Thực trạng và giải pháp trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

(Mặt trận) - Ngày 20/12, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: “MTTQ Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”- Thực trạng và giải pháp”.

Thông báo thời gian kết thúc đợt vận động, tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Quang cảnh Hội nghị 

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có ghi: "Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Văn kiện lần này đã bổ sung thêm thêm nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây là một điểm mới thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: lấy dân làm gốc.

Bên cạnh đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sau hơn 30 năm vận động trong cuộc sống đã đem lại hiệu quả rất tích cực, góp phần thực hiện thành công các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, đời sống của người dân được nâng cao, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định. Khi mọi công việc, mọi vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống của xã hội mà người dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và thụ hưởng chắc chắn sẽ không có ai phản đối về quyền lợi chính đáng mà mình là người thực hiện và cũng chính mình là người được thụ hưởng. Đây không chỉ là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, tiến bộ, mà còn mang đậm tính nhân văn. Dù khái niệm “dân thụ hưởng” trong phương châm chưa có nhưng thực tế người dân đã được thụ hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần do họ đóng góp, xây dựng.

Tuy nhiên, thời gian qua, các công trình nghiên cứu, bài viết chủ yếu đề cấp đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có những nội dung công khai để nhân dân biết, dân nhân bàn, dân làm, dân kiểm tra hay đề cập đến hoạt động giám sát của Nhân dân ở cơ sở với góc độ là một trong những lĩnh vực cụ thể nhằm thực hiện dân chủ. Đến nay, chưa có một công trình, bài viết nào đề cập đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện phương châm dân thụ hưởng gắn liền với dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các nội dung nghiên cứu còn rải rác, chưa có tính hệ thống, chủ yếu dưới dạng các bài viết có nội dung mang tính gợi mở, định hướng về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên biệt, sâu và đầy đủ, toàn diện về mặt thực tiễn hướng đến việc thực hiện "dân thụ hưởng" của MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, có nhiều vấn đề mới phát sinh trong xã hội như: cải cách hành chính, thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, cung ứng các dịch vụ công cho người dân… đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc.

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài trình bày tại Hội nghị 

Theo ông Ngô Sách Thực, từ những bất cập nêu trên, có thể nói, việc nghiên cứu Đề tài “MTTQ Việt Nam với việc thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là hết sức cần thiết.

Đề tài gồm 3 Chương, trong đó, Chương 1 đề cập tới cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Chương 2 đề cập tới thực trạng việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Chương 3 tập trung vào quan điểm và giải pháp pháp huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đề tài làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thực hiện và tham gia thực hiện phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Làm rõ hơn khái niệm “dân giám sát”, bước đầu làm rõ khái niệm “dân thụ hưởng” và những vấn đề đặt ra cần giải quyết để hiện thực hóa quan điểm trong Văn kiện lần thứ XIII của Đảng. Đánh giá thực trạng việc thực hiện phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng theo nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đề xuất các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, nhóm nghiên cứu tập trung vào nhóm giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động; nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Đặc biệt là nhóm giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam. Theo đó, MTTQ các cấp cần chú trọng việc triển khai, hiệp thương, phối hợp, lồng ghép các chương trình, đánh giá việc thực hiện; đổi mới thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hiện thực hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội; sâu sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu; hoàn thiện và phát huy các mô hình tự quản nhân dân; thực hiện các giải pháp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của mặt trận các cấp.

Tại hội nghị, hội đồng nghiệm thu cho biết, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thực hiện và tham gia thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những giải pháp mà Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đặc biệt MTTQ cần tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của mình để xứng đáng với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

“Việc MTTQ Việt Nam thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần đổi mới chính mình, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy sức dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đó, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, mở ra tương lai tốt đẹp trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Nhấn mạnh Đề tài đã đảm bảo được vai trò, quyền làm chủ của người dân theo tinh thần Hiến pháp và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị nhóm nghiên cứu cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị để Đề tài bảo đảm hiệu quả, tính chặt chẽ, tính logic. Từ đó, thấy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đặc biệt là nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”.