Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Mặt trận) - Sáng 6/5, tại Hà Nội, đoàn đại biểu UBTƯ MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tiến Đạt. 

Trước bàn thờ tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quận Ba Đình (Hà Nội), Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu UBTƯ MTTQ Việt Nam thành kính tưởng nhớ tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ đã cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong không khí thành kính, trang nghiêm, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn đại biểu UBTƯ MTTQ Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi, trò chuyện cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tiến Đạt. 

Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự khẳng định thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1953, các đòn tiến công chiến lược của quân ta trên các địa bàn trọng điểm buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó và làm phá sản bước đầu mưu đồ tập trung lực lượng của kế hoạch Navarre. Để cứu vãn tình thế trên chiến trường, Pháp được sự trợ giúp của Mỹ đã tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương.

Ngày 20-11-1953, Pháp mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Chúng cho rằng đây là "pháo đài khổng lồ không thể công phá", tướng Giáp sẽ “không dám chấp nhận giao chiến”, vì Quân đội Việt Minh chưa bao giờ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn đến như vậy, nếu tiến công vào Điện Biên Phủ sẽ đi vào con đường tự sát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu  

Lựa chọn Điện Biên Phủ là chiến trường quyết chiến chiến lược thực chất là ta đã chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu vào nơi địch mạnh, thể hiện sự phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của ta giai đoạn 1953-1954, là sự chuyển biến từ phương hướng “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch, từ tác chiến vận động và công kiên nhỏ là chủ yếu sang đánh công kiên quy mô lớn mang tính chất trận địa.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh". Ngày 1-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. 

Ngày 12-1-1954, tại Tuần Giáo, Đại tướng nghe đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch báo cáo. Đảng ủy Mặt trận và tất cả đều tán thành phương châm Chiến dịch là "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh cũng khẳng định: Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ. Rõ ràng, mặc dù là Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, nhưng số đông lại có ý kiến khác là điều Đại tướng phải cân nhắc. Ông nhớ lời Bác dặn trước lúc ra mặt trận “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian Chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20-1-1954. Nhưng trước sự tăng cường phòng ngự của địch và qua nhiều ngày theo dõi, Đại tướng nhận thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, pháo binh của ta là hỏa lực chủ yếu của Chiến dịch lại không kéo đ­ược vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không bảo đảm thắng lợi.

Mặt khác, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch của ta còn nhiều khó khăn, như: Bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm; đây là trận đầu tiên ta đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh, pháo binh với quy mô lớn mà bộ đội ta lại chưa qua diễn tập; bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu và chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên địa hình rộng, bằng phẳng, trống trải; nay phải chiến đấu liên tục trong 2 ngày 3 đêm với quân Pháp có ưu thế về hỏa lực sẽ không tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch họp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu 

Bằng nhãn quan của một nhà quân sự thiên tài trong đánh giá, dự báo chiến lược về âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân Pháp qua kế hoạch Navarre và thực tiễn trên chiến trường Đông Dương, nhất là địch tại chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng không đánh giá thấp sức mạnh của Pháp tại tập đoàn cứ điểm này, luôn thấu hiểu sâu sắc rằng chỉ có đánh bại được hình thức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch mới quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: Để bảo đảm toàn thắng cho Chiến dịch, phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là “đánh chắc, tiến chắc”. Tuy nhiên, thay đổi phương châm tác chiến sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn mới, vì bộ đội ta đ­ược chuẩn bị để đánh nhanh, bộ binh đã triển khai đội hình, phần lớn pháo binh đã vào trận địa nay lại rút ra làm cho tư tưởng bộ đội dễ hoang mang. Hơn thế, mọi công tác chuẩn bị đều phải làm lại từ đầu, những khó khăn về cung cấp, vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến... sẽ tăng lên. Nhưng không thể vì những khó khăn, trở ngại do Chiến dịch kéo dài mà chọn cách đánh không bảo đảm chắc thắng.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch. Phương châm này thể hiện sự nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự có nhiều cống hiến xuất sắc góp phần làm nên những chiến công vĩ đại không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới, nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự.

Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương và di sản vô cùng quý giá để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta noi theo, vận dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.