Những cán bộ Mặt trận cơ sở linh hoạt, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân

(Mặt trận) - Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là Mặt trận ở cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, động viên, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; làm cầu nối nhịp nhàng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 

Để ghi nhận những nỗ lực đó của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở, trong các ngày từ 25-27/11, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022.  Đến từ các địa phương, vùng, miền khác nhau trong cả nước, 299 điển hình tiêu biểu tại Hội nghị không chỉ có bề dày thành tích mà còn mang đến rất nhiều những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, những mô hình hoạt động tiêu biểu trong công tác Mặt trận ở cơ sở, từ 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận cơ sở, mỗi điển hình lại có những thành tích đóng góp nổi bật ở những lĩnh vực khách nhau.

“Lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”

Góp phần vào thành công chung của công tác Mặt trận phải kể đến đội ngũ những cán bộ Mặt trận cơ sở luôn tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để xây dựng và củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, thực hiện phương châm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền” và phát huy vai trò của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động và nắm bắt tình hình nhân dân. Cùng với các phương tiện truyền thông hiện đại, cán bộ Mặt trận cơ sở đã linh hoạt, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động ở khu vực, địa bàn phù hợp với đặc thù các tầng lớp nhân dân.

Để làm tốt nhiệm vụ “lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”, cán bộ Mặt trận cơ sở đã chủ động đến với từng hộ gia đình, thông qua nói chuyện, trao đổi để khéo đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời lắng nghe, tập hợp những tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của nhân dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền.

Điển hình trong số 299 đại biểu được biểu dương phải kể đến ông Nguyễn Xuân Tình, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ 15, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, luôn tích cực phối hợp với các thành viên Ban công tác Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Công tác tuyên truyền của Ban công tác Mặt trận được lồng ghép thực hiện trong các sinh hoạt tại chi bộ, tổ dân phố, chi hội, chi đoàn, loa phát thanh, trên nhóm zalo của tổ, tuyên truyền miệng… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn tổ khu phố, mọi người dân luôn có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Ông Điểu K Ít, dân tộc Mạ, theo đạo tin lành, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh, Chi hội trưởng Hội Nông dân Buôn Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, với vai trò là Già làng đã vận động nhân dân trong Buôn nhận giao khoán, quản lý bảo vệ 660 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, xây dựng “Tổ cộng đồng tự quản bảo vệ rừng” gồm 22 thành viên, luân phiên cắt cử thành viên cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng; xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng công nhận năm 2020; tuyên truyền, vận động bà con trong Buôn cho trẻ đến trường đạt tỷ lệ 100%; vận động duy trì Tổ hòa giải trong Buôn với 22 thành viên, qua đó nhiều năm liền trong Buôn không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phải chuyển lên cấp trên xử lý; vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác du canh du cư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển kinh tế.

Bà Vũ Thị Thu Hiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, là người theo đạo Công giáo luôn thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hóa giải kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, vận động bà con tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Để tăng cường hơn nữa công tác vận động, tập hợp đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở nước ta hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành các kết luận về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc” và “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo”. Các chủ trương của Mặt trận đã nhanh chóng được triển khai, cụ thể hóa ở các địa phương. Ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, hằng năm mỗi cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban công tác Mặt trận đã có hàng trăm cuộc tiếp xúc, thăm hỏi, động viên đến từng gia đình, chia sẻ những khó khăn trong đời sống của đồng bào, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ cấp ủy, chính quyền với nhân dân, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Điển hình như: Ông Thao Lợi, dân tộc Brâu, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, cán bộ và nhân dân thôn Đăk Mế thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số; giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển dịch vụ nhằm tăng thu nhập và đời sống.

Ông Triệu Phúc Hiến, dân tộc Dao, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đã tuyên truyền vận động nhân dân đặc biệt là người Dao giữ gìn tập quán tín ngưỡng riêng của người Dao như: Giữ gìn chữ viết (tham gia mở các lớp Học cho con cháu học và viết chữ nôm Dao và học hát giao duyên), trang phục, lễ hội, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, lễ tạ mã, lễ thượng thiền, tết thanh minh được duy trì và bảo tồn từ đời này sang đời khác, vận động nhân dân từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những phong tục gây tốn nhiều kinh phí cho gia đình.

Ông Hồ Văn Long, dân tộc Bru Vân Kiều, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn La Tó, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả mô hình “Ba quản” về phòng, chống ma túy, mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Ông Phạm Văn Khương, người theo Công giáo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, luôn gương mẫu tích cực trong mọi phong trào, vận động đồng bào Công giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, phát huy có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Những lá chắn thép trong phòng, chống dịch Covid-19

Trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" và “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch từ cơ sở. Sau hơn hai năm triển khai, đến ngày 30/6/2022, hệ thống Mặt trận Tổ quốc  các cấp đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật với trị giá trên 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và đóng góp vào quỹ vắcxin của Chính phủ.

Ở cơ sở, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tích cực trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch Covid - 19, những đóng góp của Ban công tác Mặt trận và hệ thống cán bộ Mặt trận cấp cơ sở đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ chăm lo cho người dân vượt qua đại dịch và ổn định cuộc sống.

Qua công tác phòng, chống dịch có những câu chuyện đầy cảm xúc, những tấm gương “người tốt, việc tốt” nở rộ từ trong muôn vàn gian khó, nhiều điển hình tiên tiến tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng và xã hội. Trong những ngày cao điểm, cả nước đã hình thành hàng chục nghìn tổ Covid cộng đồng, có thể ví như những lá chắn thép phòng, chống Covid ngay tại cộng đồng.

Điển hình trong công tác này như: Ông Võ Minh Cường, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sử dụng xe ô tô của gia đình, vận chuyển các trường hợp là F0, F1 đến các điểm cách ly, vận động người thân, anh em, họ hàng trong gia đình chủ động nấu cơm hỗ trợ người khuyết tật, người già neo đơn, lao động mất việc làm, người thuê trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bà Huỳnh Thị Kim Cương, người Hoa, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, đã tích cực vận động các nguồn lực xây dựng 02 căn nhà tình nghĩa, 04 nhà đại đoàn kết, trên 1.500 suất quà, trên 10 tấn gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng.

Ông Đỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đã thành lập được 07 nhóm zalo tại 7/7 khu dân cư với 754 thành viên, vận động được trên 218 triệu đồng, các nhu yếu phẩm phục vụ bà con khu vực phong tỏa có lương thực ổn định cuộc sống.

Ông Lê Lập, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 13 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, đã chủ trì xây dựng mô hình “An sinh xã hội”, mô hình “Khu dân cư Dân vận khéo” rất hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, trực tiếp vận động 20 chủ nhà cho thuê giảm từ 50% -100% giá trị.

Ông Y Blun Niê, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, đã tích cực tuyên truyền động viên nhân dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, không hoang mang, dao động trước các thông tin bịa đặt, không chính xác trên các trang mạng xã hội...

Sẽ còn nhiều hơn nữa những tấm gương, những việc làm cao cả, những hành động đẹp, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của những Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận được biểu dương tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022. Đây thực sự là những nhân tố góp phần quan trọng trong phát huy, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.