Thực tiễn và giải pháp nhằm phát huy vai trò của thôn, tổ dân phố trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết

(Mặt trận) - Ngày 19/3, tại tỉnh Lạng Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị -xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn”. Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày tham luận với chủ đề: "Phát huy vai trò của thôn, tổ dân phố trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp trong giai đoạn hiện nay".

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày tham luận tại Hội thảo 

Hiệu quả của việc sắp xếp, tổ chức lại các khu dân cư trên cả nước

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện trên địa bàn cả nước, tại mỗi khu dân cư đều xây dựng “cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị ở khu dân cư bao gồm tổ chức đảng (chi bộ, tổ đảng); tổ chức chính quyền (thôn, ấp, cụm, khu phố...); tổ chức Mặt trận và đoàn thể (Ban công tác Mặt trận; chi hội phụ nữ; chi hội Cựu chiến binh; chi hội thanh niên, nông dân...). Các tổ chức nói trên đều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, qui chế hoạt động thống nhất theo qui định của pháp luật, theo hệ thống tổ chức, thực hiện chế độ tự quản nhằm phát huy quyền làm chủ của cộng đồng dân cư, không thoát ly, tách rời với sự quản lý của nhà nước trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Chi ủy, sự quản lý của Trưởng thôn và vai trò tập hợp, vận động cộng đồng của Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 35/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư của Bộ Nội vụ, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn các khu dân cư trên địa bàn cả nước.

“Theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến 31/12/2021, cả nước hiện còn 90.508 khu dân cư (trong đó có 69.580 thôn và 20.928 tổ dân phố), tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là 405.032, trong đó có 107.188 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (trung bình 10,11người/1 cấp xã) và 297.844 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (trung bình 3,3 người/thôn, tổ dân phố); nếu so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, hiện cả nước đã giảm trên 30.000 thôn, tổ dân phố.”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, công tác sắp xếp, tổ chức lại các khu dân cư đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và sự đồng thuận ủng hộ của cộng đồng dân cư. Việc sáp nhập các khu dân cư đã góp phần giảm đáng kể số lượng thôn, tổ dân phố và kinh phí chi cho các chức danh; đồng thời tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, tạo điều kiện cho việc lựa chọn nhân sự cho các chức danh, qua đó nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách của thôn, tổ dân phố.

Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến cộng đồng dân cư đầy đủ, thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với cấp ủy và Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư trong việc tăng số đảng viên trong chi bộ, hội viên của các đoàn thể góp phần xóa chi bộ sinh hoạt ghép, chất lượng sinh hoạt đảng tốt hơn, các phong trào, hoạt động sôi nổi hơn.

“Việc sáp nhập các khu dân cư đã góp phần giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải và lãng phí đầu tư”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức lại các khu dân cư là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến quá trình lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán và các yếu tố cố kết lâu đời của cộng đồng dân cư theo vùng, miền, đặc điểm ngành nghề, truyền thống lịch sử... nên khi tổ chức thực hiện sáp nhập, hệ thống chính trị ở các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình hợp lý để đảm bảo việc sắp xếp phải gắn với việc giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo lựa chọn được những người có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư và được người dân bầu chọn.

Việc sáp nhập các khu dân cư cần phải đặt tên phù hợp và giữ lại được những giá trị về cội nguồn lịch sử, đặc trưng, truyền thống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng và sự đồng thuận của người dân. Mọi thông tin phải được công khai, minh bạch tránh các xu hướng cục bộ "làng anh, xóm tôi", "tộc anh, họ tôi" trong quyết định các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư như: địa điểm đặt nhà sinh hoạt của thôn; chọn nhân sự cho cấp ủy, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận…

Đề cập tới hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhắc tới vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, đây chính là “cánh tay nối dài” của công tác Mặt trận tại các thôn, làng, ấp bản, buôn, phum, tổ dân phố…  có chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với Trưởng thôn (làng, ấp, bản; Tổ dân phố…) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy để thực hiện các nhiệm vụ phối hợp: tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;…

Quang cảnh Hội thảo 

Những mô hình tự quản gắn với đời sống của nhân dân

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trong nhiều năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hệ thống Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp đã triển khai các phong trào, các cuộc vận động của mình đến các tầng lớp nhân dân thông qua Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư nhằm phát huy các hoạt động tự quản của cộng đồng ở khu dân cư thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân thông qua vai trò ‘cầu nối” của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Theo thống kê, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước đã phối hợp với các trưởng thôn, làng, ấp bản… xây dựng được 637.534 mô hình tự quản, với 23.460.795 thành viên tham gia với các tên gọi khác nhau trong các lĩnh vực như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn xã hội và tội phạm”; “khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”; “Sạch làng, đẹp ruộng”; “thắp sáng làng quê”;....

Trong đó, mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực kinh tế có 288.921 mô hình, với 8.956.551 thành viên tham gia (trung bình khoảng 31 thành viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự có 186.935 mô hình, với 6.916.595 thành viên tham gia (trung bình khoảng 37 thành viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường có 87.345 mô hình, với 2.533.005 thành viên tham gia (trung bình 29 thành viên/mô hình);…

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã phối hợp với các trưởng thôn và các chi hội đoàn thể thực hiện xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư hằng năm để đưa “ý Đảng vào lòng dân” đến với từng thành viên trong cộng đồng.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận cấp xã đã phối hợp với chính quyền cùng cấp vận động nhân dân ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước thành lập được 96.896 Tổ hòa giải ở cơ sở, với tổng số hòa giải viên là 601.312 người.

“Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ trở thành phức tạp “cái sảy nảy cái ung”, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất an ninh, trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự. Đồng thời, thông qua hoạt động của các thành viên Tổ hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hoạt động tự quản ở các khu dân cư ở một số địa phương còn có những hạn chế, khó khăn chưa phát huy được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Chi bộ chưa sâu sát; việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa Ban Công tác Mặt trận với trưởng thôn và các chi hội đoàn thể ở một số nơi còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chủ động. Một số thành viên Ban công tác Mặt trận chưa thực sự sát dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân để nắm bắt, xử lý, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên hiệu quả chưa cao.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức. Công tác nắm bắt tư tưởng, tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát dân, gần dân nên một số nơi vẫn còn xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Công tác giám sát của Ban Công tác Mặt trận, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chưa hiệu quả mới chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao. 

Công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của hệ thống chính trị ở cơ sở trong triển khai thực hiện các hoạt động tự quản và các mô hình tự quản còn nhiều hạn chế; không ít các Ban Công tác Mặt trận chưa xây dựng quy chế hoạt động, chưa xây dựng bộ tiêu chí hay khung chuẩn để đánh giá chất lượng hoạt động các mô hình tự quản nhằm thu hút sự tự giác, tự nguyện, đồng thuận của người dân để mô hình có sức sống lâu dài.

Một số nơi còn chưa rõ khái niệm về hoạt động tự quản ở khu dân cư với mô hình tự quản nhằm thực hiện các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận chưa cao, không đồng đều; chế độ sinh hoạt phí đối với Trưởng Ban công tác Mặt trận còn thấp, chưa phù hợp từ đó không khuyến khích được Trưởng ban tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, nhiệt huyết công tác; kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa được quan tâm.

Việc đánh giá, khen tặng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực chất, chưa động viên được tính tự quản, sáng tạo trong công việc của mỗi một người dân, mỗi gia đình…

 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Giải pháp nhằm phát huy vai trò tự quản, đoàn kết, đồng thuận xã hội

Để tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các khu dân cư, phát huy vai trò tự quản, đoàn kết, đồng thuận xã hội của từng người dân, từng hộ gia đình, từng dòng họ sinh sống ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng miền, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tổ chức đảng (chi bộ, tổ đảng); tổ chức chính quyền (thôn, ấp, cụm, khu phố...); tổ chức Mặt trận và đoàn thể (Ban công tác Mặt trận; chi hội phụ nữ; chi hội Cựu chiến binh; chi hội thanh niên, nông dân...) ở khu dân cư để triển khai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

“Hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở tại hơn 10 nghìn xã trên địa bàn cả nước cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lồng ghép các hoạt động tự quản ở khu dân cư để tập hợp, vận động sự tự nguyện, tự giác, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, tạo sự đồng thuận của các thành viên trong cộng đồng dân cư để xây dựng khu dân cư tiến tiến, gia đình văn hóa. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương; phát huy tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo của từng cộng đồng dân cư trong công tác xây dựng quy ước, hương ước tiến bộ tạo sự đồng thuận của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cả cộng đồng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng cần phải xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; duy trì họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

Chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân”, tăng cường đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân”, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm hành động.

Cùng với đó cần tăng cường công tác tự quản của nhân dân ở khu dân cư thông qua hoạt động của Tổ tự quản và Tổ hòa giải gắn với việc thực hiện qui ước, hương ước, phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu tham gia công tác hòa giải.

Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật ở các khu dân cư. Hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn để hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 88/2016/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 07/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị liên quan của Nhân dân.

“Tạo điều kiện thuận lợi để Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư triển khai thực hiện tốt việc xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động tự quản gắn với việc đánh giá, bình xét, biểu dương, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở khu dân cư thông qua việc tổ chức tốt “Ngày Hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” vào ngày 18/11 hằng năm nhằm góp phần phát huy dân chủ, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, đồng thuận xã hội giữa các hộ gia đình tại các khu dân cư”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.