Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tiền Giang và Bình Phước về công tác tổ chức Đại hội

(Mặt trận) - Ngày 21/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã có cuộc làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bình Phước về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang. 

Sáng 21/5, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị cho ý kiến về Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029.

Báo cáo về công tác tổ chức đại hội, ông Huỳnh Văn Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay công tác tổ chức cơ bản đã được hoàn tất, trong đó những nội dung trọng tâm được tỉnh hoàn thành như: Xây dựng và góp ý cho Văn kiện đại hội; công tác tuyên truyền, cổ động; các phong trào, các công trình thi đua chào mừng đại hội.

Theo ông Hải, danh sách Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 dự kiến 82 vị, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh có 9 vị. Về đại biểu đến tham dự đại hội dự kiến 470 đại biểu, trong đó đại biểu chính thức 310 và có 160 đại biểu là khách mời. Thời gian tổ chức Đại hội dự kiến diễn ra từ 28-29/5/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Tiền Giang cần thu hút nhiều hơn các tổ chức thành viên cho Mặt trận. 

Góp ý cho công tác đại hội tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam cho rằng, cần đưa thêm đại diện doanh nghiệp tham gia Mặt trận, nhất là doanh nghiệp tiêu biểu. Công tác xây dựng nông thôn mới cũng cần nêu vào Văn kiện nhưng được trình bày với mục tiêu tổng quát cao hơn, thời gian phù hợp hơn. Đối với các chỉ tiêu cụ thể, trong nhiệm kỳ tới cần phát triển từ 3 đến 5 tổ chức thành viên, vì xu thế có nhiều tổ chức mới ra đời. Riêng đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội làm vườn tỉnh cần được quan tâm duy trì.

Ông Võ Văn Thiện - Trưởng ban Công tác phía Nam, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đề nghị, các giai tầng trong xã hội nên được đánh giá với dung lượng tương đối tại Văn kiện. Trong đó, nhấn mạnh quê hương Tiền Giang có gì đặc trưng, khác biệt như thế nào so với địa phương khác? Tiền Giang được xem là vựa nông sản lớn không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn của cả nước, do đó Văn kiện cần quan đến việc tập hợp sản xuất của nhân dân thông qua hình thức hợp tác xã kiểu mới.

“Điều này giúp nông dân có được quy trình sản xuất, bán hàng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả, phát huy được tình đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân”, ông Thiện chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đánh giá cao công tác chuẩn bị cho đại hội Mặt trận Tiền Giang, đồng thời Phó Chủ tịch cũng thống nhất cơ bản dự thảo các văn bản liên quan đến đại hội của Tiền Giang.

Về nội dung Văn kiện đại hội, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho rằng, Tiền Giang làm rất hiệu quả nhiều phong trào nên Văn kiện cần mô tả hết các hoạt động này, nhất là phần khen thưởng, biểu dương cũng cần đầy đặn hơn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn thiện những vấn đề chưa đồng bộ, hạn chế và góp ý, đánh giá của các đại biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam lưu ý Tiền Giang cần quan tâm thêm về cơ cấu nhân sự, chọn những người tiêu biểu ở các cơ quan, tổ chức trong tỉnh vì họ là những người có uy tín, có tính hiệu triệu quần chúng rất cao. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ góp phần làm cho tính đại diện các tầng lớp nhân dân, tính liên kết, đại đoàn kết toàn dân tộc được hiệu quả hơn.

“Vấn đề nào có thể thay đổi được, sửa được thì có thể làm luôn, cái nào chưa thể làm ngay cần có lộ trình từ bây giờ để mục tiêu, kế hoạch của nhiệm kỳ tới được toàn diện hơn. Cơ cấu nhân sự tốt vào Mặt trận để thấy được tầm vóc của Mặt trận như người dân đã, đang và sẽ kỳ vọng”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu gợi mở, về công tác tuyên truyền, nên có buổi họp báo để các báo đưa tin nhằm truyền tải rộng rãi hơn với người dân về đại hội, làm như vậy sẽ thu hút được đông đảo người dân theo dõi. Ngoài ra, cần tăng cường hình thức tuyên truyền khác trực quan sinh động…. Làm sao để người dân chào đón đại hội với tâm thế hân hoan, vui mừng.

Bà Lê Thị Xuân Trang báo cáo về công tác chuẩn bị đại hội Mặt trận tỉnh Bình Phước. 

* Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã cho ý kiến về nội dung tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Báo cáo công tác chuẩn bị đại hội Mặt trận tỉnh Bình Phước, bà Lê Thị Xuân Trang, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, tỉnh đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ Mặt trận và các tầng lớp nhân dân đối với Văn kiện và cách thức tổ chức đại hội. Đến nay, đã tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh sửa lần thứ 5.

Điểm khác biệt của chương trình hành động của Mặt trận tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2024 - 2029 so với nhiệm kỳ trước là có bổ sung thêm Chương trình “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” nhằm phát huy vai trò Mặt trận các cấp hướng về cơ sở, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân.

Về công tác chuẩn bị nhân sự Mặt trận nhiệm kỳ tới, tỉnh Bình Phước đã thống nhất số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X là 95 vị; Ban Thường trực Mặt trận tỉnh có 9 vị, bao gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 5 Ủy viên Thường trực chuyên trách.

Số lượng Đại biểu chính thức dự đại hội Mặt trận tỉnh Bình Phước là 330 và 150 đại biểu khách mời. Thời gian đại hội dự kiến từ ngày 4-5/7/2024, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Góp ý cho công tác chuẩn bị Đại hội Mặt trận tỉnh Bình Phước, ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam cho biết, Bình Phước là địa bàn kết nối các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông vì vậy cần đưa nguồn lực, lợi thế này vào Văn kiện. Ông Thiện cũng mong muốn, Văn kiện cần thể hiện được hơi thở của cuộc sống, những thuận lợi và khó khăn của người dân.

Bà Phạm Thu Hương, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đề nghị, Văn kiện cần được làm cụ thể hơn về đặc điểm, vai trò, vị thế xã hội và xu hướng phát triển của các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, cần thêm phần nội dung phản ánh những băn khoăn, tâm tư của người dân trước tình hình thực tiễn và bổ sung kết quả tiêu biểu về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Bà Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá, công tác nhân sự nhiệm kỳ qua của Mặt trận tỉnh đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời, Bình Phước sẽ bám sát theo hướng dẫn của Trung ương để tổ chức đại hội.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu bày tỏ đặc biệt ấn tượng đối công tác chuẩn bị đại hội của tỉnh Bình Phước, nhất là các văn bản liên quan đến đại hội, bởi đây là địa phương có quy trình triển khai khoa học, bài bản, khá đầy đủ.

Một trong những vấn đề được bà Tô Thị Bích Châu đặc biệt quan tâm là công tác nhân sự. Theo Phó Chủ tịch, Bình Phước là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đường biên giới dài nên cần tranh thủ được những các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động đồng bào cùng với địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

“Cần bổ sung các tấm gương tiêu biểu có nhiều đóng góp cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong các phong trào. Những người tham gia Mặt trận cần phải có tiêu chí cứng như đại diện cho ai? Đại diện và hoạt động như thế nào cho hiệu quả?”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch, sức mạnh của Mặt trận là tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, một mình Mặt trận không tự làm được hết các phần việc “Từ vai trò Mặt trận phải tập hợp rộng rãi đối với các tổ chức thành viên. Ngoài ra, Văn kiện cần bổ sung chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm để để Văn kiện thêm phong phú hơn, hay hơn, sâu sắc hơn”, bà Tô Thị Bích Châu chỉ đạo.

Qua đó, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cũng gợi mở, về công tác tuyên truyền, nên có buổi họp báo để các báo đưa tin nhằm truyền tải rộng rãi hơn với người dân về đại hội, làm như vậy sẽ thu hút được đông đảo người dân theo dõi. Ngoài ra cần tăng cường hình thức tuyên truyền khác trực quan sinh động…. Làm sao đó để dân vui, hân hoan chào đón đại hội.