Phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

(Mặt trận) - Chiều ngày 4/7, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Tiểu ban văn kiện chủ trì phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Đồng chủ trì có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Tiểu ban; ông Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ viên Tiểu ban.

Đại đoàn kết dân tộc - Động lực chủ yếu phát huy sức mạnh Nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu lần thứ XI: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển"

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Quang cảnh phiên họp 

Tham dự phiên họp còn có ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam cùng thành viên Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện.

Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội; tham mưu tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân; tổng hợp các ý kiến, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình tại Đại hội. Ngoài ra, còn xây dựng báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Đại hội; lời kêu gọi, diễn văn khai mạc và bế mạc Đại hội; …

 Chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, đại biểu tham dự cho rằng các dự thảo văn kiện bảo đảm tính khoa học, chất lượng, có sự kế thừa, đổi mới và sáng tạo.

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, các đại biểu tham dự cho rằng, việc xây dựng Báo cáo phải đánh giá đúng thực trạng tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra..

Bên cạnh đó, Báo cáo chính trị cần phải đưa ra các chỉ tiêu, định lượng để hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phấn đấu hoàn thành trong nhiệm kỳ; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước, phát huy tính sáng tạo của nhân dân và vai trò của nhân dân trong đoàn kết quốc tế; đồng thời phải phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;… Từ đó thể hiện được sự đổi mới của Mặt trận trong triển khai các chương trình hành động và đề ra các giải pháp để triển khai trong nhiệm kỳ mới.

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự phiên họp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Tổ giúp việc cần tập hợp, chỉnh sửa nội dung góp ý để trình Tiểu ban ở phiên họp tiếp theo và phải bám sát nội dung Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và Đề án số 11/ĐA-MTTW-ĐCT ngày 23/6/2023 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để đảm bảo nội dung, tiến độ, chất lượng xây dựng Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.

Đồng thời, việc xây dựng Văn kiện phải huy động được sự tham gia đóng góp ý kiến của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các cơ quan, bộ, ngành; cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Báo cáo chính trị trình Đại hội phải làm rõ nội hàm đại đoàn kết, đánh giá rõ được tác động của tình hình trong nước và thế giới đối với hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp trong nhiệm kỳ mới; phải thể hiện tinh thần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận; làm rõ vai trò của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tại Quy định 97-QĐ/TW ngày 7/2/2023 của Bộ Chính trị.

Báo cáo chính trị cũng phải đánh giá được kết quả của nhiệm kỳ 2029-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, nội dung chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới phải phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam phải làm nòng cốt để nhân dân làm chủ, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phải có giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp; giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận; phải đề ra phương hướng để mở rộng tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam…

Đề cập đến Chủ đề của Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng nội dung chủ đề phải thể hiện được tinh thần đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, đổi mới, thể hiện sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, phải lấy dân là gốc để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.