Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát cơ sở đảng, đảng viên

(Mặt trận) - Ngày 27/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã khảo sát tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội về thực tiễn phát huy vai trò của MTTQ, các thành viên và nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong giám sát tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bích Phương 

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến để xây dựng 2 chuyên đề: “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “MTTQ Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên-Thực trạng và giải pháp”.

Các đại biểu đã tập trung phát biểu làm rõ 3 nội dung: Vai trò thực tiễn của MTTQ trong xây dựng bộ máy nhà nước, trong đó, cần làm rõ vai trò của MTTQ trong xây dựng chính quyền đô thị ở Hà Nội; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, làm rõ việc thực hiện dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, nhất là làm thế nào để phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ để nhân dân làm chủ trong thời gian tới; công tác giám sát và phản biện xã hội, đặc biệt là công tác giám sát tổ chức cơ sở đảng, giám sát cán bộ, đảng viên.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cưu chiến binh (CCB) TP. Hà Nội cho rằng việc tham gia các nhiệm vụ chính quyền giao của các Hội, đoàn thể phải có hiệu quả, đây chính là thước đó, đánh giá hoạt động, uy tín của các tổ chức. Phản ánh thực trạng cán bộ CCB các cấp Thành phố đa số đều cao tuổi nên có hiện tượng “ngại việc”, ông Thảo đề nghị Trung ương và Quốc hội xây dựng Luật Hội Cựu chiến binh Việt Nam để hoạt động của Hội CCB các cấp có căn cứ hoạt động hiệu quả hơn.

Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Duyên Thái, huyện Thường Tín kiến nghị Trung ương cần ban hành văn bản sát thực tiễn, sát cơ sở để vận dụng từ đó phát huy vai trò MTTQ ngày càng thiết thực, hoạt động tốt hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, việc giám sát của các Hội, đoàn thể phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, trong đó, MTTQ đóng vai trò chủ trì và có đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội tham gia. Đối với từng tổ chức, phải phát huy cao hơn trong công tác giám sát UBND các cấp các lĩnh vực phụ trách. Đồng chí cũng đề nghị có cơ quan ngôn luận để các hội, đoàn thể có tiếng nói của mình; quan tâm công tác đào tào, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mặt trận…

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những nội dung thảo luận của các đại biểu. Cho rằng nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng, cơ sở chính trị của đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân là nhiệm vụ xuyên suốt của MTTQ và MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tại Hà Nội và các cơ sở đã làm rất tốt; tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng; phát huy đươc vai trò của MTTQ trong việc tập hợp các lực lượng; tổ chức các cuộc vận động, giám sát, phản biện cho kết quả  rất rõ nét; các cuộc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu, giám sát đảng viên cũng được Thành phố làm tốt.

Có thể khẳng định, MTTQ TP. Hà Nội và các cơ sở đã làm nổi bật được vai trò tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước. Ý kiến, kiến nghị của nhân dân được tập hợp đẩy đủ, chính xác, phân loại, tổng hợp theo các nhóm vấn đề, lĩnh vực mà nhân dân quan tâm, bảo đảm toàn diện, sát thực, khách quan, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội

Bên cạnh đó, vai trò hoạt động của MTTQ các cấp cần phải làm “tròn vai”, trách nhiệm giải trình của chính quyền ngày càng cần được rõ hơn, việc lấy ý kiến và tiếp thu cũng cần chú trọng, có nguyên tắc nhưng cũng cần dân chủ.

Ngoài ra, cần đổi mới phong cách lãnh đạo, cần thực sự cầu thị, lắng nghe, giám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.