(Mặt trận) - Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020, sáng nay 8/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, năm 2020 là năm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam - Đây là một trong 3 hoạt động cấp quốc gia được tổ chức, chính vì vậy MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần có nhiều hoạt động sáng tạo nhằm khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp quan trong của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị
|
Không mở rộng thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những kết quả MTTQ Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng qua. Điểm nổi bật nhất chính là vai trò quan trọng, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Không chỉ vừa vận động tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức thành viên đã có những cách thức đổi mới phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh, huy động được sự tham gia rộng rãi, to lớn của các tổ chức thành viên, nguồn lực của nhân dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh; giám sát quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Có thể nói, thành công trong công tác phòng chống dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn có vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Qua việc đoàn kết phòng, chống dịch bệnh, MTTQ đã tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, góp phần cho nhiệm vụ năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng ghi nhận những nét nổi bật của Mặt trận các cấp trong triển khai các các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động; hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm; việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại mỗi phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội ngày càng được đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời tại mỗi phiên họp.
Đặc biệt, trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 18 về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, những nơi Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận, công việc mặc dù tăng lên nhưng đội ngũ cán bộ Mặt trận đã chủ động sắp xếp lại công việc để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao phó. Việc sắp xếp chức danh này, hiện có 2 mô hình thí điểm thu hút được sự quan tâm, một là chức danh của Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận, hai là mô hình hoạt động chung cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Vừa rồi, Bộ Chính trị đã họp, ban hành kết luận đề nghị không mở rộng thí điểm nữa, tiến hành sơ kết, tổng kết theo đề xuất của MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương. Bộ Chính trị cũng rất lắng nghe ý kiến của MTTQ và Ban Dân vận TƯ trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 18 ở những nơi thực hiện mô hình, cơ chế thí điểm”, bà Trương Thị Mai nói.
Nêu rõ những khó khăn trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ
Về nhiệm vụ của MTTQ các cấp trong 6 tháng cuối năm 2020, bà Trương Thị Mai cho rằng, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra nhiều thách thức với đất nước ta, vì vậy MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục chú trọng đến việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bênh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân.
Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới hoạt động thông qua việc triển khai hội nghị trực tuyến để từ đó, mọi chủ trương và chương trình hành động của Mặt trận được triển khai hiệu quả tới cơ sở, đặc biệt là sự đổi mới về cơ sở vật chất là điều kiện để MTTQ nâng cao chất lượng công việc, hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện, MTTQ Việt Nam quan tâm giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đến người dân đặc biệt là người dân khó khăn, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, từ đó tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để gửi tới Chính phủ những khó khăn trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Việc góp ý chú vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho 5 năm tới đảm bảo sự phát triển bền vững, cuộc sống của người dân tốt hơn, sự đồng thuận xã hội cao hơn.
Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp cần quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể với Bộ Chính trị nhằm phát huy dân chủ trực tiếp của người dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Năm 2020 là năm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam - Đây là một trong 3 hoạt động cấp quốc gia được tổ chức, bà Trương Thị Mai mong rằng, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên sẽ gắn với tổ chức sáng tạo nhiều hoạt động nhằm khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp quan trong của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đi vào ổn định cuộc sống.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh