Tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo

(Mặt trận) - Chiều 11/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Quang cảnh Hội nghị 

Nhiều vụ việc chậm giải quyết

Báo cáo một số kết quả giám sát, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp Công dân, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định. Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Cụ thể, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định (theo quy định 18 ngày/18 tháng).

Nhiều địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tiếp dân thay. Cụ thể, số ngày Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272 ngày, chiếm 23%; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208 ngày, chiếm 18%.

Bên cạnh đó, có một số địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực…

Qua giám sát cũng cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính, thông tin, giải thích, trả lời các nội dung đề nghị của công dân chưa tốt, gây bức xúc cho các hộ dân làm phát sinh đơn khiếu nại. Một số tồn tại về đất đai chưa được xử lý dứt điểm, một số đơn vị cấp huyện vẫn còn trường hợp một số hộ dân có quyết định giao đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất, có trường hợp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được giao đất. Còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về công khai, minh bạch, đặc biệt là trong các lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai, tài chính ngân sách, huy động các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho người nghèo … dẫn đến phát sinh khiếu kiện.

Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Thường trực các tỉnh, thành ủy tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết KNTC.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Tiếp công dân cho phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp theo hướng mở là lãnh đạo UBND các cấp (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tiếp công dân chứ không quy định cứng chỉ có Chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân như Luật Tiếp công dân hiện hành) nhằm đảm bảo tính khả thi.

Đồng thời ban hành quy định biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết KNTC; giải quyết KNTC chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài. Kiến nghị tăng thời hạn giải quyết khiếu nại (lần đầu, lần hai) liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để việc giải quyết khiếu nại đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bổ sung chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm quy trình và thời hạn giải quyết…

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị 

Đánh giá thực trạng việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đánh giá chính xác, khách quan, thực trạng tình hình, trách nhiệm và kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp, đồng thời đánh giá những bất cập của một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đối với Chủ tịch UBND các cấp nói riêng.

“Công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, qua đó góp phần tạo lập môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như mỗi địa phương”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Từ nội dung báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp; về công tác phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương.

Cùng với đó chia sẻ về những khó khăn trong triển khai Luật tiếp công dân bởi thực tế hiện nay Luật Tiếp công dân quy định Tiếp dân định kỳ 1ngày/tháng đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh; 2 ngày/ tháng đối với chủ tịch UBND cấp huyện và 1 ngày/ tuần đối với chủ tịch UBND cấp xã, không quy định cơ chế ủy quyền, tiếp thay? Trong khi kết quả giám sát thể hiện số ngày tiếp dân bình quân của chủ tịch UBND các cấp chỉ đạt dưới 50% số ngày theo quy định, Chủ tịch nhiều địa phương ủy quyền cho cấp phó…

“Ý kiến của đại biểu tại Hội nghị sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Chủ tịch UBND các cấp đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, cũng như kế hoạch, nội dung thực hiện chương trình phối hợp trong năm 2022 tới đây”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tập trung giải quyết vấn đề người dân bức xúc

Tại hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ thể quan trọng nhất là người dân nên rất mong các cấp chính quyền, nhất là UBND các cấp phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong đó những khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai là lớn nhất. Ngay như vấn đề tại Thủ Thiêm (TP. HCM) người dân rất bức xúc, gây nhức nhối trong xã hội. Khi bà con có kiến nghị chính đáng thì các cấp, chính quyền phải đưa ra hướng xử lý kịp thời, đúng đắn nhất để lo cho dân.

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện ngay từ cơ cở, cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên Trung ương. Nhưng hiện nay chúng ta lại tổ chức ngược, gây bức xúc trong nhân dân ghê gớm”, ông Đỗ Duy Thường nêu.

Ở góc độ khác ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương cho rằng, hiện nay đã có những quy định rất rõ ràng Chủ tịch UBND các cấp phải tiếp dân. Tuy nhiên, nhiều Chủ tịch UBND tổ chức tiếp dân một cách nghiêm chỉnh nhưng nhiều vị lại không tiếp. Do đó, rất nhiều đoàn đông người mang theo những bức xúc tìm đến Ban tiếp dân Trung ương để khiếu nại.

“Thực chất của tiếp dân không chỉ là ghi nhận sự việc một cách đơn thuần. Thực chất của việc tiếp dân chính là vận động người dân. Do đó, người tham gia tiếp dân không thể tiếp một cách vô cảm. Nếu vô cảm người dân sẽ không nghe. Đây là lý do mà Ban tiếp dân Trung ương lúc nào cũng đông người tìm đến. Nguyên nhân của việc này có thể là do địa phương không giải quyết kịp thời các bức xúc, chưa tổ chức đối thoại với người dân”, ông Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.

Dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Dân nguyện thông tin, trong quá trình thực hiện các nội dung của khiếu nại, tố cáo, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên chưa được thể hiện một các đúng mực, nhất là chức năng giám sát của Mặt trận trong lĩnh vực này. Nếu vai trò, chức năng này của Mặt trận được thực hiện tốt ngay từ cấp huyện, cấp xã thì việc khiếu nại, tố cáo sẽ ít có cơ hội xảy ra. Cán bộ tiếp công dân cũng phải là người có trách nhiệm, phải thương dân, được đào tạo bài bản; ngay cả cách nói, cách phúc đáp cũng phải hợp tình, hợp lý thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mới mong giải quyết được.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, những ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban tổ chức hoàn thiện và gửi tới những cơ quan, ban, ngành có liên quan để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021 sẽ đạt kết quả cao nhất để giảm bức xúc, giảm những bất cập, nâng cao chất lượng ngay từ cơ sở với mục tiêu cao nhất là an dân.