để duy trì cảm giác học tập, đón nhận tư duy trong học tập. Đây là thực tế. Nhưng có điều đáng mừng, là ở khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được học trực tiếp nhiều, những nơi khó khăn bậc nhất, địa hình chia cắt đang được học trực tiếp”.

Để đánh giá chất lượng, đối với việc thực thi, Bộ đã có theo dõi thường xuyên hàng ngày, xem diễn biến các đơn vị dạy đến đâu, giáo viên dạy như thế nào, tình hình tương tác ra sao, khó khăn như thế nào. "Chúng tôi đang hỗ trợ trang thiết bị máy tính, toàn ngành huy động hỗ trợ trên 140 nghìn máy tính. Trong tháng 11 trên 50 nghìn máy tính được chuyển đến các nơi và công việc này sẽ còn tiếp tục. Đánh giá mới chỉ trên sơ bộ, nhưng đánh giá đầy đủ thì chúng ta phải tiến hành điều tra, khảo sát. Nhưng chắc chắn học trực tuyến có thách thức và khó bảo đảm chất lượng, không thể như học trực tiếp.

Bộ trưởng nêu rõ: “chúng tôi cũng có công văn yêu cầu nhà trường bổ sung kiến thức khi học sinh quay trở lại trường; Tuy nhiên, khi học sinh trở lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá có gì trong đầu ngay, để các em làm quen lại môi trường, học cách phòng, chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái. Đừng nhồi nhét ngay, không quẳng ngay vào tay các em các loại phiếu khảo sát, đánh giá. Cân đo đong đếm xem mức độ đạt đến đâu là câu chuyện tiếp tục và mọi chuyện đang ở phía trước”

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng thẳng thắn, căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi nhà trường củng cố kiến thức, khi quay trở lại trường học trực tiếp sẽ không bỏ bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến nếu đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp bỏ hết, mà phải coi đó là công cụ hỗ trợ. Khi các em quay trở lại trường học thì giáo viên có trách nhiệm làm đánh giá em học sinh trong lớp mức độ đến đâu để phân ra các nhóm, tùy theo khả năng của từng em. Rõ ràng, khi quay trở lại học tập thì chất lượng trong một lớp không thể đồng đều như học trực tiếp trước kia nữa, có cháu thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt thì có thể tốt hơn, có em thiết bị phập phù, bố mẹ không sát sao bằng, nên có thể kém hơn. Cần triển khai hỗ trợ theo nhóm, thực hiện phương pháp dạy học theo hướng “cá thể hóa” là phù hợp cho các lớp có nhiều trình độ. Chúng ta cần giải pháp tổng thể về chuyên môn, tăng cường trang thiết bị, tư vấn tâm lý, hỗ trợ… Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý, sự hỗ trợ giáo viên cho các em có sự chênh lệch về kiến thức, kỹ năng sau thời gian dài học trực tuyến.