Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ

(Mặt trận) - Ngày 11/7, tại tỉnh Cà Mau, Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2023. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng và các đại biểu dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ gồm 12 đơn vị: Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre là Cụm trưởng, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau là Cụm phó.

Những tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Hệ thống MTTQ Việt Nam Cụm các tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị.

Công tác nắm tình hình và tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân tiếp tục được quan tâm, thực hiện nền nếp, thông qua nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực, chủ động nắm bắt và phản ánh tình hình nhân dân, đoàn viên, hội viên, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phát huy hiệu quả mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, UBMTTQ Việt Nam các địa phương trong Cụm đã xây dựng các báo cáo về tình hình nhân dân hằng quý; tiếp tục chú trọng xây dụng và phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào tôn giáo; nhất là phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; gửi thư chúc mừng và triển khai các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng đồng bào các dân tộc, chức sắc tôn giáo trong các dịp lễ, tết; tổ chức kiểm tra, khảo sát về công tác dân tộc, tôn giáo.

 Quang cảnh Hội nghị

Đáng chú ý, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong Cụm đã xây dựng trên 4.452 mô hình về môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, mô hình về an ninh trật tự, mô hình về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mô hình về phát triển kinh tế, mô hình về giảm nghèo, mô hình về vận động xây dựng Tổ hợp tác, mô hình về Tự hào dùng hàng Việt,...

Cùng với đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các tỉnh trong Cụm tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện 5 nội dung với nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tây Nam Bộ đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều tổ chức thành viên hưởng ứng Cuộc vận động thông qua việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động, với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực. Đến nay đã có 997/1.249 xã đạt nông thôn mới 39/107 huyện đạt nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Cụm các tỉnh Tây Nam Bộ phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” với hình thức trực tiếp vận động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên - Tây Bắc. Tại Chương trình đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền trên 5,5 tỷ đồng.  Tính đến ngày 30/6/2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong Cụm đã tiếp nhận số tiền trên 624 tỷ đồng.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam các tỉnh trong cụm ngày càng hiệu quả,  thực chất, góp phần quan trọng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng tham mưu ban hành các chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp; tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ trong hoạt động quản lý và nâng cao tính khả thi của các chính sách khi được ban hành...Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong Cụm đang chủ trì thực hiện 786 cuộc giám sát, góp ý, phản biện 6.109 văn bản.

Tại hội nghị lãnh đạo Mặt trận các tỉnh trong cụm đã chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác vận động các nguồn lực đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phương thức phối hợp tuyên truyền, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, dư luận xã hội cũng như tham gia phản biện, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Ngoài ra, lãnh đạo Mặt trận các tỉnh trong cụm thi đua cũng trình bày những khó khăn, vướng mắc trong trong công tác nhân sự, đặc điểm tình hình địa phương,…

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Cụm trưởng, Cụm phó và sự phối hợp tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trọng cụm. Đồng thời nhấn mạnh, những kết quả nổi bật trong cụm được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của công tác Mặt trận thể hiện sự chủ động và nỗ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong Cụm.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị cần tiếp tục chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền, vận động để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường số hóa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam mặt trân các cấp tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động và chương trình an sinh xã hội. Phát hiện, lựa chọn những mô hình, phong trào điển hình, tiêu biểu mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội để các đơn vị trong cụm học tập, nhân rộng; chủ động thực hiện việc tự kiểm tra, tăng cường công tác quản lý Quỹ vì người nghèo, nguồn cứu trợ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp.

Cùng với đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; trên cơ sở Kế hoạch số 717/KH-MTTW-UB ngày 28/4/2023 về giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2023; các kế hoạch giám sát theo các chuyên đề của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai toàn quốc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt, tổng hợp tình hình các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, giới trí thức đến với Đảng, Nhà nước; củng cố, phát huy đoàn kết các tôn giáo tham gia xây dựng đất nước”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng yêu cầu chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, trong đó, cần chủ động chuẩn bị nhân sự tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, coi trọng chất lượng, chú trọng đến điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, lựa chọn nhân sự thật sự tiêu biểu, có khả năng cống hiến, tham gia tích cực các hoạt động chung của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh; đảm bảo đủ cơ cấu theo độ tuổi, thành phần.

Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Mặt trận. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các tổ chức tư vấn của MTTQ Việt Nam. Rà soát, chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, cải thiện cơ chế, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở.