Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh kiểm tra việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Trà Vinh

(Mặt trận) - Ngày 6/3, đoàn công tác do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra việc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), kết quả thực hiện năm 2022 tại tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Triết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh cho biết, khi thực hiện Chương trình, các cấp, các ngành trong tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền hơn 12.850 cuộc cho gần 643.000 lượt đối tượng; phối hợp tổ chức hơn 40 hội nghị tập huấn, hội nghị chuyên đề cho gần 5.500 lượt người tham dự; in tái bản gần 2.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số; thực hiện 6 kỳ chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục phát luật bằng tiếng Khmer về Chương trình. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức giám sát tại một số ngành, địa phương về việc thực hiện Chương trình, kết quả thực hiện năm 2022… Đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 61.136/167.392 triệu đồng trong tổng nguồn vốn Ngân sách Trung ương triển khai năm 2022 (đạt 36,52%), trong đó, vốn đầu tư phát triển 52.681 triệu đồng, vốn sự nghiệp 8.455 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 466 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 825 hộ; đầu tư xây dựng 51/51 công trình hạ tầng thiết phục vụ sản xuất; duy tu bảo dưỡng 21/21 công trình; thành lập mới và duy trì 40 tổ truyền thông cộng đồng giúp phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng cho biết, dù Chương trình mới chính thức triển khai thực hiện từ năm 2022 nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó vai trò nòng cốt là Ban Dân tộc tỉnh cùng sự phối hợp, tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, Chương trình đã đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng thuận và đánh giá cao. Chương trình đã có những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer từ 6.478 hộ của năm 2021 xuống còn 3.239 hộ vào cuối năm 2022; xây dựng hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc…

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh trong công tác phối hợp triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trong thời gian tới để Chương trình ngày càng đi vào cuộc sống, giúp đồng bào hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc, nêu cao cảnh giác, đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; bên cạnh đó, phát huy hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan, các tờ rơi, tờ gấp, vai trò của người có uy tín…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu, MTTQ tỉnh cần phối hợp các tổ chức thành viên thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân để kịp thời kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ, góp phần ổn định dư luận xã hội; chú trọng công tác giám sát việc thực hiện Chương trình và theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của Mặt trận, ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, mỗi xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải tổ chức ít nhất một cuộc giám sát/năm và giám sát có trọng tâm, thực chất, đồng thời phát huy hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát của nhân dân để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình.