Nâng cao năng lực về công tác dân tộc cho cán bộ Mặt trận vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên

(Mặt trận) - Chiều ngày 22/12, tại tỉnh Gia Lai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi khu vực Tây Nguyên. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dự và chia sẻ với đại biểu về công tác dân tộc của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị 

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS, miền núi của MTTQ Việt Nam là hệ thống các hoạt động của Mặt trận trong việc đề ra và thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS, miền núi của MTTQ Việt Nam góp phần to lớn vào thực hiện thành công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức đồng bào các dân tộc tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước; nắm và phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc; ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng.

Thông tin về nội dung công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS, miền núi của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, cán bộ làm công tác dân tộc cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS; kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước; Phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào DTTS; Tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc; Vận động đồng bào DTTS vùng biên giới thực hiện tốt việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với nhân dân nước bạn; Phối hợp thực hiện an sinh xã hội, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS; Phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào DTTS.

Quang cảnh Hội nghị 

Để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần với đồng bào, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng cần phải đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền thông qua hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng báo chí, truyền thông; tuyên truyền bằng văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật; tuyên truyền bằng cổ động; tuyên truyền bằng so sánh; tuyên truyền bằng nêu gương; tuyên truyền bằng người thật, việc thật...

Công tác tuyên truyền phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu và làm thay đổi nhận thức của họ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Hoạt động tuyên truyền phải lấy đối tượng được tuyên truyền là đồng bào DTTS làm trung tâm. Phương pháp tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền theo chiến dịch. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tăng cường sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, áp dụng công nghệ cao, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, công tác dân tộc cũng phải hướng đến tập hợp, tổ chức nhân dân các dân tộc thành khối đại đoàn kết, hăng hái tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó, phương pháp tổ chức rất quan trọng trong công tác dân tộc. Phương pháp tổ chức trong công tác dân tộc của Mặt trận trước hết là tập hợp, tổ chức nhân dân vào các tổ chức phù hợp và tổ chức phong trào thi đua yêu nước, như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình trang trại; mô hình tự quản. 

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Tăng cường phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào DTTS; Phối hợp giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc, triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2021- 2025; Tăng cường phối hợp thực hiện, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Trong 2 ngày 22-23/12 của Hội nghị tập huấn, đại biểu tham dự cũng được lắng nghe chuyên đề tổng quan về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030; chuyên đề giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn I từ 2021-2025. Đại biểu tham dự cũng được đi thăm mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai.