Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Mặt trận) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 20/9, tại xã Kim Mỹ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại cụm xã: Kim Mỹ, Cồn Thoi (huyện Kim Sơn).

Đảng bộ cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng: Những điểm mới đối với Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Thông cáo báo chí về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri. 

Dự buổi tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh và huyện Kim Sơn.

Tại hội nghị, cử tri đã được nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo dự kiến thời gian, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 23/10 đến 29/11; tập trung xem xét, thông qua 9 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến vào 8 dự án Luật và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri các xã bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao hoạt động tích cực, hiệu quả, tinh thần, trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển tải nhiều ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương; nhiều kiến nghị của cử tri được quan tâm giải quyết.

Cử tri mong muốn thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng hiện nay một số Luật đã được ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định, Thông tư ban hành chậm, gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện ở cơ sở. Nghiên cứu đề ra chính sách tiền lương phù hợp cho cán bộ, công chức chính quyền cơ sở để đảm bảo cuộc sống, để không xảy ra tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc như viên chức lĩnh vực y tế, giáo dục.

Nghiên cứu để sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với Chủ tịch UBND cấp xã và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về chế tài đối với việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính; việc cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã.

Đối với vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn, cử tri đề nghị các cấp quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa phận xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình theo đúng kế hoạch và đạt được đúng mục tiêu đề ra. Sửa chữa nâng cấp đường Quốc lộ 12B kéo dài đoạn từ cầu Cà Mâu tới Kim Đông. Cử tri cũng đề nghị quan tâm tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình trường học; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển Kim Sơn; Tăng mức hỗ trợ hoạt động của thôn, xóm trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri 2 xã Kim Mỹ, Cồn Thoi đã được lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Kim Sơn tiếp thu, trao đổi, trả lời, làm rõ.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm, theo dõi thường xuyên của cử tri và nhân dân địa phương với hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Những đóng góp của cử tri trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của huyện, của tỉnh.

Trao đổi, làm rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm, liên quan đến ý kiến phản ánh về việc một số Luật đã được ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành ban hành chậm, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng đây là một trong những khuyết điểm, tồn tại của các Bộ, ngành. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Để khắc phục thực trạng trên, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua; kịp thời hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang có vướng mắc, bất cập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của Luật, Nghị quyết; Có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm…

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri để tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị HĐND và UBND các cấp tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp nhân dân ở địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở trung ương; Đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai Nghị quyết của Quốc hội;

Phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành.

Đối với với vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức chính quyền cơ sở, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Đây là một trong những vấn đề trọng tâm có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống người dân cũng như công tác  đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Đoàn ĐBQH tỉnh đã từng chuyển kiến nghị cử tri đến Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị cử tri tại Văn bản số 6598/BNV-TL ngày 22/12/2022.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Chính phủ rất quan tâm cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình đề ra.

Trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 01/7/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cũng thông tin, ngay trong Kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục có ý kiến với Quốc hội, thúc đẩy thực hiện sớm vấn đề này.

Đối với đề nghị sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với Chủ tịch UBND cấp xã, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Nội dung này đã được Quốc hội khóa XV và được Bộ Tư pháp trả lời tại Văn bản số 3315/BTP-VP ngày 07/9/2022. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi một số quy định theo hướng tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã.

Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính "có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt". Tuy nhiên, đối với thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã thì vẫn được giữ nguyên mức 5.000.000 đồng.