Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho ý kiến nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Long An, Quảng Ngãi và Kiên Giang

(Mặt trận) - Sáng 22/7, tại TP HCM, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị cho ý kiến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 đối với các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp.

Chặt chẽ về cơ cấu nhân sự

Báo cáo công tác chuẩn bị đại hội, ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, công tác chuẩn bị đại hội cấp tỉnh hiện cơ bản đã hoàn thành, các nội dung Văn kiện đại hội đã được thống nhất.

Thời gian đại hội dự kiến diễn ra từ ngày 8 - 9 /8/2024, tại Nhà Văn hoá Lao động Công đoàn Đồng Tháp; phiên làm việc thứ hai - phiên trọng thể được truyền hình trực tiếp. Tổng số đại biểu dự Đại hội là 429, trong đó đại biểu chính thức có 289, đại biểu là khách mời có 140.

Về công tác nhân sự, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị 2 phương án: Phương án 1 có 11 vị, phương án có 215 vị.

Tại hội nghị, các ý kiến góp ý tập trung vào các hoạt động cơ bản như: Cần làm đậm thêm thành tích, tăng cường cụ thể hóa công tác giám sát, phản biện; thể hiện các điểm nổi bật trong nhiệm kỳ cũ, đặc biệt là dấu ấn vươn lên trong khu vực. Có ý kiến đề nghị, tăng tỉ lệ nhân sự là nữ, nêu nổi bật kết quả phong trào xóa nhà tạm.

Phát biểu với tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, tỉnh Đồng Tháp đã rất chủ động xây dựng, bám sát các hướng dẫn của của Trung ương về quy trình đại hội.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, cần cân nhắc diễn biến chương trình, phân ra đảm bảo khoa học. Trong đó, các tham luận nên chọn những điểm nổi bật mang tính đột phá. Bên cạnh đó, cần rà soát lại, đảm bảo tính chặt chẽ về cơ cấu nhân sự.

Đối với phương hướng nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị bổ sung các chỉ tiêu nhiệm kỳ, nội dung mục tiêu rõ ràng, giải pháp thiết thực phù hợp. “Làm sao để đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện đoàn kết, đồng lòng trong xã hội. Do đó, việc tuyên truyền cần thể hiện đa dạng, sinh động”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, mô hình tự quản được tỉnh xây dựng từ lâu, nhiệm kỳ tới cần có kế hoạch nâng lên nổi bật. Từ thực tế của địa phương, từ yêu cầu nhiệm vụ; cần có giải pháp, thước đo để đánh giá tác động của chương trình đối với địa phương, xem là bước đột phá của tỉnh.

Ngoài ra, Văn kiện đại hội cần nêu rõ Quỹ “Vì người nghèo” tới đây sẽ vận động như thế nào; công tác giám sát cán bộ, đảng viên hiện đã được luật quy định rất rõ nên cần đẩy mạnh. “Có bao nhiêu xã, huyện nông thôn mới nâng cao cũng xem xét để đưa vào…Từ kết quả nổi bật đó sẽ đúc kết thành dấu ấn, để người dân thấy được kết quả nổi bật”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhắn nhủ.

 Quang cảnh tại buổi làm việc với tỉnh Long An.

Cần có giải pháp cụ thể

Báo cáo công tác chuẩn bị đại hội Mặt trận tỉnh Long An, ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, đến nay các phường, xã; huyện, thị trong tỉnh đã tổ chức thành công đại hội.

Đối với Đại hội Mặt trận tỉnh, dự kiến với 2 phiên, chiều ngày 12/8/2024 và sáng ngày 13/8. Có 262 đại biểu chính thức, 75 đại biểu khách mời.

Công tác nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An được thực hiện đúng Điều lệ MTTQ Việt Nam, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đủ tiêu chuẩn, có số lượng và cơ cấu thành phần hợp lý. Tập trung chất lượng, tính thiết thực, tính tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo để Mặt trận thật sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết.

Số lượng, cơ cấu ủy viên Ủy ban có 85 vị, tăng 3 vị so với khóa IX. Ban Thường trực có 7 vị, trong đó: Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên Thường trực.

Bên lề Đại hội sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh tổ chức hội chợ Tự hào hàng Việt Nam, quy mô 400 gian hàng, tại TP Tân An.

Góp ý cho đại hội tỉnh Long An, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung đại hội chi tiết chương trình cho phù hợp; cân nhắc thực hiện hoạt cảnh chào mừng, đất nước đang ở thời khắc đặc biệt. Kiểm soát tốt về mặt thời gian đối với các hoạt động. Đồng thời, đề nghị tại phiên chính thức có phần báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua; bổ sung rõ nét về tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Phát biểu với tỉnh Long An, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ, nhiều nhiệm kỳ qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy được cơ cấu tham gia Mặt trận, điều đó có sức ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như thành tựu, vai trò của Mặt trận tỉnh nhà. Bà Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, truyền thống này cần được tỉnh tiếp tục triển khai, văn kiện cũng cần nêu bật được tác động của việc này.

Long An cũng cần nêu tiêu chí rõ ràng để xây dựng hình mẫu cán bộ. Về phần dự báo tình hình cần đưa dự báo cho sát tình hình chung của cả nước và các vấn dề chung trên toàn cầu.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, Long An là địa phương có hoạt động về nguồn mạnh, với truyền thống từ lâu. Vì vậy văn kiện cần nêu nổi bật kết quả nhiệm kỳ qua. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho vùng khai hoang, vùng kinh tế mới được thực hiện ra sao.

Đặc biệt, Long An là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, đây là khó khăn chưa có tiền lệ nên báo cáo chính trị cũng cần nêu sâu hơn để thấy rõ vai trò của Mặt trận trong Văn kiện đối với các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân vượt qua thời khắc khó khăn.

Cần tổ chức để tạo khí thế trang trọng, phấn khởi đến các tầng lớp nhân dân. Kết quả nổi bật, chương trình đột phá, các tham luận được bố trí đầy đủ.

Phó Chủ tịch lưu ý, văn kiện có nêu chương trình đột phá nhưng chưa có giải pháp cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp qua báo, đài và tuyên truyền trực quan sinh động nhằm để tạo khí thế trang trọng, phấn khởi đến các tầng lớp nhân dân.

Về những đề xuất của đại diện tỉnh, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết sẽ ghi nhận, đồng thời nghiên cứu đề xuất nhằm đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ tỉnh Long An tổ chức đại hội thành công cũng như thuận lợi cho các hoạt động nhiệm kỳ tới.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi.

* Chiều 22/7, tại TP HCM, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị cho ý kiến Đại hội đại biểu MTTQ nhiệm kỳ 2024-2029 đối với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Nhiều công trình dân sinh thiết thực

Báo cáo công tác chuẩn bị đại hội, ông Võ Thanh An, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công tác chuẩn bị đại hội cấp tỉnh cơ bản đã hoàn thành; các nội dung văn kiện đại hội tỉnh cũng đang kiện toàn và sớm được hoàn thiện.

MTTQ các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029. Qua đó, đã có hơn 186 công trình, phần việc được đăng ký thực hiện để chào mừng Đại hội với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng, đến nay đã bàn giao và đưa vào sử dụng 123 công trình, phần việc.

Cấp tỉnh đã bàn giao đưa vào sử dụng công trình chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh công trình nhà tránh bão, kết hợp phòng học tại Trường Tiểu học số 2 An Vĩnh, huyện Lý Sơn, trị giá 3,5 tỷ đồng và hoàn thành xây dựng hơn 100 căn nhà cho người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, trị giá gần 5,2 tỷ đồng.

Số lượng Ủy viên tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 86 vị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh theo đề án dự kiến là 7 vị. Đại hội dự kiến diễn ra 2 phương án: Từ ngày 15 - 16/8/2024 hoặc ngày 22/8 - 23/8/2024, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình và trang Fanpage Đài PT-TH tỉnh.

Bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông tin, Ban thường vụ tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Mặt trận ngay từ khi Trung ương có văn bản hướng dẫn. Theo bà Minh, thời gian qua, các phong trào của Mặt trận tỉnh nhà đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên ở một số mặt như công tác giám sát, phản biện xã hội thực hiện chưa được như mong muốn. Việc này tỉnh tới sẽ có sự quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá rất cao công tác chuẩn bị đại hội tỉnh Quảng Ngãi. “Các khâu được chuẩn bị đầy đủ, để có được kết quả này trước hết là nhờ sự chỉ đạo rất sát sao của tỉnh ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác nhân sự”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi. Trong phiên thứ nhất tập trung thảo luận hơn là tham luận; ở phiên thứ 2, tham luận cần chọn những đơn vị mang tính điển hình, đại diện.

Nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi ý, văn kiện cần phác họa nổi bật được mục tiêu chung của tỉnh về kinh tế - xã hội như các đơn vị hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa bàn dân cư an ninh,…từ đó đưa ra các chương trình đột phá.

Về đề án nhân nhân sự, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, nên thống nhất, đảm bảo được tính liên minh, đảm bảo nhiệm vụ chức năng của Mặt trận, đồng thời tiếp tục quan tâm đến các vị trí đang khuyết. “Đại hội phải thực sự sâu sắc, làm cho nhân dân quan tâm, thông qua đại hội sẽ hiểu hơn về Mặt trận”, bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Tạo không khí phấn khởi trong dân

Thông tin về công tác chuẩn bị đại hội tỉnh nhà, ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho hay, đến nay công tác tổ chức cơ bản đã được hoàn tất, trong đó những nội dung trọng tâm được tỉnh hoàn thành như: Xây dựng và góp ý cho văn kiện đại hội; công tác tuyên truyền, cổ động; các phong trào, các công trình thi đua chào mừng đại hội.

Đại hội Đại biểu Mặt trận tỉnh Kiên Giang dự kiến diễn ra trong 2 ngày, chiều ngày 15 và sáng ngày 16/8/2024. Dự có 385 đại biểu tham dự đại hội, trong đó có 268 đại biểu chính thức, 117 đại biểu là khách mời.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X đề xuất trong cơ cấu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa mới có số lượng Ủy viên là 91 vị. Số lượng Ban Thường trực có 9 vị, bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch 2 vị; Ủy viên Thường trực là Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và Trưởng, Phó Trưởng ban Phong trào, Ban Dân chủ Pháp luật tỉnh 6 vị.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự chủ động công tác chuẩn bị đại hội tỉnh Kiên Giang, đồng thời mong muốn tỉnh sớm hoàn thiện các khâu cuối cùng để đại hội được diễn ra tốt đẹp.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần bố trí thời gian phù hợp để triển khai chu đáo cho đầy đủ phù hợp với các nội dung, tránh việc lặp lại giữa các phiên. Đối với chủ đề đại hội nên ngắn gọn, súc tích, khơi dậy khát vọng Kiên Giang giàu đẹp văn minh.

“Cần xác định đột phá, mà muốn đột phá phải làm nổi bật vị thế của tỉnh mình, trong định hướng sẽ làm gì? Mặt trận tham gia cái gì trong đó? Xác định khâu đột phá để làm cho nhiệm kỳ mới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi ý.

Về đề án nhân sự, cần quan tâm đến cá nhân mới, cá nhân thay thế, trong đó thu hút các chuyên gia, cá nhân tiêu biểu có tính lan tỏa cao.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, cần tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài ra, bên lề đại hội nên tổ chức các hoạt động khác để thu hút người dân như các hội chợ vừa làm công tác tuyên truyền vừa làm cho không khí đại hội thêm sôi động.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị Tỉnh ủy Kiên Giang, các cơ quan trong tỉnh tạo điều kiện để đại hội thành công tốt đẹp.