Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng dự Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao và phát động chương trình “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”

(Mặt trận) - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2023) với chủ đề Việt Nam chiến thắng bệnh lao. Dự Lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các đối tác trong nước và quốc tế.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng các đại biểu tham dự buổi Lễ

Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2023 trên toàn cầu là “Đúng!Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”. Trên cơ sở đó, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm nay được xác định là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

 Ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ.

Ông Đinh Văn Lượng thông tin, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

“Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia, và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035” ông Đinh Văn Lượng chia sẻ và khẳng định việc hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 thể hiện và lan toả cam kết mạnh mẽ đối với các hoạt động phòng chống lao, thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ, của ngành y tế, của toàn xã hội đối với Chương trình chống lao, là nguồn động viên rất lớn đối với Chương trình chống lao trên toàn quốc vì một mục tiêu chung Chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

 Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại buổi Lễ

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ niềm vui mừng được tham dự Lễ kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống lao; đồng thời khẳng định, ngày lễ chính là dịp để vận động cộng đồng hiểu biết nhiều hơn và thực hành tốt hơn để bảo vệ sức khoẻ cho mình khỏi căn bệnh này và cũng là dịp để tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc sức khoẻ nhân dân liên quan đến chuyên ngành lao và bệnh phổi.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, bệnh lao đã có từ hàng ngàn năm và đã từng là một trong tứ chứng nan y, tỷ lệ tử vong rất cao bởi bệnh lao là một loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và lây theo đường không khí nên rất khó kiểm soát. Vi khuẩn lao lây truyền qua tiếp xúc nên ảnh hưởng người thân là nhiều nhất. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng nguyên nhân gây ra bệnh lao là do di truyền, không thể chữa khỏi, dẫn đến kỳ thị, mặc cảm và giấu bệnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trong năm 2022, hoạt động phòng chống lao đã có những nỗ lực vượt bậc, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Theo đó, số phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia năm 2022 là 103.120, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí cao hơn 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.  Tuy nhiên, số phát hiện này mới chỉ đạt 60% tổng số bệnh nhân lao ước tính, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.

Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hiện nay, hoạt động phòng chống bệnh lao cũng chưa được đầu tư và ưu tiên thoả đáng, thiếu nguồn lực và tài chính để triển khai một cách đồng bộ và toàn diện. Bên cạnh đó, hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ, người dân kỳ thị, mặc cảm chưa quan tâm đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khoẻ cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đã làm lây lan bệnh cho người khác, hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

 Quang cảnh buổi Lễ

Xuất phát từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn Bộ Y tế có sự chỉ đạo sát sao, vận động sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho Chương trình chống lao quốc gia để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây. 

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tri ân công lao to lớn của các y bác sỹ, các cán bộ làm công tác chống lao; đồng thời gửi cảm ơn các tổ chức/đối tác trong và ngoài nước vì những hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quý vị đối với Chương trình chống lao Quốc gia trong công cuộc Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.

“Chúc các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác phòng chống lao và bệnh phổi Việt Nam nhiều sức khoẻ và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình để đem lại hạnh phúc cho nhân dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã phát động Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống lao năm 2023 với Chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”. Đây là một lời khẳng định, là quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao./.